Thói quen, tập quán sử dụng mật gấu khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có số lượng gấu bị nuôi nhốt tương đối lớn. Nhưng những nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương, các tổ chức đã góp phần giải cứu nhiều cá thể gấu, để bước chân của chúng có thể in dấu trên mặt đất sau bao năm “gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt”.
“Gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt”
Ngày 23.10, sự tự do đã đến với một cá thể gấu ở TP.Cao Bằng (Cao Bằng) sau 17 năm bị nhốt trong cũi sắt. Đây là cá thể gấu thứ 200 được Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ tại Việt Nam từ năm 2007 tới nay.
Được biết, đây là cá thể gấu thuộc giống cái, nặng khoảng 200kg, được nuôi nhốt từ năm 2001 từ khi mới nặng 34kg và được chủ nuôi tự nguyện chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
|
Cá thể gấu được giải cứu ở Cao Bằng ngày 23.10. Ảnh: TCĐVCA |
Khi được giải cứu, cá thể gấu này được nuôi trong điều kiện vô cùng tồi tệ ở sân sau của một căn nhà ống khá sâu. Gia chủ đã hàn các thanh sắt dày, đan xen nhau khiến cho việc tiếp cận gấu khá khó khăn. Để đưa được gấu ra ngoài, các bác sĩ phải dùng biện pháp gây mê.
Bác sỹ thú y Mandala Hunter (Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam) cho biết, do bị nuôi nhốt trong thời gian quá dài, không được tiếp xúc với mặt phẳng nên các chi của gấu đã bị sừng hóa, nứt nẻ; răng của gấu bị sâu và vỡ, siêu âm ổ bụng thấy thành túi mật dày và cá thể gấu cái này bị béo phì do thức ăn không phù hợp.
Được biết, để giải cứu được cá thể gấu này, đầu tháng 9.2018, Cục Kiểm lâm (Bộ NN và PTNT) đã ra công văn yêu cầu cứu hộ 2 cá thể gấu ngựa tại Lào Cai và Cao Bằng đều do chủ nuôi tự nguyện bàn giao. Ngay sau khi tiếp cận thông tin, Tổ chức Động vật Châu Á đã xúc tiến các thủ tục cần thiết để quá trình cứu hộ được diễn ra thuận lợi, an toàn, và đúng luật.
Nhưng đây chỉ là 1 trong số 800 cá thể gấu ngựa đến giờ này vẫn đang phải “gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt” tại các trang trại, trong khi số lượng gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể, cho thấy, việc giải cứu những cá thể gấu cuối cùng phải được hành động quyết liệt hơn bao giờ hết.
|
Một cá thể gấu được trở về đời sống bán hoang dã ở cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình sau khi được giải cứu. Ảnh: EVN. |
Còn nhớ vào tháng 11.2017, sau hơn 20 năm nuôi nhốt không nhìn thấy ánh sáng một trời, sau khi được giải cứu và chăm sóc tích cực hơn một tháng, 3 cá thể gấu được tổ chức Four Paws phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và Sở NN và PTNT tỉnh Ninh Bình đưa sang khu vực nuôi bán hoang dã, bàn chân gấu được tiếp xúc với đất, được nhìn thấy rừng cây.
Khi mới được cứu hộ, cả ba cá thể gấu đều có nhiều vấn đề về sức khỏe do bị nuôi nhốt trong một thời gian dài với chế độ ăn uống không phù hợp và bị trích hút mật. Sau hơn một tháng được theo dõi và chăm sóc, sức khỏe của ba cá thể gấu dần ổn định, đủ điều kiện chuyển sang khu vực bán hoang dã. Vậy là sau 20 năm chỉ nhìn thế giới qua những song sắt và bức tường bê tông dày đặc, những cá thể gấu được về với thiên nhiên theo đúng nghĩa của nó.
Khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN) chia sẻ: “Thêm một trung tâm cứu hộ được thành lập là thêm một niềm hi vọng mới cho các cá thể gấu bị nuôi nhốt”.
Đã có 22 địa phương không còn gấu nuôi nhốt
Ngày 29.5, cơ quan chức năng tỉnh Cần Thơ đã tiến hành chuyển giao một cá thể gấu ngựa đến Trạm Cứu hộ gấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (của tổ chức Free the Bears). Đây cũng là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn, chính thức đưa Cần Thơ trở thành địa phương thứ 22 trong cả nước không có gấu nuôi nhốt.
|
Lực lượng kiểm lâm Tiền Giang theo dõi công tác chuyển giao gấu nuôi nhốt. Ảnh: EVN. |
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cần Thơ chia sẻ: “Trong quá trình tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm Cần Thơ đã làm việc chặt chẽ với chủ nuôi gấu. Do nhận thấy việc nuôi nhốt ở đây không đảm bảo điều kiện nên chủ nuôi đã đồng ý chuyển giao cá thể gấu cho cơ quan chức năng nhằm góp phần bảo vệ gấu”
Trước đó, trong tháng 4.2018, Tổ chức Four Paws đã tiến hành giải cứu hai cá thể gấu nuôi cuối cùng của tỉnh Nình Bình và đưa về Trang trại bảo tồn gấu của tổ chức ở địa phương. Giải phóng hai cá thể gấu này, Ninh Bình trở thành địa phương hoàn toàn không còn tình trạng nuôi nhốt gấu.
Sau đó một thời gian, ngày 27.8.2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang cũng tiến hành chuyển giao 5 cá thể gấu ngựa (gồm 3 cá thể gấu đực và 2 cá thể gấu cái) bị nuôi nhốt tại một trang trại tư nhân trên địa bàn tới Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (do Tổ chức Động vật châu Á quản lý), đánh dấu hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại các cơ sở tư nhân trên địa bàn tỉnh đi đến hồi kết.
Ông Phan Văn Công, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chúng tôi rất vui khi người dân đã có những nhận thức đúng đắn và tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu nuôi của mình tới trung tâm cứu hộ. Với 5 cá thể gấu được chuyển giao hôm nay, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chỉ còn 13 cá thể gấu đang được nuôi tại Trại rắn Đồng Tâm do Cục Hậu cần, Quân khu 9 quản lý. Như vậy, về cơ bản, chúng tôi đã chấm dứt việc nuôi nhốt gấu lấy mật tại các cơ sở tư nhân trên địa bàn tỉnh”.
|
Kiểm tra sức khỏe của gấu sau khi được giải cứu. Ảnh: EVN. |
Trong ngày 14.8, hai cá thể gấu của ông Trần Văn Trách (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cũng đã được chuyển giao đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (do tổ chức FOUR PAWS quản lý).
Sau một thời gian được vận động và tận mắt chứng kiến điều kiện sống của nhiều cá thể gấu sau khi được cứu hộ tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, ông Trách đã tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu đang nuôi. Với việc gia đình ông Trách tự nguyện chuyển giao 2 cá thể gấu, Thái Nguyên hiện chỉ còn 3 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt.
Chia sẻ về việc chuyển giao gấu, ông Trách cho biết: “Tôi hy vọng nếu một gia đình nào đó hiện đang nuôi một hoặc một số cá thể gấu mà thấy mình không đủ điều kiện để gấu được sống tốt hơn thì nên chuyển giao đến các cơ sở cứu hộ để có thể đem đến một tương lai tốt đẹp hơn cho gấu.”
Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2018 đã có 8 cá thể gấu tại 5 tỉnh thành được chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ. Đặc biệt, Ninh Bình và Cần Thơ đã về đích thành công trên chặng đường chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu, đưa tổng số các địa phương không có gấu nuôi nhốt lên 22 tỉnh thành. Kết quả này cho thấy, nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương và các tổ chức cứu trợ động vật đã giúp thay đổi nhận thức của người dân.
Dù vậy, theo thống kê mới nhất từ Cục Kiểm lâm, tính đến cuối tháng 7.2018, ở Việt Nam còn khoảng 780 cá thể gấu được nuôi nhốt ngoài các trung tâm cứu hộ trên cả nước. Năm 2005, Chính phủ đã cam kết nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu và tái khẳng định quan điểm này trong năm 2017. Với số lượng gấu nuôi nhốt còn tương đối lớn cho thấy hành trình giải cứu những con gấu cuối cùng vẫn còn khá gian nan.
Gấu ngựa là loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo pháp luật Việt Nam và quốc tế. Cụ thể, gấu ngựa (Ursus thibetanus ) được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, đồng thời cũng được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Đồng thời, Quy chế quản lý gấu nuôi được ban hành kèm theo Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/09/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quy định hành vi nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử hoặc nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp đều là hành vi bị cấm (Điều 2). Như vậy, hành vi nuôi nhốt gấu trái phép có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. |
Anh Thơ (Dân Việt)