Ảnh tư liệu: Yonhap |
Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA đưa tin, Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA) đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là “Chollima-1” mang theo vệ tinh trinh sát “Malligyong-1” từ Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, lúc 22h42 ngày 21/11.
Vụ phóng vệ tinh tiến hành sớm hơn so với khung thời gian Bình Nhưỡng thông báo trước đó. Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã thông báo với nước này về việc phóng một tên lửa đạn đạo mang theo vệ tinh vào không gian trong khoảng thời gian từ ngày 22/11 tới 1/12.
Hãng tin Yonhap ngày 22/11 đưa tin chính phủ nước này đã thông qua đề xuất đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều nhằm phản ứng trước việc Triều Tiên phóng một vệ tinh do thám quân sự. Theo Yonhap, quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp nội các bất thường do Thủ tướng Han Duck-soo chủ trì.
Thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều được ký vào ngày 19/9/2018, dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, kêu gọi tạm dừng mọi hoạt động quân sự thù địch giữa hai miền Triều Tiên, thiết lập các vùng đệm trên biển và biến vùng phi quân sự (DMZ) thành khu vực hòa bình.
Mỹ và Hàn Quốc chỉ trích Bình Nhưỡng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về việc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Nhà Trắng cho biết Mỹ lên án "mạnh mẽ" vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, gọi đây là hành động "vi phạm trắng trợn” đối với nhiều nghị quyết của HĐBA LHQ. Về phía Nhật Bản, nước này gửi công hàm phản đối tới Triều Tiên về vụ phóng thông qua Đại sứ quán ở Trung Quốc, theo Kyodo News. Ngay sau vụ phóng, ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật đã triển khai các tàu khu trục Aegis gần đường bay dự kiến để cùng phát hiện và theo dõi vệ tinh của Triều Tiên cũng như chia sẻ thông tin liên quan.