Hai lần đến “địa ngục trần gian”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần chục năm theo nghề báo, tôi may mắn được đặt chân đến rất nhiều vùng miền của đất nước. Mỗi mảnh đất đi qua, mỗi con người từng gặp đều ít nhiều để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ. Và nếu phải tự mình chọn ra đâu là chuyến đi đáng nhớ nhất thì với tôi, đó chắc chắn phải là hai lần ra thăm “địa ngục trần gian” Côn Đảo và Phú Quốc.

Ngay từ hồi còn đi học, đọc những trang viết đẫm chất bi hùng về cuộc chiến đấu của những người tù Cộng sản trong tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán, tôi đã ao ước có một ngày được đặt chân đến hòn đảo từng một thời là “địa ngục trần gian” này.

 

Lãnh đạo Nhà nước và các cựu tù binh thăm Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Ảnh: T.D
Lãnh đạo Nhà nước và các cựu tù binh thăm Di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Ảnh: T.D

Mong ước ấp ủ suốt nhiều năm ấy rốt cuộc cũng đã thành hiện thực vào giữa tháng 4-2011. Điều hết sức đặc biệt là trong chuyến ra thăm Côn Đảo, tôi may mắn được đi cùng đoàn với rất nhiều đoàn cựu tù nhân từng bị giam cầm, đày đọa tại chính “địa ngục trần gian” này.

Suốt gần một ngày đường ngồi ô tô từ Pleiku xuống đến Vũng Tàu và thêm một đêm ngồi tàu vượt 97 hải lý đường biển ra Côn Đảo, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện kể về sự dã man, tàn bạo của bọn cai tù ở Côn Đảo với tù nhân. Thế nhưng, phải đến khi đặt chân lên Côn Đảo, ghé qua cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, thăm khu chuồng bò, chuồng cọp, bước vào Trại giam Phú Hải, viếng Nghĩa trang Hàng Dương… và nghe những câu chuyện mà anh Nguyễn Quốc Khai (cán bộ Ban quản lý Di tích lịch sử Côn Đảo) kể, tôi mới thực sự hiểu được tại sao trong suốt 113 năm ròng (từ 1862 đến 1975), các tù nhân đều gọi Côn Đảo là “địa ngục trần gian”.

 

Thăm Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Ảnh: T.D
Thăm Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Ảnh: T.D

Nó đúng y như những gì nhà văn Phùng Quán đã viết trong tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”: “Tất cả những người tù Côn Đảo đều gọi Côn Đảo là địa ngục, một thứ địa ngục trần gian. Nghe người ta nói, ở địa ngục, trên có Diêm Vương hung ác, dưới có bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa. Để hành hạ người chết, có vạc dầu nấu sôi, sông lúc nhúc mãng xà rắn rết, có chỗ cưa chân xẻ tay, róc thịt chẻ xương. Không biết, có địa ngục và địa ngục có những cảnh đó không, nhưng ở Côn Đảo, những cảnh đó không thiếu và còn gấp trăm gấp nghìn thế là khác”.

Đúng 2 năm sau chuyến ra thăm “địa ngục trần gian” Côn Đảo, tôi lại có dịp ra thăm một “địa ngục trần gian” khác, đó là Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Nếu như hệ thống nhà tù ở Côn Đảo còn giữ được khá nguyên vẹn thì toàn bộ 12 khu giam giữ tù binh của Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc được Mỹ-ngụy xây dựng trên diện tích hơn 400 ha giờ đây đã bị phá hủy sạch.

Mặc dù mới đây Khu di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc đã được Nhà nước đầu tư xây dựng với một nhà trưng bày hiện vật và một mô hình khu giam giữ tù binh nhưng chứng kiến những dấu tích xưa bị tàn phá, không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều du khách, đặc biệt là những cựu tù binh từng bị giam cầm nơi đây vẫn không giấu được cảm giác ngậm ngùi, nuối tiếc.

Những dấu tích của nhà tù có thể mất nhưng tội ác mà kẻ thù gây ra đối với những người tù Cộng sản Việt Nam tại Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc thì mãi mãi không thể bị vùi xóa. Từng nghe rất nhiều câu chuyện về cảnh hành hạ, tra tấn, thảm sát tù nhân ở Côn Đảo vậy mà khi đến Phú Quốc, nhìn những hình ảnh, những hiện vật được lưu giữ ở Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc, tôi vẫn không khỏi rùng mình ớn lạnh.

 

Biển Phú Quốc. Ảnh: T.D
Biển Phú Quốc. Ảnh: T.D

Làm sao có thể tưởng tượng được, đến gần cuối thế kỷ XX rồi mà Mỹ-ngụy vẫn có thể sử dụng những hình thức tra tấn hết sức man rợ tưởng chỉ có ở thời trung cổ như: lộn vỉ sắt, đục răng, đục xương bánh chè, lấy móng tay móng chân, đóng đinh vào người, nướng sắt đỏ đâm xuyên bắp chuối, nướng người, luộc người, đốt miệng và bộ hạ, chôn sống… đối với những tù nhân tay không tấc sắt? Và với những hình thức tra tấn dã man như thế, dễ hiểu tại sao chỉ trong hơn 5 năm tồn tại (từ cuối năm 1967 đến đầu năm 1973), trên 4 ngàn tù binh Cộng sản bị giam cầm nơi đây đã hy sinh, hàng vạn người phải mang thương tật suốt đời khi được trao trả về với cách mạng.

Nhưng lịch sử của “địa ngục trần gian” Côn Đảo và Phú Quốc không hoàn toàn chỉ toàn là đau thương, uất hận mà còn có những trang hết sức hào hùng. Trong cả hai chuyến đi thăm Côn Đảo và Phú Quốc, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện đầy tự hào về những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người tù yêu nước, những người tù Cộng sản Việt Nam chống lại sự đè nén, áp bức của kẻ thù.

Nhiều tấm gương anh hùng, liệt sĩ như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Lê Quang Vịnh, Lưu Chí Hiếu… ở nhà tù Côn Đảo hay Nguyễn Văn Ni, Trần Thanh Phương, Võ Ngọc Đảnh… ở Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc đã trở thành những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

…Cuộc đời mỗi con người, nhất là với những người làm báo luôn là sự tiếp nối không ngừng nghỉ của những chuyến đi: đi để biết thêm những miền quê hương đất nước, đi để hiểu hơn về truyền thống văn hóa giàu đẹp và lịch sử hào hùng của dân tộc.

Trước thềm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, ngồi giở lại những trang ký ức, với tôi vừa là sự hồi tưởng về những vùng đất đã qua, những con người đã gặp, vừa để tiếp thêm cho mình ngọn lửa đam mê cho những hành trình phía trước. Bởi tôi biết rằng, vẫn còn rất nhiều vùng đất của Tổ quốc thân yêu như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quý, Thổ Chu… đang ngày đêm mời gọi bàn chân tôi khám phá.

Tiến Dũng
 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.