Hay tin thầy chuyển trường, học sinh miền núi Quảng Ngãi khóc như mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Suốt 13 năm gắn bó với học sinh vùng cao, khi biết tin thầy Nguyễn Ngọc Duy chuyển trường về công tác ở thành phố, nhiều học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Sơn Liên  đã òa khóc ôm thầy. Ngay cả thầy Duy cũng rơi lệ vì hạnh phúc.

Hay tin thầy chuyển trường, nhiều học sinh miền núi Quảng Ngãi khóc như mưa. Clip: NVCC

Mới đây, trên các trang mạng xã hội ở Quảng Ngãi xuất hiện đoạn clip học trò khóc như mưa tiễn thầy khiến mọi người xúc động, ngay cả những giáo viên dạy cùng trường cũng bùi ngùi tạm biệt người đồng nghiệp suốt nhiều năm gắn bó.

Thầy giáo trong clip ấy là thầy Nguyễn Ngọc Duy – Trường THPTDTBTTH & THCS Sơn Liên (xã Sơn Liên, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi).

Học trò òa khóc, chẳng muốn chia tay người thầy kính mến. Ảnh cắt từ clip.
Học trò òa khóc, chẳng muốn chia tay người thầy kính mến. Ảnh cắt từ clip.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, thầy Duy viết “Tròn 13 năm trên một mảnh đất đầy yêu thương, nơi bản thân đã cống hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của một con người. Nơi đã cho mình đầy những kỷ niệm yêu thương, những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm, kỷ niệm, kinh nghiệm... sẽ nhớ những mùa mưa gió, những lúc cùng nhau chia sẻ gói mì, những cuộc chiến thâu đêm đến sáng, những cuộc tranh luận không bao giờ hết và nhiều nhiều nữa những kỷ niệm…

…Xin lỗi vì đã không thể tiếp tục cuộc hành trình cùng giáo dục Sơn Liên. Xin lỗi lớp 4B vì đã không cùng các em đi đến hết cuộc hành trình. Không gì hơn, kính chúc các anh chị em Trường PTDTBTTH & THCS Sơn Liên, các anh chị em đồng nghiệp Sơn Tây, và những người bạn, những người anh chị em Sơn Tây lời chúc sức khỏe, thành công. Hẹn gặp lại…”.

Trao đổi với PV, thầy Nguyễn Ngọc Duy cho biết, tối ngày 10/10 thầy đến nhà bán trú của trường để tạm biệt học trò của mình, "Vốn dĩ tôi tới để tạm biệt các học trò và căn dặn các học trò lớp 4B mà tôi đang chủ nhiệm cố gắng học tập. Nhưng thật bất ngờ khi không chỉ học sinh lớp tôi mà học sinh cả trường òa lên khóc. Lúc đó, tôi cũng nghẹn ngào, không ngờ học trò lại yêu quý mình đến như vậy…”, thầy Duy bộc bạch.

Thầy Nguyễn Ngọc Duy xúc động khi học trò khóc không muốn mình rời khỏi trường.
Thầy Nguyễn Ngọc Duy xúc động khi học trò khóc không muốn mình rời khỏi trường.

Thầy Nguyễn Ngọc Duy (38 tuổi, trú TP. Quảng Ngãi) từ khi ra trường thầy bắt đầu đến vùng cao Sơn Tây công tác, giảng dạy. Suốt 13 năm công tác những kỷ niệm với vùng cao này thầy Duy không thể nào kể hết.

Thầy Duy cho biết, có những mùa mưa, đường sạt lở, thế là các thầy cô ở lại trường cả tháng, đến làng đón trò tới lớp cho an tâm. Sau này, có hệ bán trú, học sinh ở lại trường học chữ mà không phải đi lại khó khăn. “Có lẽ trong thời gian ở bán trú, tôi và các giáo viên trong trường ân cần, gần gũi, lo lắng, chăm sóc cho các học sinh nên bọn trẻ cảm nhận được và dành tình cảm yêu thương cho tôi nói riêng và giáo viên ở trường nói chung”, thầy Duy trải lòng.

Thầy Nguyễn Đăng Khoa - Hiệu trưởng Trường THPTDTBTTH & THCS Sơn Liên cho biết, có em chỉ mới bước vào lớp 1 đã gặp thầy Duy, nay lên lớp 9 và đang học tại trường. Hay tin thầy Duy chuyển công tác đã không kìm được nước mắt. Ngay cả giáo viên ở trường cũng khóc khi thấy học trò dành yêu thương cho thầy lớn đến vậy.

Thầy Nguyễn Ngọc Duy cùng học sinh trên lớp học.
Thầy Nguyễn Ngọc Duy cùng học sinh trên lớp học.

Thầy Khoa bảo rằng, thầy Duy là người giáo viên tuyệt vời. Suốt 13 năm gắn bó với giáo dục ở xã Sơn Liên (xã xa bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi) thầy Duy đã dành tất cả yêu thương cho lớp học sinh ở nơi này.

Thầy Duy cho biết, ngày 14/10 tới đây, sẽ chính thức giảng dạy tại Trường tiểu học Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi). Vì mẹ già và đang bị bệnh, hai con nhỏ mới 5 tuổi và 7 tuổi. Lâu nay, vợ tần tảo chăm lo cho gia đình để thầy an tâm công tác. Giờ về giảng dạy gần nhà để có thể bù đắp, sẻ chia nỗi vất vả của vợ trong suốt những năm qua.

Thầy Nguyễn Ngọc Duy đến vận động phụ huynh đưa học sinh đến trường.
Thầy Nguyễn Ngọc Duy đến vận động phụ huynh đưa học sinh đến trường.

Chia tay nơi mà mình đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân thầy Duy tâm sự, miền núi cái gì cũng khó, các em thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần. Để đến trường, theo con chữ các em phải cố gắng thật nhiều và rất cần giáo viên yêu thương để các em gắn bó với trường lớp. "Nhất định thời gian tới tôi sẽ ghé về thăm trường, thăm những học trò của mình. Tôi mong các em sẽ có những thành tích học tập tốt, thay đổi cuộc sống của mình", thầy Duy tâm sự.

Theo Nguyễn Ngọc (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.