Trong gần 70 năm, một đường tưởng tượng chạy dọc eo biển Đài Loan giữa Đài Loan và Trung Quốc đã giúp giữ hòa bình nhưng cái gọi là đường trung tuyến này ngày càng trở nên vô nghĩa khi hải quân Trung Quốc gia tăng sức mạnh.
Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công nhận đường trung tuyến nói trên mà một vị tướng Mỹ đã vạch ra vào năm 1954, khi tình trạng thù địch trong Chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Đài Loan lên đỉnh điểm, theo Reuters. Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã ngầm thừa nhận đường trung tuyến nhưng vào năm 2020, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đường đó "không tồn tại".
“Làm tăng nguy cơ xung đột ngẫu nhiên”
Hiện nay, Đài Loan đang đối mặt tình trạng tàu chiến Trung Quốc thường vượt qua đường trung tuyến như là một phần của các bước Bắc Kinh thực hiện nhằm phản đối chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từ tối 2.8 đến ngày 3.8.
Trong những ngày gần đây, các tàu khu trục và khinh hạm của hai bên đã chơi trò mèo vờn chuột, với tàu Trung Quốc cố tìm cách di chuyển xung quanh các tàu tuần tra Đài Loan để vượt qua đường trung tuyến, theo Reuters. Nhiều máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng đã vượt qua đường trung tuyến trong tháng này, điều mà lực lượng Không quân Trung Quốc hiếm khi làm trong quá khứ.
Một tàu quân sự Đài Loan được nhìn thấy từ một tàu hải quân thuộc Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc trong cuộc tập trận ở vùng biển xung quanh Đài Loan vào ngày 5.8.2022. Ảnh: Reuters |
"Họ muốn gia tăng sức ép lên chúng tôi với mục tiêu cuối cùng là khiến chúng tôi từ bỏ đường trung tuyến. Họ muốn biến điều đó thành sự thật", Reuters dẫn lời một quan chức Đài Loan am hiểu an ninh khu vực. Vị quan chức cho rằng Đài Bắc sẽ phải phản ứng quân sự nếu các lực lượng Trung Quốc tiến vào vùng lãnh hải 12 hải lý của Đài Loan.
Các quan chức Đài Loan cảnh báo rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc gần lãnh hải Đài Loan sẽ gây căng thẳng cho lực lượng phòng vệ Đài Loan và làm cho bất kỳ cuộc phong tỏa hoặc tấn công của Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Eo biển Đài Loan rộng khoảng 180 km và ở chỗ hẹp nhất của eo biển, đường trung tuyến cách vùng biển của Đài Loan khoảng 40 km.
Nhà phân tích an ninh Yết Trọng từ tổ chức nghiên cứu NPF ở Đài Bắc cho rằng việc "phá vỡ" sự đồng thuận về đường trung tuyến đã làm tăng nguy cơ xung đột ngẫu nhiên. Với tình trạng này, ông Yết cho rằng các quy tắc giao tranh dành cho lực lượng tuần duyên và lực lượng phòng vệ Đài Loan nên được xem xét lại để trao cho họ thêm quyền hạn và sự bảo vệ hợp pháp trong việc đối phó những thách thức ngày càng phức tạp từ các lực lượng Trung Quốc.
Lập trường của Đài Loan, Mỹ
Trong một cuộc họp báo gần đây, Trưởng Cơ quan Đối Ngoại Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp nhấn mạnh một sự thay đổi về hiện trạng ở eo biển Đài Loan là không thể chấp nhận được. “Chúng ta cần chung tay với các đối tác có cùng chí hướng để đảm bảo rằng đường trung tuyến vẫn ở đó, để bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan", ông Ngô nhấn mạnh.
Vấn đề là liệu sự hỗ trợ của quốc tế dành cho Đài Loan có đủ để ngăn cản Trung Quốc tuần tra ở vùng biển thuộc phía Đài Loan hay không, hoặc liệu các bạn bè của Đài Loan có giúp vùng lãnh thổ này duy trì đường trung tuyến hay không.
Những tàu của Hải quân Mỹ và các hải quân phương Tây khác đi qua eo biển Đài Loan để duy trì tình trạng quốc tế của eo biển, chứ không phải để thực thi nghiêm ngặt đường trung tuyến mang tính tưởng tượng không có giá trị pháp lý, theo Reuters.
Tuần dương hạm USS Port Royal của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 10.5. Ảnh Hải quân Mỹ |
Trong vòng vài tuần, các tàu chiến Mỹ dự kiến sẽ đi qua eo biển Đài Loan, thể hiện lập trường của Mỹ xem eo biển này là tuyến đường thủy quốc tế. Việc này có thể gây khó chịu cho Trung Quốc, vốn tuyên bố chủ quyền và các quyền khác đối với eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, các tàu Mỹ được cho là sẽ không thách thức các tàu Trung Quốc ở hai bên đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan.
Ba quan chức Mỹ, không muốn tiết lộ danh tính, nhận định với Reuters rằng việc tàu, máy bay Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến không có nhiều ý nghĩa về mặt chiến thuật. “Đó là một đường tưởng tượng mang tính biểu tượng”, một quan chức Mỹ trong số đó nhấn mạnh. Họ cho rằng Mỹ không cần phải duy trì hiện trạng của đường trung tuyến hoặc đẩy lùi các động thái của Trung Quốc.
Ngoài ra, học giả Christopher Twomey tại Trường Sau đại học Hải quân Mỹ ở bang California, cho hay ông tin rằng Hải quân Mỹ xem đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan là một "đồ tạo tác chính trị" hơn là một thứ hợp pháp, theo Reuters. Ông Twomey cho rằng không nên phóng đại những nguy hiểm mà cần công nhận và sử dụng eo biển Đài Loan như là một tuyến đường thủy quốc tế.
Theo Văn Khoa (TNO)