(GLO)- Ngày 3-11, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan.
Sau 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo dừng việc khai thác gỗ, cấp phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác… Toàn tỉnh có 17/17 huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi đất để thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; có 193,2 ha đất lấn chiếm được thu hồi để trồng rừng…
Quang cảnh Hộị nghị. Ảnh: Trần Dung |
Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 6.021,9 ha rừng (đạt 86,0% so với Nghị quyết HĐND giao), bao gồm: trồng rừng tập trung: 5.122,6 ha; trồng rừng phân tán: 899,3 ha. Từ nay đến cuối năm 2017, UBND tỉnh quyết tâm chỉ đạo trồng từ 7.000 ha rừng trở lên, đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch thu, chi và tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Theo đó, tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ là 87%. Số lượng các cơ sở mua bán, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có đăng ký với cơ quan kiểm lâm là 206 cơ sở/211 địa điểm kinh doanh. Có 75 hộ cá thể và và 1 doanh nghiệp không đăng ký hoạt động. Về kết quả tuần tra, kiểm tra kiểm soát, bảo vệ rừng tại gốc đã được các ngành, các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn 54 vụ phá rừng làm rẫy với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 23,69 ha. Một năm qua, Gia Lai đã có 901 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 43 vụ so với một năm trước)…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì sau 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU, Gia Lai cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định như: một số địa phương chưa hoàn thành xây dựng kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn còn mang tính hình thức; tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn phổ biến; tình trạng lâm tặc lén lút khai thác gỗ trái phép với quy mô nhỏ lẻ vẫn còn; các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi; nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương còn rất hạn hẹp…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của các sở, ban ngành, địa phương dẫn đến những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, chúng ta tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng trên địa bàn quản lý. Xử lý nghiêm hơn nữa các vụ phá rừng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các dịch vụ môi trường rừng. Tăng cường lực lượng tổ chức kiểm tra, truy quét, chốt chặn các điểm nóng hay xảy ra vi phạm, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh các tỉnh…”
Trần Dung