Hướng tới thương hiệu Yến sào Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, trên địa bàn thị xã Ayun Pa có khoảng 30 hộ nuôi chim yến. Trong số này, nhiều hộ đã nuôi  thành công, thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Từ thực tế đó, chính quyền thị xã đang có định hướng phát triển bền vững nghề nuôi yến, hướng tới xây dựng thương hiệu Yến sào Ayun Pa.

Cách đây 10 năm, ông Nguyễn Văn Toàn (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã lặn lội đến các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và TP. Hồ Chí Minh tham khảo mô hình nuôi chim yến. Tận mắt thấy nhiều hộ nuôi yến vươn lên làm giàu, ông Toàn mạnh dạn thử nghiệm đặt máy dẫn dụ chim yến về thung lũng Ayun Pa. Sau nhiều ngày, chim yến bắt đầu bay về quanh nơi ông Toàn đặt máy.

 

Nhà nuôi chim yến của bà Nguyễn Thị Lợi. Ảnh: N.T
Nhà nuôi chim yến của bà Nguyễn Thị Lợi. Ảnh: N.T

Từ tín hiệu đáng mừng ấy, gia đình ông Toàn đã xây dựng ngôi nhà 2 tầng rộng 200 m2, lắp đặt hệ thống dẫn nước phun sương và đặt mua máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến về để nuôi. Đến tháng 8-2010, ngôi nhà nuôi yến đầu tiên tại thị xã Ayun Pa đã hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư 700 triệu đồng. 2 năm sau, ngôi nhà nuôi yến của gia đình ông Toàn đã có hơn 500 cặp chim yến tìm về làm tổ. Đến nay, gia đình ông Toàn đã có 2 nhà nuôi yến với hơn 1.000 cặp chim yến trú ngụ. Chất lượng yến sào nuôi ở gia đình ông Toàn được đánh giá cao và được thu mua với giá từ 2,2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/lạng.

Từ thành công ban đầu của gia đình ông Toàn, nhiều hộ dân tại thị xã Ayun Pa đã mạnh dạn xây dựng nhà gọi chim yến về nuôi, trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Lợi (phường Hòa Bình). Gia đình bà Lợi có 4 nhà nuôi chim yến, gồm 3 nhà ở thị xã Ayun Pa và 1 nhà ở huyện Phú Thiện. Trong đó, có 2 nhà nuôi hơn 2.000 cặp chim yến. Bà Lợi cho biết: “Năm 2012, chúng tôi xây thêm 1 tầng của ngôi nhà đang ở để đặt máy gọi chim yến về nuôi. Thời mới thử nuôi, chỉ có vài cặp về trú ngụ nhưng sau này yến về rất đông. Cứ đến chiều tối, chim yến bay kín trên nóc nhà. Nuôi đến năm thứ 3 thì thu hoạch được vài lạng tổ yến. Năm thứ 4 thì thu được rất nhiều. Sau này, nhận được sự hỗ trợ về kinh phí của UBND thị xã Ayun Pa để phát triển mô hình nuôi chim yến nên chúng tôi xây dựng thêm nhà nuôi.

Năm 2017, tổng số tổ yến thu hoạch từ 2 nhà nuôi trong 3 đợt là khoảng 50 kg, bán được hơn 1 tỷ đồng. Những người thu mua tổ yến đã mang mẫu đi xét nghiệm và cho biết tổ yến do chúng tôi nuôi có chất lượng cao. Cứ tới đợt thu hoạch tổ yến là họ đến mua và đưa vào bán ở TP. Hồ Chí Minh hoặc xuất đi Trung Quốc. Thu hoạch được bao nhiêu là có người mua hết. Nhiều người đến hỏi mua nhưng không đủ tổ yến để cung ứng. Giá tổ yến thu mua ở nhà tôi từ 2,2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/lạng. Hiện chúng tôi đang xây dựng thêm 2 nhà nuôi yến mới. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi chim yến của gia đình tôi nên có rất nhiều hộ đến học hỏi. Chúng tôi đã hướng dẫn cách xây nhà, mua máy phát âm thanh gọi yến và vận động họ nuôi để có nguồn thu nhập ổn định. Nhưng chúng tôi cũng dặn họ là phải cẩn trọng, làm từ từ vì chi phí đầu tư ban đầu cao, một nhà nuôi yến mới xây khoảng 300 m2 hết xấp xỉ 1 tỷ đồng”.

 

Ông Thái Thanh Bình-Bí thư Thị ủy Ayun Pa: “Tới đây, Thị ủy sẽ có buổi làm việc với UBND thị xã về thực trạng và định hướng cho việc phát triển mô hình nuôi chim yến trên địa bàn. Đồng thời, sẽ thảo luận để có phương án cụ thể trong việc phát triển nghề nuôi chim yến, góp phần giúp người dân làm giàu gắn liền với bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng thương hiệu Yến sào của thị xã Ayun Pa”.

Theo ông Lê Minh Trí-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa, toàn thị xã hiện có 45 nhà nuôi chim yến của khoảng 30 hộ dân, trong đó có 42 nhà đã nuôi chim yến và 2 nhà đang được xây dựng. Trong số 42 nhà nuôi chim yến thì khoảng 1/3 là nhà xây chỉ dành nuôi chim, còn lại là tận dụng nhà ở để nuôi. Các xã, phường có nhiều hộ dân nuôi chim yến là Hòa Bình, Đoàn Kết, Sông Bờ và Ia Rtô. Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ việc nuôi yến. “Hướng đến việc phát triển bền vững mô hình nuôi chim yến, thời gian qua, UBND thị xã đã quan tâm hỗ trợ nhiều hộ nuôi về kỹ thuật; hỗ trợ tiền để mua máy phát âm thanh gọi chim yến và hệ thống ống dẫn nước phun sương. Đồng thời, UBND thị xã cũng đã đặt hàng một công ty để xây dựng đề án chi tiết quy hoạch vùng nuôi chim yến và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi chim yến. Sau khi hoàn thành, đề án này sẽ giúp đỡ nhiều cho người dân thị xã trong việc phát triển mô hình nuôi chim yến”-ông Trí cho hay.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

(GLO)- Sáng 20-12, tại Tiểu khu 392 thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và các chủ rừng diễn tập chữa cháy rừng năm 2024.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.