Hòn đảo thức trông đất liền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đảo Mắt (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) là “một hòn đảo nhỏ, án ngữ một vùng của biển Đan Nhai, trông vào đất liền, canh giữ kẻ xâm lăng dòm ngó” (Nghệ An ký, Hoàng Giáp-Bùi Dương Lịch). Giống như tên gọi, hòn đảo đang làm nhiệm vụ của một con mắt thần canh giữ một vùng biển Tổ quốc. Chuyến tàu ra đảo Mắt của chúng tôi theo kế hoạch xuất phát lúc 6 giờ sáng, một ngày mùa hè. Lúc này, trời vẫn chưa sáng rõ, nhưng Thiếu tá Dương Đức Dũng (Tiểu đoàn hỗn hợp 32 đảo Mắt, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An)- người đã có gần 30 năm kinh nghiệm lái tàu ra đảo Mắt-tiết lộ, hôm nay tiếp tục sẽ là một ngày nắng gắt. 

Huấn luyện chiến đấu trên đảo Mắt.
Huấn luyện chiến đấu trên đảo Mắt.
Đến với mắt thần giữ biển
Thiếu tá Dũng bảo có những tháng, anh đi về hòn đảo này chục lần, chủ yếu để chở bộ đội, chở lương thực, thực phẩm cho quân dân trên đảo. Thời điểm ra đảo Mắt của chúng tôi là sáng mùa hè tháng 7, nắng gắt, nhưng biển lặng, sóng êm. Giải thích cho việc khởi hành từ sáng sớm, anh Dũng nói để tránh buổi trưa gió nam biển động, tàu sẽ khó cập đảo. Theo dự tính, khoảng một giờ 35 phút tàu sẽ tới nơi. 
Tôi nhìn theo dấu tay anh Dũng, ngược nắng, đảo Mắt gồm hai hòn đảo nhỏ nối liền nhau nhìn như một đôi mắt trên biển. Chuyện xưa kể rằng, đảo Mắt (tên gọi khác là Hòn Mắt) vốn được gọi là Quỳnh Nhai, gắn liền với tích nàng Tố Nương ngóng chồng của người xứ Nghệ. Vợ chồng nàng vốn là tướng của Hai Bà Trưng, vì chiến tranh mà lạc mất nhau. Không bỏ cuộc, Tố Nương giong thuyền về quê chồng Hàm Hoan, chính là Nghệ An bây giờ. Tới đảo Quỳnh Nhai thì Tố Nương kiệt sức. Từ đó, nàng ở lại đảo, ngày đêm dõi mắt về đất liền chờ chồng.  Đảo Mắt có tên từ đó.
Chuyện dân gian nên mới mang đậm màu sắc hoài nhớ và buồn thương vậy. Chứ trước khi tới đây, tham khảo ý kiến của một người am hiểu về lĩnh vực quân sự, thì thảy đều nhận định đảo Mắt có vị trí hết sức quan trọng trong quốc phòng-an ninh không chỉ của riêng Nghệ An mà còn của cả khu vực Bắc Trung Bộ. Càng tới gần đảo, càng nhìn rõ những khối đá lớn phơi mình dưới nắng, sóng vỗ ầm ì dưới chân. Thuyền vào tới đảo mới gần 8 giờ sáng, nhưng nắng đã ngấm vào từng thớ đá hầm hập nóng. 
Đảo Mắt là đảo đá, nó có khả năng làm tất cả những ai đặt chân lên lần đầu ngỡ ngàng. Không chỉ bởi không gian đặc trưng của một hòn đảo, mà còn bởi cách những người lính ở đây sử dụng những tảng đá vô tri tạo nên những khẩu hiệu, những hình vẽ, bản đồ tuyên truyền bắt mắt. Giữa không gian toàn những tảng đá vượt đầu người, hòn đảo vẫn mang trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ đầy khắc nghiệt. 
Từ lúc bước xuống tàu, phương tiện đi lại duy nhất của chúng tôi là đôi chân. Thử thách cao nhất với chúng tôi là đường lên Cổng Trời. Đó là vị trí vọng gác cao nhất ở đảo Mắt cao hơn 200 m so với mực nước biển. Từ nơi này có thể nhìn bao quát khắp đảo. Bộ đội đảo gọi là Cổng Trời vì đường lên đây dốc đứng. Hai cậu chiến sĩ Lê Thế Huân và Nguyễn Văn Mạnh thoăn thoắt đi trước dẫn đường, còn chúng tôi thì gần như cạn kiệt sức lực. Gió biển thổi lồng lộng, át cả sự mệt mỏi. Nhìn sang Nguyễn Văn Mạnh, thấy cậu cười tươi rói: “Mới đầu thì sẽ thấy khó khăn, nước hơi thiếu tý, đi lại khó khăn tý. Đi lại với nước không như trong đất liền. Mấy hôm đầu cũng mệt, sau quen”. Hầu hết đường đến các đơn vị cũng đều phải men theo những bậc thang dốc. Những bậc thang được xây trên những con dốc có độ nghiêng lớn như thế này chính là nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho quá trình hành quân, cơ động của bộ đội. Càng khó khăn, càng là môi trường để bộ đội rèn luyện. 

Vườn rau tăng gia của bộ đội Tiểu đoàn hỗn hợp 32 đảo Mắt.
Vườn rau tăng gia của bộ đội Tiểu đoàn hỗn hợp 32 đảo Mắt.
Chuyện nước
Cũng như rất nhiều hòn đảo khác, đảo Mắt cũng phải đối mặt với vấn đề sống còn: Nước. Hôm chúng tôi đến chính là cao điểm của đợt nắng nóng. Rất nhiều ngày không có giọt mưa nào. Chủ đề của mọi câu chuyện, rồi đều quay qua việc “tiết kiệm nước”. Mạch dẫn nước dọc các con dốc, đường đi trên đảo đều khô khốc. Cứ tầm tháng 7 là bể trữ nước mưa của các trung đội sẽ bắt đầu cạn kiệt. 
Bộ đội tìm cách trữ nước từ những mạch ngầm của núi rỉ ra bằng cách xây một bể chứa sâu trong hõm đá. Những giọt nước chắt chiu để tưới rau và dùng cho những sinh hoạt thiết yếu. Đơn vị nào cũng cố gắng tạo một vườn rau xanh gần nguồn nước nhất có thể, dù không phải đơn vị nào cũng có vị trí đóng quân thuận lợi, và dù cái nắng gay gắt kéo dài, cũng khiến nhiều vườn rau bị gió táp cháy cả lá, chậm lớn.
Trung đội bộ binh 3 được xem là “nhà giàu” của cả đảo bởi đơn vị có khu vườn tăng gia đẹp nhất Tiểu đoàn. Trung đội có điều kiện bảo đảm tăng gia tương đối thuận lợi hơn so với nhiều đơn vị khác, như diện tích vườn bằng phẳng, nằm kín gió, gần nguồn nước. Cán bộ, chiến sĩ tận dụng mọi thứ sẵn có chung quanh để che chắn, bảo vệ , nuôi dưỡng và chăm sóc vườn rau. Cánh lính làm hẳn một “ao rau muống” trên bạt nylon, để những cọng rau hiếm hoi có thể “tắm” thỏa thuê, đúng chất muống ao. Đó là một sáng kiến của bộ đội đảo Mắt. Cái khó ló cái khôn, ngoài quây bạt để làm ao thì bộ đội mua thêm chất tạo mùn cho rau phát triển tốt. Vậy là ao rau vẫn cứ xanh. Chiến sĩ Nguyễn Công Trang cười tủm tỉm khi được hỏi về bí quyết chăm vườn rau: “Nhổ cỏ, tưới nước, bón phân, thế thôi ạ. Ngoài này hơi vất vả vì đất thì cát làm khó, nước phải đi lấy thường xuyên, ngày đi lấy hai lần sáng và chiều, phải che mát, phân thì ủ phân rừng thành bột rải lên hoặc om nước tưới. Khó nhất là rải hạt cây phải trông nom không dế nó cắn”.  Cái thế thôi, hẳn cũng là một nỗ lực lớn của cậu lính trẻ giữa mùa nóng. Giữa trưa, vẫn thấy Trang và đồng đội lúi húi che bạt, chăm rau, nâng niu từng lá rau muống như nắm tay người yêu. 
Ở một phía khác ở đảo, Trung đội pháo 85 sở hữu một dãy cây trồng trong hộp xốp, nhìn chẳng khác mấy ban-công ở chung cư các đô thị. Bao nhiêu nước dồn cả cho mấy mầm xanh quý giá đó. Ở đảo này, mỗi khi đi tắm ở các khe đá là bộ đội đều cầm theo một cái can. Tắm xong, bộ đội hứng nước đó mang về tưới rau. Anh em chỉ cho chúng tôi mạch nước ngầm dồi dào nhất nằm ở địa bàn của Trung đội bộ binh 4. Tắm rửa, sinh hoạt của bộ đội vì thế cũng được thoải mái hơn so với các đơn vị khác. Gọi là thoải mái hơn thôi, nhưng cũng phải tiết kiệm từng ca nhỏ. Cứ vào mùa hè là cả đảo đều chờ mưa. Mưa mới là nguồn nước sống còn. Những người lính Tiểu đoàn hỗn hợp 32 bảo rằng, mùa hè là mùa khó khăn nhất, chính vì thiếu mưa, thiếu nước. Kéo theo đó là thiếu điện, điện chỉ được phát máy phát vào những dịp quan trọng theo kế hoạch. 
Thế nhưng, mùa hè hay mùa đông, mưa hay nắng, đêm trên đảo Mắt, vẫn thấy lấp loáng ánh đèn tuần tra, tiếng chó sủa báo hiệu. Màn đêm mịt mù nhưng đường ở đảo, chân bộ đội chẳng lạ chỗ nào. Suốt những tháng năm lịch sử của đảo Mắt, những người lính ở đây đã gìn giữ bình yên suốt cả một vùng duyên hải Bắc Trung Bộ. Cũng chẳng vì những khó khăn mà chùn bước. Ánh nhìn từ đảo, vẫn sáng rõ giữa đêm, thức trông cho đất liền yên giấc. 
Theo Vương Dự (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.