Giá trị của bình yên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi mở máy tính, ngắm lại những khoảnh khắc mình từng ghi lại theo dòng thời gian và chợt miên man những suy nghĩ về 2 chữ “bình yên”.
Nào là rừng cao su lộng gió, hồ Sê San, thác Lệ Kim, thác Mơ ào ạt đổ; là làng chài giữa sóng nước cao nguyên, là dòng suối Ia Blo với gập ghềnh đá đẹp đến nao lòng, là thác Phú Cường cuồn cuộn chảy trên nền bảy sắc cầu vồng trong buổi chiều tôi đến; là Biển Hồ, Thủy điện Ia Ly và rất nhiều địa danh tôi đi qua trong hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Gia Lai thân yêu này.
Cảm giác bình yên đó là khi về với buôn làng. Khoảng thời gian công tác ở Trường Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai đã cho tôi những chuyến đi nhiều hơn đồng nghiệp của mình. Ngày trước, học trò ở 2 huyện Chư Păh, Đức Cơ còn qua học nên tôi đi và đến được nhiều những con đường làng hơn.
Bình yên là những buổi sớm mai nghe tiếng giã gạo thì thụp trong làn khói và chút sương mù bảng lảng. Là các bà, các mẹ và em gái ra suối lấy nước về. Là những người già ngồi đốt lửa bên đường mỗi sớm… Bình yên là khi đêm về nghe âm thanh cồng chiêng từ xa vọng lại, tùy theo tiếng chiêng để mọi người nhận ra chuyện vui buồn và đến chia sẻ cùng nhau.
Làng chài trên sông Sê San (huyện Ia Grai). Ảnh: Phan Nguyên
Làng chài trên sông Sê San (huyện Ia Grai). Ảnh: Phan Nguyên
Và không thể không nhắc đến những con đường biên giới xanh mướt cây cỏ vào mùa mưa và trắng xóa bông lau khi mùa khô đến. Những con đường xuyên qua rừng khộp vào mùa thay lá cho cảm giác bình yên đến lạ, bất chấp sự khắc nghiệt của mùa khô. Nơi ấy còn có dòng Pô Cô mênh mang gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Tôi may mắn khi có những ngày gắn bó, sẻ chia cùng người lính Biên phòng trong công việc; từ việc phối hợp trong chương trình “Nâng bước em tới trường” đến những ngày lặn lội đi vận động học sinh đến lớp. Và kỷ niệm không thể nào quên trong tôi có lẽ đó là chương trình tham quan cột mốc biên giới do Đồn Biên phòng Ia Chía và nhà trường phối hợp tổ chức. Hình ảnh các già làng, trưởng thôn, thầy-cô giáo và đặc biệt là các em học sinh băng qua những cánh rừng, đi trên con đường tuần tra để đến với cột mốc biên cương thật nhiều xúc động. Nếu biên giới không bình yên thì chắc chắn những hình ảnh ấy sẽ không bao giờ có được.
Tuần trước, tôi nhận được dòng tin nhắn của một người lính: “Mấy hôm rồi học sinh nghỉ học kỳ, anh em, ai cũng mong cô về chơi!”. Dòng tin nhắn ấy nhắc tôi về giá trị của 2 chữ “bình yên” ở nơi cao nguyên đầy nắng và gió. Hàng ngày, dõi theo bạn bè, đồng nghiệp cũ đưa lên mạng xã hội Facebook những tấm ảnh về Gia Lai, lòng tôi lại trào dâng niềm mong ước sớm có dịp trở về, bên người thân, bè bạn trong những ngày bình yên...
NGUYỄN THỊ BÉ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.