Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo ở huyện Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất đã được huyện Kông Chro triển khai để giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh theo từng năm.



Gia đình anh Đinh Kech (làng Tpôn, xã Yang Nam) được công nhận thoát nghèo năm 2018. Trong ngôi nhà sàn kiên cố, thoáng mát, anh Kech cho hay: Hơn 10 năm trước, anh lấy vợ, được cha mẹ 2 bên cho hơn 4 ha đất để làm vốn. Mặc dù chí thú làm ăn nhưng do thiếu vốn, phương thức canh tác lạc hậu nên năm nào cũng thiếu ăn, phải nhận gạo trợ cấp của Nhà nước. Năm 2015, vợ chồng anh được Nhà nước hỗ trợ hơn 10 kg giống bắp, đậu xanh, phân bón và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vụ đầu tiên, gia đình thu về hơn 5 triệu đồng. Có tiền trong tay, anh Kech mua hom mì về trồng. Cứ như vậy, anh chuyển đổi hơn 4 ha đất chuyên trồng lúa rẫy sang trồng đậu, bắp, mì… Ngoài được hỗ trợ giống, gia đình anh còn được hỗ trợ bò sinh sản. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 6 con. “Nhờ kết hợp trồng trọt và chăn nuôi bò mà cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn, có điều kiện lo cho con cái ăn học đầy đủ. Cuối năm 2018, gia đình tôi thu được hơn 80 triệu đồng từ hơn 4 ha cây trồng. Tôi đã mua một chiếc máy cày trị giá 50 triệu đồng, số tiền còn lại để dành tái đầu tư sản xuất. Hiện tôi nuôi thêm dê, gà và heo để tăng thu nhập”-anh Kech nói.

  Anh Đinh Im (làng Kúc Gmôi, xã Đak Pơ Pho) bên đàn bò lai của gia đình. Ảnh: A.P
Anh Đinh Im (làng Kúc Gmôi, xã Đak Pơ Pho) bên đàn bò lai của gia đình. Ảnh: A.P



Tương tự, gia đình anh Đinh Im (làng Kúc Gmôi, xã Đak Pơ Pho) cũng thoát nghèo, trở thành hộ khá nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Im bộc bạch: Năm 2014, Nhà nước hỗ trợ gia đình tôi 1 con bò, giống cây trồng và cho đi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Những kiến thức học được, tôi đã áp dụng vào sản xuất. Đến nay, tôi đã chuyển đổi 6 ha chuyên trồng lúa rẫy, mì địa phương sang trồng rau, hoa màu, mì cao sản, bắp, đậu, cỏ nuôi bò… Sau nhiều năm tích góp, tôi đã làm được nhà cửa khang trang, mở được cửa hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm cho bà con. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 350 triệu đồng.

Ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho-cho hay: Cuối năm 2018, trên địa bàn xã còn 204/492 hộ thuộc diện nghèo. Vì thế, việc triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng giúp các hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm 2019, xã đã thành lập 4 tổ hỗ trợ các hộ nghèo tại 4 thôn, làng xây dựng kế hoạch sản xuất trong năm, chuẩn bị nguồn vốn, cây giống, con giống, đăng ký cho các hộ dân tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất giỏi trên địa bàn xã, huyện… Từ đó giúp người dân nâng cao nhận thức, sản xuất theo quy trình kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thu nhập.

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Những năm qua, cùng với các chương trình, chính sách hỗ trợ của cấp trên, huyện cũng đã tập trung nguồn lực của địa phương để tổ chức thực hiện các mô hình trình diễn, mô hình giảm nghèo như: nuôi bò, dê sinh sản; trồng bắp lai, mì cao sản... Những mô hình này đã được triển khai nhân rộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, các chương trình giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh cũng tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, dịch vụ phát triển sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm rõ rệt. Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 30,09%, giảm 23,75% so với năm 2015.

“Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai nhiều mô hình giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo… Huyện phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 18%”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thông tin thêm.

 AN PHÁT

Có thể bạn quan tâm

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.