Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Làng Bàng (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) có 154 hộ với 639 khẩu, phần lớn là người Jrai, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Từ năm 2023 đến nay, trong làng xảy ra nhiều vụ mâu thuẫn, nhất là về hôn nhân gia đình.

Thành viên Tổ hòa giải làng Tào Roòng (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) thường xuyên đến nhà người dân nắm bắt tình hình để xử lý ổn thỏa các vụ mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh. Ảnh: R.H

Thành viên Tổ hòa giải làng Tào Roòng (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) thường xuyên đến nhà người dân nắm bắt tình hình để xử lý ổn thỏa các vụ mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh. Ảnh: R.H

Mới đây, Tổ hòa giải làng Bàng đã hòa giải thành công những mâu thuẫn của vợ chồng chị R.C.A-anh K.T. Chuyện là, để cải thiện thu nhập cho gia đình, ngoài thời gian đi làm rẫy, vào buổi tối, chị A. còn livestream bán hàng trên mạng xã hội Facebook. Thấy chị A. thường xuyên nói chuyện với người lạ, anh T. cho rằng vợ ngoại tình nên thường xuyên uống rượu rồi đánh vợ. Cũng vì thế mà chị A. đã đòi ly hôn với anh T. Chứng kiến tình cảm của 2 vợ chồng chị A. rạn nứt, tổ hòa giải làng Bàng đã gặp gỡ, nghe 2 người giãi bày những bức xúc.

Tại buổi hòa giải, các thành viên đã phân tích cho vợ chồng chị A. hiểu rõ cái được và mất nếu vợ chồng ly hôn. Đồng thời, giải thích cho anh T. về hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật. Nhờ được khuyên giải hợp tình, hợp lý, vợ chồng chị A. đã trút bỏ mọi giận hờn, cảm thông với nhau nên đã không còn xảy ra mâu thuẫn.

Ông Rơ Châm Nhur-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bàng-cho biết: Tổ hòa giải của làng thường xuyên hòa giải các vụ mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong dân. Việc hòa giải kịp thời, dứt điểm đã ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong cộng đồng.

Còn ông Nguyễn Thế Chiến Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nhin-thông tin: Xã có 8 tổ hòa giải với 56 hòa giải viên. Từ năm 2023 đến nay, các tổ đã tiếp nhận, hòa giải thành 5 vụ việc liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng.

“Các thành viên tổ hòa giải có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cuộc sống của người dân, tạo sự đoàn kết và không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở cơ sở”-ông Thắng cho biết thêm.

Tại huyện Chư Sê, thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được chú trọng, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông Rah Lan Hoàng-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Tào Roòng (xã Ia Pal) cho hay: Tổ hòa giải của làng có 7 thành viên gồm: Trưởng ban Công tác Mặt trận, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Công an viên…

Để hòa giải thành các vụ việc, ngoài kinh nghiệm cùng sự uy tín, các thành viên còn thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải do các cấp, ngành của huyện tổ chức.

“Trong quá trình hòa giải, chúng tôi phải nắm được bản chất vụ việc, khéo léo vận động, thuyết phục và áp dụng kiến thức pháp luật để giải thích cho người dân hiểu. Nhờ đó, từ năm 2023 đến nay, tổ hòa giải đã tiếp nhận, hòa giải thành 6 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong làng”-ông Hoàng chia sẻ.

Những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh trong tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi; tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cấp phát tài liệu liên quan cho đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, việc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đưa pháp luật vào cuộc sống.

Theo ông Rơ Châm Nhur-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bàng (bìa phải), việc hòa giải kịp thời, dứt điểm đã ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng. Ảnh: R.H

Theo ông Rơ Châm Nhur-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bàng (bìa phải), việc hòa giải kịp thời, dứt điểm đã ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng. Ảnh: R.H

Theo thống kê của Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có 1.590 tổ hòa giải với 9.516 hòa giải viên. Thành viên của tổ hòa giải ở cơ sở gồm: trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các chi hội, đoàn thể, già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 2.019 vụ việc, trong đó, đã hòa giải thành 1.724 vụ việc (đạt 85,38%), hòa giải không thành 277 vụ việc (chiếm 13,71%), còn lại đang giải quyết.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Bình-Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) cho biết: Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này trong đời sống xã hội; đồng thời, để người dân lựa chọn sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp trong tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp cùng cấp trong quản lý công tác hòa giải ở cơ sở; tập huấn, nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ hòa giải viên; thường xuyên rà soát, củng cố và kiện toàn tổ hòa giải phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý của địa phương. Trong đó, quan tâm xây dựng đội ngũ hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn hòa giải ở cơ sở; tổ chức sơ kết, tổng kết, phát động phong trào thi đua hòa giải ở cơ sở gắn với các phong trào, cuộc vận động của các ngành, các cấp phát động, kết hợp với thực hiện tốt việc khen thưởng kịp thời để động viên những người làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Có thể bạn quan tâm