(GLO)- Hồ Văn Thuận (SN 1985) không phải là cái tên quá nổi tiếng, nhưng khi khép lại nghiệp quần đùi áo số, có lẽ không cầu thủ người Gia Lai nào sở hữu nhiều danh hiệu như anh. Xung quanh chàng cầu thủ nhỏ con này là những câu chuyện thăng trầm ít người biết đến.
Lận đận với trái bóng
Hồ Văn Thuận là con thứ 2 trong gia đình nghèo có 5 người con ở xã Tân Bình, huyện Đak Đoa. Từ nhỏ, Thuận trải qua cuộc sống lam lũ với những cánh đồng khoai lang Lệ Cần. Cha mẹ Thuận tần tảo lo cho 7 miệng ăn. Lắm lúc, Thuận phải cắp sách tới trường với cái bụng đói meo. Lớn lên từ gian khó nên Thuận luôn hun đúc ý chí về một ngày đổi đời, giúp mẹ cha thoát khỏi cảnh nghèo. Như những đứa trẻ cùng trang lứa trong làng, Thuận đam mê với trái bóng tròn. Từ những quả bóng sờn cũ hay bóng nhựa nhồi rơm, Thuận cùng lũ trẻ có thể “quần thảo” trên nền sân đất đỏ đến mệt nhoài mà quên khuấy giờ giấc.
Từ nhỏ, Thuận đã thấp bé hơn các bạn cùng lứa. Tuy nhiên, Thuận lại có đôi chân khéo léo cùng tư duy chơi bóng thông minh. Thuận thường có những pha đi bóng lắt léo, dứt điểm uy lực và chẳng mấy chốc trở thành “ngôi sao” của các giải thiếu nhi ở địa phương. Nhờ thi đấu nổi bật, Thuận đã lọt vào “mắt xanh” của ông Huỳnh Mau-nguyên Giám đốc Điều hành Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), thời điểm đó đang công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Mang Yang. Bị thuyết phục trước đôi chân tài hoa của cậu bé nghèo, ông Mau đã đưa Thuận vào đội nhi đồng của huyện Mang Yang. Đây cũng là thời điểm giấc mơ về sự nghiệp cầu thủ được hình thành trong Thuận và cậu luôn nỗ lực hết mình để thực hiện điều đó.
|
Hồ Văn Thuận đã giành được không ít danh hiệu lớn, nhỏ trong sự nghiệp cầu thủ của mình. Ảnh: Văn Ngọc |
Ngay ở lần đầu được trao cơ hội thi đấu, Thuận cùng đồng đội đã mang về ngôi á quân Giải Nhi đồng toàn tỉnh năm 1995 cho huyện Mang Yang và sau đó là chức vô địch năm 1996. Nhờ thành tích ấy, Thuận được chọn vào lớp năng khiếu bóng đá của tỉnh, để rồi sau đó có 2 lần giành ngôi á quân ở Giải Nhi đồng toàn quốc. Việc tỏa sáng ở những giải trẻ giúp Thuận có những phần thưởng giá trị. Ở lứa tuổi thiếu niên, cậu đã góp một khoản tiền cùng gia đình xây lại căn nhà và mang 2 chiếc xe đạp mới toanh về cho các em nhỏ ở quê làm phương tiện đi học.
Sau khi được chuyển giao cho HAGL, Thuận cùng lứa cầu thủ tài năng của tỉnh lúc bấy giờ như: Nguyễn Thái Dương, Vũ Anh Tuấn, Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long, Nguyễn Tăng Tuấn… đoạt ngôi thứ ba tại Giải U13 Quốc gia năm 2002, huy chương bạc U21 Quốc gia 2006. Cũng năm đó, Thuận cùng những cái tên sáng giá nói trên được ghi vào danh sách đội 1 của Câu lạc bộ để thi đấu tại V.League. Riêng Thuận, khi được cho U21 Khánh Hòa mượn cũng đã giành chức vô địch U21 Quốc gia năm 2007.
Như những cầu thủ trẻ khác trưởng thành từ lò đào tạo Gia Lai, Thuận luôn mong muốn gắn bó với đội bóng quê hương. Nhưng vì thể hình hạn chế nên không được các huấn luyện viên của HAGL tin dùng. Đang ở tuổi sung mãn, Thuận không muốn chôn vùi sự nghiệp ở ngoài đường pitch nên đã quyết tâm dứt áo ra đi. “Tôi chỉ mong được ở lại bởi đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, cả gia đình tôi đều ở Gia Lai. Trong nhiều mùa giải liền không được trọng dụng, tôi vẫn cố gắng tự tập luyện kể cả thời gian nghỉ. Khi các đồng đội không ra sân, tôi tự tập thể lực cũng như tập với trái bóng để nỗ lực cải thiện bản thân và nuôi hy vọng được tin dùng”-Thuận bùi ngùi nói.
Cầu thủ của những danh hiệu
Năm 2013, mối lương duyên giữa Văn Thuận và HAGL chấm dứt khi cả 2 không tìm được tiếng nói chung trong việc gia hạn hợp đồng. Anh đến với Khánh Hòa, để rồi sau đó, đội bóng này được chuyển giao toàn bộ cho Hải Phòng. Nơi đất cảng, sự nghiệp với trái bóng tròn của anh cũng long đong khi tiếp tục bị đem cho Cần Thơ mượn. Năm 2014, bước ngoặt đến với cầu thủ người Gia Lai khi được huấn luyện viên Dylan Kerr của Hải Phòng tin tưởng. Được trao cơ hội, Văn Thuận chơi với tất cả những gì mình có để cống hiến cho đội bóng xa xứ.
“Trời không phụ lòng người”, mùa giải ấy, Hải Phòng chơi đầy thăng hoa với nhân tố mới Văn Thuận nơi hành lang cánh phải. Ở đấu trường Cúp Quốc gia, họ đi một mạch đến trận chung kết để đối đầu với đội bóng vừa lên ngôi ở V.League là B.Bình Dương. Đội bóng đất Thủ thời điểm đó quy tụ nhiều ngôi sao đang hừng hực khí thế với tham vọng lập cú đúp của mùa giải. Nhưng những ý đồ của B.Bình Dương sớm sụp đổ khi ở phút thứ 8, họ bị dội gáo nước lạnh khi để cầu thủ chỉ cao 1,6 m là Văn Thuận đánh đầu hiểm hóc mở tỷ số 1-0 cho Hải Phòng. Bàn thắng sớm giúp đội bóng thành phố hoa phượng đỏ chơi càng hưng phấn để hạ gục đối thủ với tỷ số 2-0 và lên ngôi vô địch.
|
Hồ Văn Thuận (thứ 3 từ phải sang) cùng đồng đội giành chức vô địch giải giải HLC S7 2022. Ảnh: Văn Ngọc |
Ông Huỳnh Mau-nguyên Giám đốc Điều hành Câu lạc bộ HAGL: Năm 1995, chúng tôi lần đầu tiên tổ chức giải nhi đồng của huyện Mang Yang thì Văn Thuận thi đấu chói sáng để giành giải cầu thủ xuất sắc nhất. Cậu bé ấy rất còi cọc vì bị suy dinh dưỡng, nhưng lại đá bóng rất khéo và có độ quái. Khi tôi đến thăm nhà thì càng thương Thuận hơn vì nhà cậu nghèo quá. Tôi quyết tâm trao cho Thuận nhiều cơ hội để vươn lên với chính năng khiếu, nghị lực của mình và rất vui khi cậu ấy luôn hướng về gia đình. Nhờ Văn Thuận mà đời sống của gia đình cậu cải thiện rất nhiều, đó cũng là tấm gương cho các cầu thủ trẻ học tập. |
Cú đánh đầu ở tuổi 29 mang về cho Văn Thuận không ít danh vọng. Để rồi anh được QNK Quảng Nam chiêu mộ về dưới trướng huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc. Trong 3 năm cống hiến cho đội bóng đất Quảng, Văn Thuận là một trong những nhân tố mang đến nhiều nét mới lạ mỗi khi được tung vào sân. Năm 2017, anh cùng đồng đội giành chức vô địch V.League một cách thần kỳ và giúp anh trở thành cầu thủ Gia Lai hiếm hoi có thể giành bộ đôi danh hiệu danh giá ở đấu trường quốc nội. Điều tiếc nuối duy nhất với Văn Thuận có lẽ là việc anh chưa từng được cống hiến trong màu áo đội tuyển quốc gia.
Sau đỉnh cao ở V.League 2017, anh quyết định treo giày để chăm lo cuộc sống gia đình. “Tôi xa gia đình từ nhỏ. Sau khi lập gia đình rồi vẫn đi thi đấu nhiều nơi, không có nhiều thời gian cho người thân nên tôi quyết định nghỉ thi đấu chuyên nghiệp để có thể bên vợ con và cha mẹ nhiều hơn. Gia đình cũng ủng hộ quyết định của tôi. Bởi lẽ, sau chặng đường nỗ lực cho trái bóng, tôi cũng đã gây dựng được cơ ngơi nhất định cho mình”-Văn Thuận bộc bạch.
Hiện tại, để thỏa đam mê với trái bóng tròn, anh vẫn tham gia các giải bóng đá “phủi” và dành nhiều danh hiệu. Không những vậy, anh đang cùng những cựu cầu thủ năng khiếu HAGL năm xưa như: Khổng Tam Cường, Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long… điều hành Trung tâm Bóng đá cộng đồng Pleiku School Football. Với nghiệp “gõ đầu trẻ”, Văn Thuận mong muốn “truyền lửa” cho các học trò theo đuổi con đường mình đã từng đi. Nhiều cầu thủ đã nối bước những người thầy để lọt vào lò đào tạo trẻ của Học viện HAGL cũng như các câu lạc bộ khác với hy vọng một ngày không xa trở thành các ngôi sao của bóng đá nước nhà.
LÊ VĂN NGỌC