Giáo dục lịch sử địa phương gắn với di tích Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) là vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo được xem như địa chỉ đỏ để mọi tầng lớp nhân dân đến học tập, bồi đắp niềm tự hào và khơi dậy tình yêu quê hương đất nước.
Tự hào ngôi trường mang tên Quang Trung
Kể từ khi thành lập (năm 1976) đến nay, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Quang Trung vô cùng tự hào khi được làm việc, học tập dưới mái trường mang tên vị Hoàng đế thứ 2 của nhà Tây Sơn. Hàng năm, cùng với đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường thường tổ chức cho các em học sinh tham quan, tìm hiểu về di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo.
Cũng như hàng ngàn học sinh khác, em Nguyễn Hà Phương Anh (lớp 12A1) rất tự hào khi được học tập dưới mái trường mang tên người Anh hùng áo vải cờ đào và sinh ra trên quê hương Tây Sơn Thượng đạo. Nguyễn Hà Phương Anh bày tỏ: “Được tận mắt nhìn thấy những hiện vật và qua những trang tư liệu viết về 3 anh em nhà Tây Sơn, đặc biệt là Hoàng đế Quang Trung đã có công lao to lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm, thu giang sơn về một mối cũng như có nhiều chính sách phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa dân tộc, em rất tự hào. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội và tuyên truyền để có thêm nhiều người biết về quê hương An Khê nói chung và Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo nói riêng”.
Học sinh Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh
Học sinh Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh
Theo thầy Tô Quốc An-Bí thư Đoàn trường, thời gian qua, Trường THPT Quang Trung đã tổ chức nhiều hoạt động như: tham quan, nghe giới thiệu về khu di tích; tổ chức cho các em dâng hương, bày tỏ lòng thành kính với bậc cha ông nhân dịp lễ, Tết; thi tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo… “Sau những chuyến tham quan, nhà trường cho các em viết bài thu hoạch bày tỏ cảm nghĩ, có kèm theo hình ảnh về khu di tích. Từ đó, các em trau dồi kiến thức, bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước, góp phần quảng bá khu di tích”-thầy An nói.
Cô Nguyễn Thị Thanh Bình-Phó Hiệu trưởng nhà trường thì cho hay: “Bên cạnh duy trì các hoạt động dã ngoại, tham quan các di tích, nhà trường còn tổ chức cho các em viết bài tuyên truyền về khu di tích; tổ chức các cuộc tìm hiểu thông qua thuyết trình, hình ảnh và các câu đố vui trong giờ ngoại khóa; đẩy mạnh tuyên truyền về Tây Sơn Thượng đạo trong 15 phút đầu giờ các ngày trong tuần học”.
Tham quan tìm hiểu khu di tích
Nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các trường học trên địa bàn thị xã An Khê đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử. 
Em Đinh Vũ Ngọc Minh (lớp 9A, Trường THCS Trưng Vương, phường An Tân) hồ hởi nói: “Hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhà trường đã phải hoãn chương trình cho học sinh tham quan các di tích. Nhưng bù lại, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cho chúng em tham gia vào dự án tìm hiểu, giới thiệu 1 cuốn sách về di tích Tây Sơn Thượng đạo. Trong quá trình tìm kiếm hình ảnh, tư liệu, chúng em thêm hiểu và trân quý hơn những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha”.
Còn em Nguyễn Dương Nhược Trâm (lớp 6D, Trường THCS Lê Hồng Phong, phường An Phú) thì chia sẻ: “Em rất vui và thích thú khi được tham quan Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo. Việc học lý thuyết kết hợp với hoạt động trải nghiệm đã giúp chúng em hiểu rõ hơn các kiến thức trong sách giáo khoa, đồng thời càng thêm tự hào về giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương”. 
Học sinh Trường THPT Quang Trung dâng hương tại An Khê trường thuộc di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh
Học sinh Trường THPT Quang Trung dâng hương tại An Khê trường thuộc Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh
Được phân công giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngay từ đầu năm học 2021-2022, thầy Nguyễn Hồng Thắng-giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong xác định sẽ vận dụng và phát huy giá trị của di tích lịch sử tại địa phương vào quá trình giảng dạy. Thầy Thắng tâm sự: “Việc vận dụng và phát huy giá trị của di tích lịch sử và văn hóa vùng đất Tây Sơn Thượng đạo vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời giúp các em học sinh hiểu rõ những giá trị cốt lõi của di tích; khơi gợi niềm đam mê, yêu thích, tự hào về những giá trị lịch sử, văn hóa địa phương”.
Tại Trường Tiểu học và THCS Đỗ Trạc (xã Cửu An), việc giáo dục truyền thống lịch sử cho các em học sinh luôn được nhà trường quan tâm. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho các học sinh thăm viếng và tổng vệ sinh khu Đài tưởng niệm Anh hùng Đỗ Trạc vào các dịp lễ, Tết; tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá, khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê) và di tích Tây Sơn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Sau mỗi đợt tham quan, trải nghiệm, nhà trường tổ chức cuộc thi như bầu chọn những bức ảnh đẹp và ý nghĩa nhất; video clip chứa nhiều thông tin quý nhất; câu chuyện kể xúc động nhất; cảm nhận tinh tế nhất. “Tất cả hình ảnh, bài viết, video clip... được nhà trường lưu giữ và chọn đăng trên các trang thông tin nội bộ của đơn vị; được đông đảo học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và cộng đồng yêu thích và ghi nhận”-thầy Nguyễn Văn Sang-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay.
Từ năm học 2018-2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã yêu cầu các trường chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp nội dung liên quan đến lịch sử văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá vào giảng dạy; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Lê Thị Kiều Hạnh thông tin: “Dựa vào điều kiện thực tế, hầu hết các trường đã tổ chức những hoạt động, chương trình giảng dạy gắn với các di tích lịch sử. Thị xã khuyến khích các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm cho học sinh để các em được nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương”.
Chú trọng giáo dục truyền thống
Nhiều năm nay, Đoàn phường An Phú thường xuyên phối hợp với Hội Cựu chiến binh tổ chức các buổi nói chuyện về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, phong trào cách mạng của địa phương; các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ; duy trì hoạt động kết nạp đoàn viên tại Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo vào ngày 26-3; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên nghỉ hè tại địa phương, tham quan Nhà bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo. Anh Bùi Sỹ Hiền-Bí thư Đoàn phường-chia sẻ: “Các hoạt động này nhằm giáo dục thế hệ trẻ truyền thống lịch sử của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, khơi dậy trong mỗi đoàn viên, thanh niên niềm tự hào, ý thức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa quý báu mà cha ông để lại”.
Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo nằm trên địa bàn phường Tây Sơn. Thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền người dân chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Ông Lữ Văn Tâm-Chủ tịch UBND phường-cho biết: “Các hội, đoàn thể phối hợp với tổ dân phố tăng cường tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn cho cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là đối tượng thanh-thiếu niên, học sinh”.
Hầu hết các trường học trên địa bàn thị xã An Khê đã triển khai thực hiện tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh
Hầu hết các trường học trên địa bàn thị xã An Khê đã tổ chức cho học sinh tham quan khu Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Ngọc Minh
Theo Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước, với bề dày truyền thống lịch sử-văn hóa lâu đời, bên cạnh những thiết chế tín ngưỡng và di tích lịch sử cách mạng, thị xã An Khê còn lưu dấu nhiều di tích quý báu gắn với phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã thường xuyên chỉ đạo các trường tổ chức các buổi tham quan, thi tìm hiểu về di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo nhằm khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh, đồng thời giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, giáo viên hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa truyền thống lịch sử ông cha, giá trị lịch sử văn hóa địa phương.
“Thời gian tới, Ban Thường vụ Thị ủy tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử; rà soát các di tích lịch sử văn hóa, các thiết chế tín ngưỡng đã xuống cấp để xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ giáo dục lịch sử truyền thống và phát triển du lịch của thị xã”-ông Phước thông tin.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.