(GLO)- Những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) được duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào TDTT quần chúng tại huyện Ia Pa được duy trì và có bước phát triển đáng kể. Số lượng người tập TDTT thường xuyên qua các năm không ngừng tăng lên, nhiều câu lạc bộ (CLB) TDTT ra đời, chất lượng các giải thi đấu thể thao được nâng cao.
Hiện nay, 40% dân số của huyện tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Toàn huyện có 1 nhà thi đấu đa năng, 1 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, 5/9 xã có sân bóng đá, 46/75 thôn, làng có sân thi đấu thể thao, 4 CLB võ thuật hoạt động với hơn 300 võ sinh tham gia.
Anh Kpă Nam-Chủ nhiệm CLB Vovinam tại xã Ia Ma Rơn-cho biết: “Câu lạc bộ được thành lập năm 2011. Hiện tại, CLB có 30 võ sinh thường xuyên tập luyện. Tại các giải thi đấu của tỉnh, CLB đều có võ sinh tham gia và đạt huy chương”.
|
Các vận động viên thi đấu tại giải bóng chuyền của huyện. Ảnh: Vũ Chi |
Hàng năm, huyện thường tổ chức 4-6 giải đấu thể thao và cấp xã 2-4 giải. Một số môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo… đã trở thành môn thi đấu chính thức tại các giải cấp cơ sở và huyện. Những ngày lễ lớn trong năm, địa phương thường tổ chức các giải thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia.
Các xã tổ chức tốt hoạt động TDTT và đạt thành tích cao tại giải của huyện như: xã Ia Ma Rơn, Ia Kdăm, Ia Trok, Ia Tul. Nhiều năm liền, đội bóng chuyền nam xã Ia Ma Rơn luôn giành thứ hạng cao tại Đại hội TDTT các dân tộc thiểu số của huyện cũng như tỉnh tổ chức.
Anh Siu Alem-công chức xã Ia Ma Rơn-chia sẻ: Vào các ngày lễ lớn trong năm, xã đều tổ chức các giải thi đấu thể thao như: bóng chuyền, bóng đá… Đội tuyển bóng chuyền nam của xã gồm 12 thành viên. Chiều nào đội cũng tập luyện và thường giành giải cao tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số của huyện, được lựa chọn đi thi đấu cấp tỉnh.
“Tuy vất vả với công việc đồng áng nhưng các thành viên trong đội luôn dành 2 giờ mỗi ngày để cùng nhau tập luyện. Năm 2017 và 2020, đội giành huy chương đồng; năm 2018 giành huy chương vàng bóng chuyền nam khi đại diện cho huyện tham gia thi đấu tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh”-anh Alem cho biết.
|
Các cầu thủ tham gia tranh tài tại Giải bóng đá thiếu niên-nhi đồng lần thứ XII của huyện. Ảnh: Vũ Chi |
Ông Nguyễn Hùng Linh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa: “Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của tập luyện TDTT thường xuyên, góp phần đẩy mạnh phong trào, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động, học tập, giúp ngăn chặn các tệ nạn xã hội”. |
Nhiều cơ quan, đơn vị đầu tư làm sân bóng đá, bóng chuyền để người lao động tập luyện, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết nội bộ. Theo ông Nguyễn Hùng Linh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa, hàng năm, huyện đều tổ chức các giải thi đấu: bóng đá, bóng chuyền, việt dã. Các giải đấu đều thu hút đông đảo vận động viên tham gia và hàng ngàn lượt người đến cổ vũ. Các kỳ Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT được tổ chức quy mô với số lượng lớn các đoàn về tham dự.
Trước sự lớn mạnh của phong trào, khó khăn đặt ra là công tác xã hội hóa TDTT, cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ luyện tập TDTT còn chưa đáp ứng; đa phần dừng lại ở việc tạo mặt bằng để người dân tập luyện. Đây là một trong những nguyên nhân huyện chưa thể đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp.
VŨ CHI