Gìn giữ và phát huy thể thao truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, các hoạt động thể thao truyền thống nhận được sự quan tâm, đầu tư tổ chức từ chính quyền địa phương và ngành chức năng. Người dân cũng tích cực duy trì việc tập luyện và thi đấu, góp phần nâng cao sức khỏe, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

Quan tâm tổ chức, tham gia nhiều hoạt động

Theo ông Võ Phi Hùng, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND xã Ia Dom, từ lâu người dân địa phương đã gắn bó với chiếc nỏ như một phần trong đời sống và văn hóa. Để phát hiện, bồi dưỡng tài năng, xã chủ động cử cán bộ chuyên môn đến từng thôn, làng tìm kiếm, hỗ trợ người có năng khiếu tập luyện. Đồng thời, địa phương đầu tư mua sắm dụng cụ, trang thiết bị tiêu chuẩn phục vụ luyện tập.

2t.jpg
Chị Rơ Châm H'Đái (bìa phải) tập luyện bắn nỏ. Ảnh: R'Ô HOK

Nhờ sự đầu tư bài bản, 5 VĐV của xã Ia Dom, nòng cốt của đoàn huyện Đức Cơ (cũ) đã thi đấu xuất sắc tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2025, giúp đoàn huyện giành vị trí nhì toàn đoàn ở nội dung bắn nỏ, chỉ sau TP Pleiku (cũ).

Ông Nguyễn Văn Ý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: Thông qua các ngày hội văn hóa, hội thi thể thao và đại hội thể dục thể thao các cấp, phong trào rèn luyện thể thao trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia hào hứng của đông đảo người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ… đã trở thành những hoạt động được yêu thích, duy trì thường xuyên tại nhiều địa phương.

Theo ông Ý, các hoạt động thể thao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện được tổ chức ngày càng đồng bộ, phong phú và sinh động. Nhiều địa phương từng rơi vào tình trạng hoạt động thể thao cầm chừng, nay đã khởi sắc rõ nét, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy giao lưu và học hỏi lẫn nhau.

“Hằng năm, tỉnh Gia Lai (cũ) tổ chức Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số và định kỳ 2 năm tham gia Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II. Đáng ghi nhận, đoàn Gia Lai thường xuyên xếp hạng nhì, ba toàn đoàn”, ông Ý thông tin thêm.

Những hạt nhân “giữ lửa” phong trào ở cơ sở

Tại làng Adơk Kông (xã Ia Băng), anh Mưch (SN 1979) là cái tên quen thuộc với người dân địa phương. Gắn bó với công việc nương rẫy từ nhỏ, anh Mưch sớm rèn luyện được thể lực dẻo dai và ý chí bền bỉ. Năm 2007, anh bắt đầu làm quen với môn đẩy gậy và nhanh chóng bộc lộ năng khiếu, không ngừng nỗ lực rèn luyện để đoạt hàng loạt giải thưởng cao tại các hội thi của huyện, tỉnh.

Nổi bật là tham gia thi đấu môn đẩy gậy tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai trong hai năm 2017 và 2018, anh Mưch đều đoạt HCV. Năm 2020, tại Giải Vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ XIV tổ chức tại tỉnh

Đắk Lắk, anh Mưch giành HCĐ ở hạng cân 69 kg. Năm 2021, anh tiếp tục mang về tấm HCB tại giải đấu này diễn ra ở tỉnh Bắc Kạn.

Không chỉ thi đấu giỏi, anh còn truyền lửa cho các thế hệ trẻ. Năm 2023, anh được Phòng GD&ĐT huyện Đak Đoa (cũ) mời làm HLV môn đẩy gậy cho đoàn học sinh của huyện tham dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Gia Lai lần thứ XI. Dưới sự dẫn dắt của anh, đoàn huyện đã xuất sắc giành 4 HCV và 2 HCB.

1a-8028.jpg
Anh Mưch (bìa phải) tập luyện môn đẩy gậy. Ảnh: R’Ô HOK

Nhiều năm qua, anh Mưch cũng là người trực tiếp huấn luyện nhiều thanh niên của địa phương trở thành VĐV đẩy gậy giỏi của địa phương. Anh Sêp (làng Bia Tih, xã Ia Băng) cho biết: “Nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh Mưch, tôi đã tiến bộ vượt bậc, giành HCB tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai năm 2023 và HCV tại kỳ hội thi này tổ chức vào năm 2025”.

Hiện đã gần tuổi 50, nhưng anh Mưch vẫn không ngừng cống hiến. Mỗi khi có giải đấu, anh tạm gác công việc làm nông để dành thời gian tập luyện. Mới đây, tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai năm 2025, anh tiếp tục thi đấu và giành HCB ở hạng cân 69 kg.

Tại xã biên giới Ia Dom, phong trào luyện tập môn bắn nỏ thu hút đông đảo người dân tham gia. Không chỉ nam giới, nhiều phụ nữ cũng tích cực tập luyện và thi đấu, tiêu biểu là chị Rơ Châm H’Đái (SN 1996, làng Mook Đen 1).

Từ nhỏ, chị H’Đái đã làm quen với chiếc nỏ do ông nội và cha tự tay chế tác. Ban đầu, chị chỉ tập bắn theo người lớn cho vui, nhưng niềm yêu thích ngày càng lớn dần, trở thành đam mê. Nhờ sự kiên trì rèn luyện, kỹ năng sử dụng nỏ và ngắm bắn của chị ngày càng hoàn thiện.

Dù biết bắn nỏ từ lâu, nhưng mãi đến tháng 4.2025, chị mới chính thức tham gia Hội thi Thể thao các dân tộc do huyện Đức Cơ (cũ) tổ chức và xuất sắc giành HCV ở nội dung bắn nỏ cá nhân nữ. Ngay sau đó, chị được tuyển chọn vào đội tuyển huyện Đức Cơ (cũ) tham gia Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2025, đã cùng các đồng đội giành HCV nội dung bắn nỏ đồng đội nam - nữ và HCB nội dung đồng đội nữ.

Chia sẻ về hành trình của mình, chị H’Đái bộc bạch: “Mình mong sẽ có thêm nhiều bạn nữ tham gia luyện tập môn bắn nỏ. Không cần phải thật khỏe, chỉ cần kiên trì và thực sự đam mê”.

Có thể bạn quan tâm

Anh Lok hướng dẫn con gái út cách ngắm bắn nỏ sao cho chính xác nhất. Ảnh: Vũ Chi

Gia đình “cung thủ” ở Ayun Pa

(GLO)- Bà con ở tổ 9, phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) gọi gia đình anh Ksor Lok bằng cái tên trìu mến là “gia đình cung thủ” vì giành nhiều huy chương môn bắn nỏ tại giải thể thao các cấp. Các con của anh đều sử dụng nỏ thành thạo. Anh cũng là người chế tác nỏ nổi tiếng trong vùng.

Khán giả phố núi nô nức đón đoàn đua xe đạp Cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh

Khán giả phố núi nô nức đón đoàn đua xe đạp Cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh

(GLO)- Trưa 17-4, hơn 100 cua rơ tham gia cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh 2025 với Chặng 13 từ TP. Quy Nhơn đã chính thức cập bến Pleiku. Đông đảo người dân phố núi đã đổ ra 2 bên đường để đón chào đoàn đua nhân sự kiện kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

null