(GLO)- Tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm. Dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tham dự tại điểm cầu Gia Lai có các đồng chí: Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Xuân Hải-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cùng đại diện các sở, ngành.
Báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị cho thấy: Giai đoạn 2017-2019, toàn quốc có 3,3 triệu cơ sở, hộ gia đình ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tăng hơn 3 lần so với trước năm 2016. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. So với giai đoạn 2011-2016, số cơ sở thanh kiểm tra trung bình/năm tăng 27,8%; số cơ sở bị xử lý trung bình/năm tăng 51,9%; số tiền xử phạt trung bình/năm tăng gấp 2,9 lần.
Đặc biệt, sau thời gian thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đồng thời, các địa phương đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc về sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2017 đến nay đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%)…
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều tỉnh, thành phố kịp thời ban hành các chỉ thị, kế hoạch, nội dung, giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATTP đến tận cấp xã, tạo chuyển biến về nhận thức từ cơ sở cho đến người dân. Biểu dương Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP từ Trung ương đến địa phương hoạt động thường xuyên, hiệu quả; công tác tuyên truyền, tăng cường thanh kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm… đã tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngoài Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP của Trung ương, của tỉnh thì vai trò, trách nhiệm của chủ cơ sở, chính quyền xã/ phường rất quan trọng. Người lãnh đạo phải sâu sát, trưởng thôn, chủ tịch xã, phường phải nắm rõ từng hộ sản xuất, quy trình, thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và việc lưu trữ mẫu thuốc đó như thế nào. Nếu truy đến cùng nơi sản xuất thực phẩm, nông sản làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc cho người dân thì ngoài người sản xuất trực tiếp, cả chính quyền cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm.
Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, năm 2020 cần có một bước chuyển biến thực chất hơn, rõ nét hơn về công tác ATTP; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường vận động, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP, xử lý nghiêm vi phạm để tăng tính răn đe, giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý thực phẩm theo chuỗi; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý ATTP, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn quốc tế; đề xuất mô hình tổ chức quản lý ATTP ở địa phương; hoàn thiện đề án phát triển nông sản hữu cơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Minh Nguyễn