“Gian hàng 0 đồng” ở Đồn Biên phòng Ia Nan: Thiết thực, ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 1 tháng nay, “Gian hàng 0 đồng” của Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều người dân xã biên giới.

Với phương châm “Ai có đến cho, ai cần đến lấy”, gian hàng giúp không ít gia đình giải quyết được những khó khăn trước mắt.

Gian hàng mở cửa từ 6 giờ đến 10 giờ sáng các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần. Từ khi có gian hàng, cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Ia Nan thêm bận rộn nhưng ai cũng vui. Họ dậy sớm, thu hoạch rau, củ, quả từ các vườn tăng gia của đơn vị, của tổ công tác địa bàn và các chốt, trạm; sau đó rửa sạch, phân loại và sắp xếp gọn gàng lên kệ hàng để phục vụ người dân.

Thêm việc nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều cảm thấy vui vì góp sức làm những phần việc ý nghĩa, giúp người dân biên giới vơi bớt khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ sắp xếp các sản phẩm gọn gàng trên kệ. Ảnh: Phương Dung

Cán bộ, chiến sĩ sắp xếp các sản phẩm gọn gàng trên kệ. Ảnh: Phương Dung

Ngoài các loại rau xanh do đơn vị trồng, “Gian hàng 0 đồng” còn phục vụ miễn phí một số mặt hàng như: quần áo, cặp sách, mì tôm, nước mắm, trứng gà, bột giặt... Hàng hóa sắp xếp ngay ngắn trên kệ, quần áo được treo gọn gàng để bà con dễ dàng chọn lựa.

Việc phụ trách gian hàng do cán bộ, chiến sĩ tổ công tác địa bàn đảm nhận. Họ phân công người tiếp nhận, trưng bày, cấp phát sản phẩm đến người dân và quét dọn, vệ sinh thường xuyên để không gian luôn sạch sẽ, thoáng mát.

Thượng úy Đinh Huy-Nhân viên Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Nan-cho biết: “Đơn vị đề nghị người dân thực hiện phương châm: Ai cần cứ lấy song lấy vừa đủ dùng, để dành cho người khác. Bà con có nhu cầu cũng chỉ lấy 2-3 sản phẩm. Mặt hàng rau, củ, quả hôm nào cũng hết sớm. Nhìn bà con chọn lựa và ra về với những sản phẩm ưng ý, anh em trong đơn vị rất phấn khởi, quên cả vất vả”.

Ông Rơ Châm Khiêm-Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan: Toàn xã có 8.519 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm 29,59%. Đến cuối năm 2023, xã còn 100 hộ nghèo, trong đó có 89 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, việc Đồn Biên phòng Ia Nan triển khai “Gian hàng 0 đồng” rất thiết thực, ý nghĩa.

Ra về với 1 túi mì tôm cùng 2 chiếc áo, bà Rơmah HUy (làng Tung) vui vẻ nói: “Có gian hàng miễn phí như thế này, người nghèo như mình ai cũng vui. Quần áo đã qua sử dụng nhưng còn đẹp và mới. Rau xanh, trái cây thì tươi ngon. Nhờ có gian hàng, bà con mình tiết kiệm được nhiều chi phí”.

Tương tự, ông Rơ Châm Chuýt (làng Nú) rời khỏi gian hàng với 3 chiếc áo thun trên tay và không quên gửi lời cảm ơn Bộ đội Biên phòng. Theo ông Chuýt, các sản phẩm tại gian hàng phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Cán bộ, chiến sĩ thì vui vẻ, nhiệt tình giúp bà con thoải mái lựa chọn sản phẩm.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Nan: “Gian hàng 0 đồng” là một trong những hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống đơn vị (17/5/2004-17/5/2024). Thông qua gian hàng, đơn vị bày tỏ sự tri ân tình cảm yêu thương, đùm bọc của người dân dành cho Bộ đội Biên phòng nói chung, Đồn Biên phòng Ia Nan nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ tuyến biên giới.

Để duy trì “Gian hàng 0 đồng”, Đồn Biên phòng Ia Nan huy động từ 2 nguồn lực chính. Đơn vị trích một phần quỹ để bổ sung mặt hàng và đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn rau xanh, trái cây cung cấp cho người dân. Đồng thời, đơn vị huy động nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ để có nhiều mặt hàng phục vụ bà con.

“Trong quá trình triển khai gian hàng, đơn vị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều tập thể, cá nhân. Sản phẩm tại các gian hàng được bà con đón nhận. Qua thống kê, từ ngày 26-3 đến nay, trên 400 lượt người tiếp nhận các sản phẩm từ gian hàng với tổng trị giá trên 60 triệu đồng. Gian hàng duy trì phục vụ người dân đến hết ngày 17-5-2024”-Trung tá Hùng cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.