Giành đất với... hà bá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Con sóng ùa vào vỡ kè Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu). Người dân ấp 1, thị trấn Gành Hào hốt hoảng rời khỏi nhà. Nước tràn qua kè ùa vào nhà, dân không kịp trở tay. Trên 1.000 con người đành nhìn con sóng gầm gừ như nuốt chửng kè Gành Hào trong sự bất lực trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Chẳng dám “vuốt râu hùm”

Ông Nguyễn Văn Bé, 65 tuổi, đứng trên đê chỉ ra biển chép miệng “Tôi sống ở đây gần hết đời rồi. Giờ mới thấy sóng lớn như cái đêm 13 rạng 14.2 vừa rồi. Con đê, bờ kè này thật sự quá nhỏ bé với những đợt sóng cao hơn mái nhà. Ngày trước bờ biển còn tít mù ngoài kia kìa. Tôi dời đến 5 cái nhà rồi. Lở đến đâu dời đến đó. Đến căn thứ 4 tôi không dám ở gần mé biển nữa mua nhà tuốt trong chợ ở. Vậy mà đợt sóng to gió lớn vừa rồi, nước tràn vào ngập nhà, xoong nồi trôi lềnh bềnh hết”.

 

Cây mắm đã xanh tại dự án kè mềm chắn sóng tạo bãi xã Long Điền Đông.
Cây mắm đã xanh tại dự án kè mềm chắn sóng tạo bãi xã Long Điền Đông.

Ông Nguyễn Văn Hai góp chuyện “Sống ở gần cửa biển, cửa sông ngày trước là bến, là nơi tàu bè cập vào nên dễ mua bán. Ngày trước mấy năm mới có đợt triều cường sạt lở, nay sạt lở liên miên nên không ai dám ở gần mé biển nữa”.

Để bảo vệ người dân, giành giật với… hà bá từng cục đất, Bạc Liêu cho xây dựng kè Gành Hào dài trên 2km. Tuy nhiên, hơn 11 năm đưa vào sử dụng, kè đã không đứng vững trước những con sóng to, gió lớn.

Trong 2 năm 2016, 2017, kè Gành Hào đã 3 lần bị sạt lở cùng một vị trí. Hai đợt sạt lở vào tháng 1 và tháng 2 năm nay là nghiêm trọng nhất, hàng chục mét mũ kè hắt sóng lần đầu tiên bị sóng đánh vỡ, một số đoạn tường kè bị bong tróc bêtông, lung lay và xảy ra sự sụp lún phía bên trong tường kè đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của kè và cuộc sống của hàng ngàn hộ dân thị trấn.

Trước tình trạng này, Bạc Liêu công bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời cho tiến hành thi công ngay để đảm bảo tài sản tính mạng của người dân. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra.

Giải pháp kè cứng, chắn sóng, được chọn

Đến thời điểm này, công trình khắc phục sạt lở kè Gành Hào đã hoàn thành được hơn 90% khối lượng công việc. Một trong những điểm nhấn cũng như phần quan trọng nhất của công trình là thi công lắp đặt cấu kiện tetrapot đang được ráo riết thực hiện. Tetrapot là những khối bêtông hình 3 chân và hàng trăm khối đầu tiên đã được đặt xuống tạo thành một lớp phủ mái kè vững chắc bảo vệ tường kè.

 

Công nhân thi công theo con nước, nên thường xuyên làm việc vào ban đêm.
Công nhân thi công theo con nước, nên thường xuyên làm việc vào ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Hoan (Cty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Vận tải Vinh Phát, đơn vị thi công công trình) nhìn những khối đá đã được đưa đúng vị trí nói “Đến nay, đơn vị thi công đã đặt được hơn 700/tổng số gần 4.000 khối tetrapot xuống mái kè. Chúng tôi cố gắng hoàn thành trước mùa gió chướng thổi về. Bởi mùa này sóng sẽ to, nếu chưa hoàn thành khả năng sóng sẽ đánh những khối đá này đi mất”.

Do thi công trong điều kiện phụ thuộc vào thời tiết (chủ yếu là thủy triều, theo con nước lớn, ròng) nên mỗi ngày, đơn vị thi công có khoảng thời gian hơn 8 giờ để thực hiện việc lắp các khối bêtông tetrapot, trong đó có khoảng 4 giờ thực hiện vào ban đêm. Nhiều ngày thi công vào thời điểm 2 hoặc 3 giờ sáng.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ - công nhân trên công trường - cười rất tươi “Để thành hình như hôm nay chúng em thường xuyên phải thi công vào ban đêm. Nhiều ngày 2, 3 giờ sáng mới thi công cho kịp con nước”. Hùng - công nhân còn rất trẻ - ví von “Nước lớn lên ngập hết, nên chỉ có nước ròng thấy bãi mới thi công được. Chúng em thi công công trình mà rình mò, canh nước chứ nào có dám chống chọi lại với… hà bá đâu anh”.

Ông Nguyễn Văn Trình - Chỉ huy trưởng Công trình khắc phục sạt lở kè Gành Hào, BQL Dự án Đầu tư - Xây dựng các công trình NNPTNT Bạc Liêu - cho biết: “Việc phủ các khối bêtông tetrapot trên mái kè là giải pháp thi công hoàn toàn mới ở các công trình kè biển của Bạc Liêu. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, sự tàn phá ngày càng lớn của sóng biển thì việc lắp đặt các khối bêtông tetrapot được xem là ưu việt bởi có khả năng giữ vững được sự ổn định của tường kè và mái kè”. Theo ông Trình, kè Gành Hào dẫu có gia cố về lâu dài cũng khó có khả năng chống lại sóng biển. Muốn giữ được đất, giữ được kè, cần thiết phải tạo bãi, trồng cây gây rừng. Điều này sẽ là không thể đối với đoạn kè Gành Hào. Bởi nơi đây tiếp giáp với cửa sông Gành Hào ăn thông ra biển, không có bãi bồi nên…

Phủ màu xanh trên bãi bồi ven biển

Bạc Liêu có chiều dài bờ biển 54km, tại các cửa sông lớn thông ra biển như: Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng thường xuyên sạt lở. Tỉnh cũng tính toán phương án lâu dài di dời dân ra khởi vùng có nguy cơ sạt lở. Dự án di dân ra khỏi rừng phòng hộ, những người dân sống từ đê biển trở ra phía biển được di dời vào 4 cụm dân cư. Bạc Liêu cũng quyết định di dời khu hành chính huyện Đông Hải về Gò Cát, thay vì tại thị trấn Gành Hào như phê duyệt trước đây.

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - lý giải “Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở rất đáng lo, nhưng không đáng sợ. Chúng tôi ý thức được chuyện không thể chống chọi mãi với thiên nhiên mà phải dựa vào thiên nhiên để phát triển. Chính vì vậy giải pháp kè cứng Gành Hào chỉ là tạm thời, về lâu dài cần hạn chế tiến tới di dời dân lùi vào bên trong”.

Xác định rõ điều này, Bạc Liêu thực hiện nhiều dự án trồng rừng tại các bãi bồi ven biển nhằm tránh hiện tượng sạt lở như cửa biển Gành Hào. Hiện tại tỉnh này đã triển khai thực hiện 3 dự án gây bồi, tạo bãi và trồng rừng với diện tích hàng trăm hécta ở phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu; xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình; xã Long Điền Đông và thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải.

Trước đây, khu vực đất này là một bãi biển trống, không hề có cây. Đây là nơi hằng ngày người dân ra để bắt ốc, bắt nghêu kiếm sống thì nay nó đã được phủ một màu xanh. Những cây mắm được trồng hơn 1 năm tuổi cao quá đầu người, bắt đầu giao tán, bung rễ bám đất biển. Nhiều cây cũng đã ra trái và trái rụng xuống lại tự mọc lên đã cao được hơn 5 tấc. Nhìn màu xanh của rừng mắm mới hơn 1 tuổi phát triển tốt, không chỉ những người thực hiện dự án yên tâm mà người dân trong khu vực cũng tin tưởng, những cây mắm có thể bám trụ và chịu được sự tác động của sóng biển.

Ông Lê Sĩ Thịnh (đơn vị thi công dự án gây bồi tạo bãi, trồng rừng) cho biết “Dự án thực hiện trên địa bàn các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) có diện tích gần 150ha; dài gần 12km, từ Kinh Tư, xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) đến Mương 1, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình. Chiều rộng trồng rừng mới từ 150-200m, tính từ mép rừng cũ ra biển. Trong gần 150ha dự án, có 120ha đã trồng cây được hơn 1 năm, diện tích còn lại mới được trồng gần đây. Trước khi trồng rừng, đơn vị thi công đã xây dựng hệ thống kè mềm bằng 2 lớp cọc tre để gây bồi, tạo bãi hơn nửa năm mới tiến hành trồng cây. Cây được trồng theo phương thức: Cây cách cây 1,5m, hàng cách hàng 2m. Trung bình, một hécta có khoảng 1.333 cây được trồng”.

Tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu dự án thực hiện hơn 200ha. Hiện nay có hơn 30ha được trồng mới. Riêng dự án thực hiện tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, giáp với đoạn G0 của kè Gành Hào khoảng 26ha đang trong giai đoạn thi công hệ thống kè cứng để gây bồi, tạo bãi, bởi đặc thù của khu vực này có nhiều sóng lớn nên không thể thi công kè mềm như những khu vực khác.

Ông Nguyễn Văn Trình (Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh) cho biết: “Ba dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng có chiều dài hơn 20km/tổng chiều dài bờ biển Bạc Liêu là 54km. Việc thực hiện các dự án này nhằm tạo tiền đề, thí điểm, rút kinh nhiệm để thực hiện gây bồi, tạo bãi, trồng rừng trên toàn tuyến ven biển Bạc Liêu”.

Nhật Hồ/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.