Giám đốc hợp tác xã tâm huyết với nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với vai trò “đầu tàu”, một số giám đốc hợp tác xã (HTX) ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp sạch để các thành viên học tập, làm theo. Bên cạnh đó, họ còn liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo sinh kế ổn định cho hàng trăm hộ dân.

1. Ông Nguyễn Văn Lân-Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Đăk Trôi-cho biết: Năm 2019, ông đứng ra vận động 14 hộ dân thành lập HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Đăk Trôi, trụ sở đặt tại làng Đăk Bết. Ông được các thành viên bầu làm Giám đốc HTX.

Thời gian đầu, HTX tập trung hướng dẫn các thành viên trồng cà phê theo hướng sạch và canh tác lúa Ba Chăm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên lúc đó, bà con nơi đây không ai tin vào cách làm này. “Vì vậy, tôi phải làm trước thì người khác mới tin và làm theo”-ông Lân chia sẻ.

Với suy nghĩ đó, năm 2020, gia đình ông Lân vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Với vốn kiến thức có được qua các lớp tập huấn kết hợp tham quan thực tế một số mô hình trồng cà phê sạch ở tỉnh Lâm Đồng, ông Lân đã áp dụng vào vườn cà phê của gia đình.

Nhờ áp dụng đúng quy trình chăm sóc 4C, vườn cà phê phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, sản lượng ổn định, chất lượng vượt trội. Với 2 ha cà phê, gia đình ông thu được trên 5 tấn nhân/năm. Tính riêng năm 2024, gia đình lãi 500 triệu đồng. Từ thành công của gia đình, ông Lân kiên trì vận động bà con tham gia sản xuất cà phê sạch và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.

anh-nguyen-van-lan-giam-doc-htx-nong-lam-nghiep-va-dich-vu-dak-troi-la-nguoi-dau-tien-cua-xa-nang-tam-nong-san-sach-ra-thi-truong-va-duoc-nhieu-nguoi-don-nhan-anh-dinh-yen.jpg
Ông Nguyễn Văn Lân-Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Đăk Trôi là người tiên phong phát triển sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Đ.Y

Đặc biệt, vùng đất Đăk Trôi có hơn 300 ha đất rẫy trồng giống lúa Ba Chăm. Việc gieo trồng giống lúa này hoàn toàn tự nhiên để tạo ra hạt gạo sạch. Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Đăk Trôi đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con. Nhờ chú trọng khâu quảng bá, gạo Ba Chăm được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Ông Lân cho biết: “Nhiều lúc, tôi phải xay xát liên tục mới đủ gạo bán cho khách. Bình quân 1 tháng có 800-1.000 khách đặt mua tổng cộng khoảng 6 tấn gạo với giá 20.000 đồng/kg. Do đặc thù 1 năm chỉ gieo trồng được 1 vụ lúa Ba Chăm nên sản phẩm của bà con làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu. Từ hạt gạo Ba Chăm, các thành viên HTX còn chế biến tinh bột gạo, sợi phở Đăk Trôi. Hai sản phẩm này đều đạt OCOP 3 sao cấp huyện”.

2. Ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện (làng Ar Bơ Tôk, xã Đê Ar) cũng thành công nhờ liên kết trồng và chế biến các sản phẩm nông sản sạch do bà con nông dân xã Đê Ar làm ra như: gạo dẻo Đê Ar, trà mãng cầu xiêm, măng le sấy khô, hoa đu đủ đực sấy khô, khổ qua rừng sấy…

Ông Lê Lợi-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mang Yang: Ông Nguyễn Văn Lân và ông Lê Sỹ Diện là 2 trong số những giám đốc HTX của huyện tâm huyết với nông nghiệp sạch. Sự thành công của họ góp phần nâng tầm giá trị nông sản địa phương, hướng người dân đến sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững và nâng cao thu nhập.

Ông Diện kể: Từ nhỏ, ông đã quen với nương rẫy và các loại cây trồng bản địa như măng le, hoa đu đủ đực, khổ qua rừng… Tuy nhiên, ông nhận thấy các loại nông sản này chưa được khai thác hiệu quả. “Bà con dân tộc thiểu số vất vả quanh năm, đến khi thu hoạch sản phẩm chỉ bán tươi, giá rẻ mà còn bấp bênh. Tôi luôn nghĩ tại sao không chế biến để nâng cao giá trị các loại nông sản này”-ông Diện trải lòng.

Năm 2021, ông Diện đứng ra thành lập HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện với mục tiêu sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch của địa phương. Với phương châm “Sạch từ đồng đất đến tay người tiêu dùng”, ông cùng bà con áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn và thu hoạch, bảo quản đúng kỹ thuật.

Không dừng lại ở bán sản phẩm tươi, ông mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến quy mô nhỏ để sấy khô, đóng gói và bảo quản sản phẩm được lâu hơn. Các đặc sản như gạo Đê Ar, măng le sấy khô, hoa đu đủ đực sấy, khổ qua rừng sấy… của HTX lần lượt ra đời với mẫu mã đẹp, chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Nhờ chất lượng vượt trội, giai đoạn 2021-2024, nhiều sản phẩm của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện. “Chứng nhận OCOP không chỉ là cái danh mà là thước đo chất lượng, giúp sản phẩm dễ tiếp cận hơn với các siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch và người tiêu dùng khó tính”-ông Diện chia sẻ.

Hiện nay, HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện có 12 thành viên. Mỗi năm, HTX bao tiêu cho bà con 12 tấn gạo với thương hiệu gạo dẻo Đê Ar, 1 tấn măng le khô, 7 tạ hoa đu đủ đực sấy khô, 7 tạ khổ qua rừng... Ngoài ra, HTX còn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, thu hái và chế biến sạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chị Y Thim-Thành viên HTX-vui mừng nói: “Mấy năm nay, sản phẩm hoa đu đủ đực, mãng cầu xiêm, măng le do bà con làm ra đã có HTX bao tiêu với giá cả ổn định”.

Ông Lê Sỹ Diện cho biết: Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu và chế biến sâu, đồng thời đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Ông cố gắng để sản phẩm của xã Đê Ar không chỉ phục vụ trong tỉnh mà còn đến với nhiều địa phương khác, thậm chí xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

(GLO)- Sau gần 6 năm chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng ổi Ruby, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã có thu nhập ổn định. Với việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm ổi của chị cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những chuyển biến tích cực khi không để xảy ra cháy rừng và xuất hiện điểm “nóng” hay những vụ việc nổi cộm.

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

đoàn công tác do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh Hà Duy

Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ

(GLO)- Chiều 26-3, đoàn công tác do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung làm trưởng đoàn làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ về công tác quản lý, bảo vệ rừng; khảo sát núi Chư Nâm và thăm cán bộ cùng người dân làng Xóa (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh).

Hồ Ku Tong (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) đã gần cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: Q.T

Gồng mình ứng phó với nắng hạn

(GLO)- Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua khiến mực nước tại các sông, suối, ao, hồ, đập dâng trong tỉnh Gia Lai giảm mạnh, nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng là rất lớn.