Hương ước giữa đại ngàn: Cá mát trở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nhóm người dân bản Xốp Nặm (xã Tam Hợp, H.Tương Dương, Nghệ An) đứng trên bờ, thích thú nhìn những đàn cá mát trắng bạc chao lượn kiếm ăn dưới con suối trong vắt chảy qua bản. Đã rất nhiều năm rồi, họ mới thấy cá mát trở lại nhiều như thế.
Suối Chà Lạp đã hồi sinh khi loài cá mát được phục hồi trở lại ẢNH: K.HOAN
Suối Chà Lạp đã hồi sinh khi loài cá mát được phục hồi trở lại ẢNH: K.HOAN
Đó là thành quả của việc gìn giữ, tái tạo những loài cá có giá trị trên các con suối do chính quyền và dân bản ở xã Tam Hợp (H.Tương Dương, Nghệ An) ra quy ước cùng thực hiện.
Những đàn cá mát, cá lăng, cá bọp - sản vật quý do thiên nhiên ban tặng - có nguy cơ biến mất đang phục hồi một cách kỳ diệu từ một quy định tưởng chừng không thể thực hiện được.

Cá mát, một đặc sản có giá trị của vùng rẻo cao Tam Hợp
Cá mát, một đặc sản có giá trị của vùng rẻo cao Tam Hợp
Ký ức suối cá
Xã Tam Hợp nằm sát biên giới Việt - Lào. Người Thái, Khơ Mú, Tày Poọng ở đây sống bằng cách bám rừng. Con suối Chà Lạt bắt nguồn từ bên kia biên giới kéo dài hơn 20 km và hợp lưu với suối Cặt ngay phía trước trụ sở xã cung cấp nguồn lợi cá lớn.
Ông Lương Duy Khánh, một cựu cán bộ xã Tam Hợp, kể năm 1977 hàng chục hộ dân ở 2 bản của xã Tam Thái cắt rừng, vượt hơn 30 km vào đây sinh sống. Đó cũng là những cư dân đầu tiên khai sinh ra xã Tam Hợp. Trong ký ức của ông Khánh, lúc đó, rừng ở đây còn rất hoang sơ, thâm u, cá dưới suối rất nhiều, người lội suối có khi phải rẽ cá mà đi. Những loài cá rất có giá trị như cá lệch, cá lăng, cá mát… đã nuôi sống dân bản trong những năm đói kém do lúa rẫy bị mất mùa. Thịt cá mát rất lành, thơm ngon, mỡ béo, ít xương. Người dân Tam Hợp chế biến nhiều món ăn đặc trưng từ loài cá này như: cá nướng ống tre, gỏi cá,
lạp cá…
Rồi cư dân đông dần lên, những suối cá theo thời gian cũng cạn kiệt dần. Ngoài cách đánh bắt bằng chài, lưới, nhiều người sử dụng lá cơi (một loại lá cây rừng) mang về giã nát, ném xuống suối. Ông Khánh kể, sau khi ném loại lá này xuống, nước chảy đến đâu, cá tôm chết đến đó, thậm chí cả ốc, cua cũng không thể sống nổi. Sau này, nhiều người dùng kích điện, thậm chí ném mìn để bắt cá. Những cách đánh bắt này đã hủy diệt nguồn lợi thủy sản ở các con suối của Tam Hợp.
Chỉ tay ra phía con suối nước trong vắt chảy qua trước cổng nhà, ông Khánh bảo, mấy năm trở lại đây, đêm nào trên các con suối ở Tam Hợp cũng dày đặc đèn đóm. Từng đoàn người quần thảo trên suối với đủ loại dụng cụ đánh bắt, kể cả kích điện. Không chỉ người dân trong xã, những tay sát cá ở các xã khác cũng kéo vào đây. Bởi các loài cá trên suối này rất có giá, cá lệch được mua mỗi ki lô gam 500.000 đồng, cá lăng 300.000 đồng và cá mát 250.000 đồng. Thi thoảng, một vài thợ săn cá may mắn đánh được con cá lệch hoặc cá lăng to bán được mấy triệu đồng lại càng kích thích những người sát cá tìm đến. “Mấy năm gần đây, cá ít hẳn. Cá mát sinh trưởng khá nhanh, nhưng chỉ mới nhỉnh bằng ngón tay đã bị bắt hết và chúng cũng dần bị cạn kiệt nếu không có phương án bảo tồn”, ông Khánh nói.
Cứu cá
Cầm quy ước bảo vệ các loài cá vỏn vẹn 5 trang giấy trên tay, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hợp Lương Phi Thanh nói với tôi, ông không dám nghĩ, quy ước bảo vệ cá lại thành công như vậy. Ý tưởng bảo tồn các loài cá quý trên các con suối của xã xuất hiện từ 3 năm trước khi những con suối ngày càng cạn kiệt cá, tuy nhiên nhiều người cho rằng, việc nghiêm cấm đánh bắt là khó tưởng. Cuối năm 2018, tại kỳ họp HĐND xã, câu chuyện bảo tồn cá được đưa ra bàn thảo và được các đại biểu hưởng ứng. UBND xã sau đó soạn thảo quy ước, đưa ra 5 khu vực suối (mỗi khu vực từ 800 - 1.000 m) để bảo tồn, nghiêm cấm mọi hành vi đánh bắt.
Quy định này được đưa về phổ biến cho người dân các bản và bổ sung vào hương ước của bản để thực hiện. Mục tiêu của việc bảo tồn nhằm tái tạo các loài cá quý đang có nguy cơ biến mất. Các khu vực cấm được cắm mốc, treo bảng cấm, dưới suối không có lưới che chắn, cá có thể di chuyển ra ngoài phạm vi vùng cấm và người dân vẫn có quyền đánh bắt. “Chúng tôi giải thích với dân, những chỗ cấm đánh bắt là chỗ để cá đẻ trứng, phát triển. Lớn lên, chúng sẽ di chuyển ra khỏi khu vực đó và bà con cứ việc đánh bắt. Khi quy ước này được đưa về phổ biến cho người dân ở các bản, thấy lợi ích bảo tồn là cần thiết và cũng để phục vụ cho người dân nên người dân rất ủng hộ”, ông Thanh khoe.
Ban đầu, một số người vẫn có ý định ra suối bắt trộm cá về làm mồi nhậu, nhưng hành động vi phạm quy ước này cũng lập tức được người dân phát hiện, báo cho trưởng bản. “Chúng tôi đến nhà vận động, giải thích, mưa dầm thấm lâu, một số người “cứng đầu” rồi cũng nhận ra lợi ích của việc bảo tồn cá và phải quy phục quy ước của xã, của bản”, ông Thanh nói.
Những con suối được hồi sinh
Ông Thanh dẫn tôi ra suối Chà Lạp chảy qua trước cổng trụ sở xã. Mùa này suối khá cạn, nước chỉ ngập qua đầu gối. Một nhóm người dân bản đang đứng trên bờ hào hứng xem cá. 10 giờ sáng, từng đàn cá mát cỡ hai ngón tay, cá bọp chao lượn tìm thức ăn trông rất vui mắt. Đã lâu lắm rồi, họ mới thấy cá mát trở lại nhiều như thế. Do không còn bị đe dọa nên đàn cá ít sợ hơn. “Hôm trời nắng to, nước trong, mỗi mét vuông chúng tôi đếm được hơn hai chục con cá mát”, ông Thanh nói.
Ông Lương Duy Khánh, một “chuyên gia” về cá suối ở Tam Hợp, cho biết cá mát có ở khá nhiều vùng núi nước ta, nhưng cá mát Tam Hợp thuộc tốp đầu về độ ngon. Mỗi ki lô gam cá mát bây giờ có giá 250.000 đồng, nhưng không phải muốn mua là có, ngay cả ở “cái nôi” cá mát Tam Hợp này. Do đắt đỏ, nên cá mát chủ yếu chễm chệ trong các nhà hàng. “Ở một số nơi, người ta đưa cá trôi con ra bán, về thân hình khá giống với cá mát nên nhiều người bị nhầm”, ông Khánh nói.
Ông Khanh cũng cho biết, ở vùng sông Giăng (H.Con Cuông Nghệ An) cũng nổi tiếng về cá mát, nhưng ở đây, loài cá này đang có nguy cơ biến mất do bị con người tận diệt vì không được bảo vệ như ở Tam Hợp. Cá mát thích sống ở suối nước chảy. Thức ăn của chúng là rêu bám đá. Cá mát lớn nhất chỉ nặng 0,5 - 0,6 kg. Ông Khánh nói loài cá này sinh sản vào tháng 3, tháng 4 hằng năm, mỗi lần đẻ khoảng 700 - 800 trứng. Trong môi trường không bị đe dọa, đánh bắt, cá mát lớn khá nhanh. Sau gần 2 năm khoanh vùng cấm đánh bắt, ở Tam Hợp, cá mát đã sinh trưởng khá nhiều, lớn bằng 2 - 3 ngón tay. Các loài cá bọp, cá láu cũng đã hồi sinh và nhiều con đã lớn gần bằng cổ tay người lớn.
Trông xuống con suối trong vắt, mát lạnh, ông Vi Văn Hợi (ngụ bản Xốp Nặm) thích thú, nói lâu lắm rồi, cá mới trở lại nhiều như thế. “Giờ vung chài là có thể bắt được cả ký cá, có vài trăm ngàn, nhưng không ai bắt nữa vì đã cam kết với nhau rồi. Phải đồng lòng bảo vệ cá, tạo cảnh quan đẹp cho bản chứ! Từ khi có hương ước cấm bắt cá, dân bản rất đồng lòng thực hiện”, ông Hợi nói.
Ở ngay vị trí hợp lưu của hai con suối Chà Lạp và suối Cặt là một thung lũng khá đẹp, có đường nhựa chạy qua. Chính quyền xã Tam Hợp dự tính sẽ xây dựng thành điểm du lịch sinh thái ngay tại suối cá này. Không chỉ tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp, sinh động, suối cá này còn là biểu tượng của sự đoàn kết, đồng lòng bảo vệ môi sinh của người dân vùng biên viễn này.
(còn tiếp)
Theo Khánh Hoan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.