Hoa đẹp giữa đời thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù là người Bahnar, Jrai hay người Kinh, dù lớn tuổi hay còn trẻ, dù khó khăn hay thuận lợi, nhiều phụ nữ ở Gia Lai vẫn luôn nỗ lực vươn lên, khẳng định bản lĩnh, tài năng, đóng góp cho gia đình và cộng đồng. Họ như những đóa hoa đẹp giữa đời thường.

Kiên cường vượt khó để vươn lên

ro-com-hkliong-8750.jpg
Bà Rơ Com H’Kliơng là người phụ nữ Jrai ưu tú, có đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: M.C

Đã qua 75 mùa rẫy, ở bà Rơ Com H’Kliơng (buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) vừa có sự ấm áp, dịu dàng của một người mẹ, người bà, vừa có sự thông tuệ, quyết đoán của một “thủ lĩnh”.

Những phẩm chất này giúp bà thành công trong việc nuôi dạy 9 người con thành đạt. Các con bà giờ có người là bác sĩ đa khoa, bác sĩ thú y, bộ đội, giáo viên, có người giữ chức bí thư Đảng ủy xã, phó giám đốc sở…

Bà H’Kliơng cho hay: “Thời bao cấp, nhà nào cũng khổ như nhau. Tôi lại đông con nên cái đói, cái khổ càng nhân lên. Có những buổi sáng, tôi chỉ kịp nướng vài củ mì chia ra mỗi đứa một củ để chúng cầm chạy tới lớp. Cũng có những ngày trời lạnh, con không có áo ấm để mặc, tôi đốt than bỏ vào gùi cho chúng ôm trước ngực. Cũng có hôm con phải đi học với cái bụng đói. Tôi luôn động viên: “Cố gắng nghe con! Chịu khó nghe con!”. Có đứa khi thi đại học sư phạm, tôi rang bắp, nướng mì cho con mang theo ăn cho chắc bụng. Vậy mà các con thi ngành nào đậu ngành đó”.

Tình thương yêu luôn đi cùng với sự nghiêm khắc đã giúp người mẹ Jrai này dạy dỗ các con nên người. Bà H’Kliơng cho biết, cả 9 người con đều được bà hướng cho tinh thần yêu lao động từ nhỏ.

“Những đứa học buổi sáng thì chiều đi chăn bò và ngược lại. Nếu không chăn bò thì phải lên rẫy cuốc cỏ mì với ba nó. Không ai được lười biếng lao động hay ỷ lại. Tôi nhớ nhất là đứa con trai hiện công tác tại Khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Hồi nhỏ, nó rất mê thể thao và có năng khiếu nhiều môn. Có hôm đi học về phải đi cuốc cỏ mì, nó khóc quá trời. Tôi phải “đàm phán” với ba nó để con được chơi thể thao 1-2 buổi trong tuần. Mình làm sao để con dù thiếu thốn nhưng được sống trong niềm vui”-bà nói.

ro-com-hkliong-bia-trai-la-nguoi-phu-nu-jrai-uu-tu-co-dong-gop-tren-nhieu-linh-vuc-4691.jpg
Bà Rơ Com H’Kliơng (bìa trái) là người phụ nữ Jrai ưu tú, có đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: M.C

Sự mềm dẻo, linh hoạt của bà H’Kliơng còn thể hiện trong những công việc bà từng đảm nhận. Sau giải phóng, bà phục vụ trong ngành Y tế một thời gian. Năm 1987, bà được điều động về làm cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã, lần lượt giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội, góp phần gây dựng phong trào lớn mạnh ở địa bàn chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Từ năm 2007 đến nay, bà được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã nhưng thường xuyên vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các phong trào thi đua, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chị Phan Thị Kiều Lương-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ayun Pa-cho biết: “Ở bà H’Kliơng có nhiều phẩm chất ưu tú của một phụ nữ Jrai lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và sự trải nghiệm. Với kinh nghiệm lâu năm trong công tác tuyên truyền, vận động nên tiếng nói của bà luôn có sức nặng với cộng đồng, thuyết phục được tất cả mọi người. Nhờ có sự đóng góp của bà, buôn Rưng Ma Nin mới sớm về đích nông thôn mới và nhiều phong trào thi đua đều có kết quả tốt”.

Văn hóa là “trang sức” của phụ nữ

nghe-nhan-uu-tudinh-thi-lam-co-nhieu-tri-thuc-van-hoa-phong-phu-7264.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Lăm có nhiều tìm tòi, sáng tạo để đạt đến kỹ thuật cao trong nghề dệt truyền thống. Ảnh: M.C

Sinh ra ở vùng đất phía Đông của tỉnh, từ nhỏ, bà Đinh Thị Lăm (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã được “tắm” trong không gian văn hóa đặc trưng của núi rừng Trường Sơn.

Tình yêu với văn hóa cũng thôi thúc người phụ nữ Bahnar này không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đạt đến kỹ thuật và nghệ thuật cao trong nghề dệt truyền thống. Năm 2022, bà được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những đóng góp xuất sắc trên lĩnh vực này.

Không gian sinh sống của nghệ nhân Đinh Thị Lăm như một bảo tàng sống về kỹ nghệ dệt vải nguyên bản của phụ nữ Bahnar ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Bà vẫn tự trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu tự nhiên từ lá, rễ cây rừng để dệt nên những tấm thổ cẩm tuyệt mỹ.

Thổ cẩm không chỉ là sản phẩm có giá trị thương mại mà còn chứa đựng truyền thống văn hóa-lịch sử, phản ánh sức lao động, trí tuệ và cả sự sáng tạo của người phụ nữ Bahnar suốt chiều dài lịch sử. Đó chính là vốn quý, là tài sản, là trang sức đẹp nhất mà nghệ nhân Đinh Thị Lăm luôn tự hào khi giới thiệu với các nhà nghiên cứu, sưu tầm, khách du lịch khi đến vùng đất này.

cac-cong-doan-cua-nghe-det-co-truyen-duoc-nghe-nhan-uu-tu-gin-giu-trao-truyen-cho-nhieu-the-he-phu-nu-bahnar-6641.jpg
Các công đoạn của nghề dệt cổ truyền được nghệ nhân ưu tú gìn giữ, trao truyền cho nhiều thế hệ phụ nữ Bahnar. Ảnh: M.C

Không giữ riêng những tri thức quý báu, bà thường xuyên trao truyền nghề dệt cho các thế hệ phụ nữ trong vùng. Trong số đó, hơn 40 học trò đã thành thạo nghề truyền thống. Nữ nghệ nhân này còn là “hạt nhân” của Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Kgiang, truyền dạy kỹ thuật dệt truyền thống cho các thành viên. Bà có đóng góp không nhỏ giúp 1 thành viên trong Câu lạc bộ đưa sản phẩm “Khăn quàng cổ Brưng”-một sản phẩm từ nghề dệt đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện.

Nghệ nhân Đinh Thị Lăm như một “thư viện” lưu giữ những giá trị đặc sắc trong văn hóa Bahnar. Bà thuộc nhiều bài hát ru, dân ca, biết chế biến các món ăn truyền thống và tích cực tham gia các hoạt động để xây dựng làng phụ nữ kiểu mẫu. Bà còn là thành viên của Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ-một mô hình mới khuyến khích phụ nữ tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Mới đây, nữ nghệ nhân này được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tuyên dương là hội viên phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong giữ gìn bản sắc văn hóa, trao truyền các giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình truyền thống Việt Nam.

Nữ nghệ nhân chia sẻ: “Việc giữ gìn bản sắc văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xu thế hội nhập. Giữ được văn hóa giúp chúng ta vừa hội nhập, phát triển, vừa dễ nhận diện vì có bản sắc riêng. Vì vậy, dù tuổi cao nhưng mình vẫn không ngừng học hỏi, tâm huyết trong việc trao truyền các giá trị cho thế hệ trẻ. Mình luôn xem văn hóa là thứ trang sức đẹp nhất của phụ nữ Bahnar nên rất tự hào”.

Tự tin hội nhập

Với hàng loạt giải thưởng lớn trong 2 năm gần đây trên sân chơi phụ nữ khởi nghiệp, kỹ sư Công nghệ sinh học Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ) là đại diện cho thế hệ phụ nữ trẻ giàu tri thức, khát vọng. “Xông pha” trên đường đua khởi nghiệp, trong năm 2024, chị Trang đạt các danh hiệu như: giải nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Gia Lai, giải nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên, giải khuyến khích cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc.

Các dự án của chị đều hướng đến sự phát triển ngành công nghiệp dược liệu theo hướng xanh và bền vững, có tác động tích cực đến cộng đồng địa phương. Chị chia sẻ: “Công ty TNHH Dược thảo LiLa thành lập được 2 năm. Tôi cùng đội ngũ nhân viên đều là người làm kỹ thuật, bắt đầu tập kinh doanh để đưa những sản phẩm từ thảo dược tốt cho sức khỏe đến với người tiêu dùng.

Tham gia cuộc thi năm nay với chủ đề “sáng tạo và chuyển đổi xanh” đúng với những gì chúng tôi đang hướng đến. Chuyển đổi xanh sẽ là xu hướng của tương lai. Do đó, tôi nắm bắt được cơ hội để chuẩn bị cho mình bước tiến xa hơn. Các giải thưởng cấp vùng, cấp quốc gia cũng là động lực để Công ty nỗ lực phát triển, tiếp tục góp phần đem lại những giá trị hữu ích, đóng góp thiết thực cho cộng đồng”.

chi-nguyen-thi-thu-trang-gianh-nhieu-giai-thuong-cap-tinh-va-toan-quoc-trong-cac-nam-2023-2024-anh-nvcc-6719.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu Trang giành nhiều giải thưởng cấp tỉnh và toàn quốc trong các năm 2023, 2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Sản phẩm thảo dược Lila được sản xuất theo quy trình sạch với yêu cầu kỹ thuật và công nghệ cao. Do đó, mức giá không dành cho đại trà mà hướng đến phân khúc khách hàng tầm trung trở lên.

Các cuộc thi khởi nghiệp là sân chơi lớn để chị Trang học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, nữ kỹ sư này cũng không ngừng tự học hỏi, trau dồi để cải thiện, nâng cấp sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn.

Đến nay, Công ty TNHH Thảo dược Lila có 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao; 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và 1 sản phẩm đạt chứng nhận cấp tỉnh.

“Đối với 1 công ty mới thành lập, đây là một gia tài, minh chứng cho sự kiên trì, luôn học hỏi và nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các thành viên”-chị Trang tâm sự.

img-0440-710.jpg
Ảnh: M.C

Cũng theo chị Trang, nguồn tài nguyên dược liệu của địa phương rất lớn. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là bệ đỡ giúp phụ nữ tự tin hơn.

Việc nghiên cứu, tạo sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, hoạt động kinh doanh tạo tác động tốt cho môi trường và giúp ích cho cộng đồng là mục tiêu mà chị Trang tiếp tục theo đuổi. Đó là những giá trị cốt lõi trong tinh thần khởi nghiệp giúp nữ kỹ sư này tự tin để hội nhập.

Dấu ấn của phụ nữ Gia Lai có thể nhìn thấy ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Điều đó càng khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của “một nửa thế giới”, đồng hành trong công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh và đất nước.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tết ấm cho người nghèo

Tết ấm cho người nghèo

(GLO)- Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhà ở, tặng quà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện đón một cái Tết ấm áp.