Ia Grai: Đưa nông sản an toàn đến người tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phiên chợ nông sản an toàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai (Gia Lai) tổ chức mới đây đã thành công tốt đẹp. Qua phiên chợ, người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận với các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.
Phiên chợ có 16 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn do các cơ quan, tổ chức, cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện sản xuất. Bà Puih Tyưnh-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia O-cho biết: Hội LHPN xã đem đến phiên chợ 7 sản phẩm gồm: cá lăng nướng, cá khô sông Sê San, cá khô bánh tráng, bí đỏ, gạo nếp cẩm, gạo rẫy và quýt. Trong đó, gạo nếp cẩm, gạo rẫy và cá khô sông Sê San được khách hàng mua nhiều nhất. “Đây đều là những sản phẩm đặc trưng của địa phương do chính tay chị em phụ nữ trong xã sản xuất, chế biến theo hướng an toàn. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ vận động chị em sản xuất các nông sản, thực phẩm an toàn nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”-bà Tyưnh nói.
 Phiên chợ trưng bày nhiều sản phẩm đặc trưng do các tổ chức, cán bộ, hội viên phụ nữ sản xuất.  Ảnh: H.T
Phiên chợ trưng bày nhiều sản phẩm đặc trưng do các tổ chức, cán bộ, hội viên phụ nữ sản xuất. Ảnh: H.T
 Theo quan sát của chúng tôi, mặt hàng chiếm số lượng nhiều nhất tại phiên chợ là các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, như: cà phê, cam, xoài, gạo, mật ong, hạt điều, rau củ các loại. Chị Nguyễn Thị Vân Thuận (thôn 4, xã Ia Tô) mang đến phiên chợ 20 kg cà phê bột và tiêu thụ rất nhanh. Theo chị Thuận, cà phê của gia đình chị được trồng theo hướng an toàn, chỉ sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đồng thời, gia đình luôn để cà phê chín đỏ trên cây rồi mới thu hái, sau đó phơi khô và bảo quản cẩn thận. Khi chế biến, chị rang thủ công bằng củi chứ không rang bằng máy để cà phê thơm ngon hơn. Trung bình mỗi năm, chị xuất bán 4 tấn cà phê nhân và khoảng 2,5 tấn cà phê bột. “Thực tế, cà phê của gia đình tôi bán ra thị trường ngoài tỉnh nhiều hơn trong tỉnh và huyện. Vì vậy, tham gia phiên chợ, tôi mong người dân trong huyện biết và tiếp cận sản phẩm cà phê sạch của gia đình”-chị Thuận cho hay.
Ngoài ra, phiên chợ cũng bày bán nhiều sản phẩm, món ăn truyền thống của người dân địa phương như: thổ cẩm, rượu cần, cơm lam, gà nướng, thịt heo gác bếp, muối lá é… Phấn khởi vì 20 kg thịt heo gác bếp đem đến phiên chợ nhanh chóng bán hết, chị Rơ Châm HJuly (xã Ia Sao) cho biết: Thịt heo này được làm từ heo địa phương và có chọn lọc nên chất lượng đảm bảo. Khi chế biến, mình không dùng chất bảo quản, không tẩm màu mà chỉ ướp bằng các gia vị truyền thống như đường, muối, gừng rừng. “Đây là món ăn đặc trưng của dân tộc Jrai. Mình tham gia phiên chợ là để giới thiệu cho nhiều người biết về món ăn này”-chị HJuly cho hay.  
Tuy là lần đầu tiên tổ chức nhưng phiên chợ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, phụ nữ và người dân trên địa bàn. Chị Siu Tuyn (làng Cúc, xã Ia O) chia sẻ: “Mấy năm nay, gia đình mình rất quan tâm đến việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe. Khi nghe Hội LHPN xã thông báo có phiên chợ nông sản an toàn tổ chức tại trung tâm huyện, mình liền tới mua một số loại thực phẩm về để nấu ăn. Mình cũng rất ấn tượng khi các gian hàng đều dùng túi giấy để gói sản phẩm giao cho khách chứ không dùng túi ni lông như khi đi chợ. Việc làm này cũng góp phần bảo vệ môi trường”. 
Trao đổi với P.V, bà Lưu Thị Tâm-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Grai-cho hay: Phiên chợ là cơ hội để các tổ chức, cán bộ, hội viên phụ nữ giới thiệu những sản phẩm an toàn do mình sản xuất tới người tiêu dùng; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, hình thành thói quen sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng để đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, nhân dịp này, Hội cũng đã phát động phong trào “Phụ nữ thi đua sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2019-2020” nhằm kêu gọi chị em không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, chất cấm trong chăn nuôi; tích cực tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; thành lập mới và duy trì có hiệu quả mô hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn phù hợp thực tế địa phương.
“Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ, doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất nông sản theo hướng an toàn, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần giới thiệu mỗi địa phương một sản phẩm theo chương trình OCOP. Cùng với đó, hướng tới xây dựng mỗi cơ sở Hội có 1 sản phẩm riêng theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ”-bà Tâm thông tin thêm. 
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.