Gia tăng tình trạng buôn pháo lậu dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết Nguyên đán 2023 ngày một cận kề cũng là lúc tình trạng buôn lậu gia tăng, trong đó có mặt hàng pháo. Nhiều đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép pháo lậu đã bị lực lượng chức năng của các địa phương phát hiện, khởi tố và bắt giam. 

Buôn lậu quy mô lớn

Theo Báo Bảo Vệ Pháp Luật, ngày 28-11, tại khu vực cột mốc 48/25 (thuộc thôn Đắc Kim, xã Đak Lao, huyện Đak Mil, tỉnh Đak Nông), lực lượng Đồn biên phòng Đak Lao (thuộc Bộ đội Biên phòng Đak Nông) đã phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Nguyễn Hữu Ngọc có hành vi tàng trữ hàng cấm.

Trước đó, ngày 28-11, Ngọc có liên hệ với một người đàn ông tên Ben (quốc tịch Campuchia, không rõ nhân thân, lai lịch) để trao đổi về việc mua 420 kg pháo nổ đựng trong 14 thùng giấy bìa carton, bên trong mỗi thùng có 18 hộp pháo hoa. Ngọc đặt cọc trước cho Ben số tiền 5 triệu đồng và thống nhất địa điểm giao nhận pháo nổ tại 48/25 thôn Đăc Kim, gần khu vực rẫy của Ngọc. Sau khi nhận hàng, trong lúc đang vận chuyển về rẫy thì đối tượng bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đak Mil, tỉnh Đak Nông cho biết, đơn vị đã đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Hữu Ngọc (SN 1977, trú tại thôn Đức Đoài, xã Đức Minh, huyện Đak Mil) để điều tra về tội “Tàng trữ hàng cấm”, quy định tại Điều 191 BLHS.

Hiện trường bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Ngọc đang vận chuyển, tàng trữ hàng cấm. Ảnh nguồn Báo Công an TP. Hồ Chí Minh
Hiện trường bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Ngọc đang vận chuyển, tàng trữ hàng cấm. Ảnh nguồn Báo Công an TP. Hồ Chí Minh

Báo Công An TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin, Công an huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) vừa phát hiện một kho chứa pháo nổ với tổng cộng 406 thùng carton, bên trong mỗi thùng chứa 12 hộp, mỗi hộp chứa 36 ống hình trụ là pháo hoa nổ (tổng khối lượng gần 7 tấn). Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Mạnh Phái (SN 1998, ngụ thôn Phú Mỹ, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) là người được một đối tượng thuê cất giấu số pháo trên với tiền công là 10 triệu/tháng.

Hà Tĩnh cũng là địa phương ghi nhận tình trạng buôn lậu pháo gia tăng với quy mô lớn trong thời gian gần đây. Ngày 28-10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở bà Nguyễn Thị Nú (64 tuổi, ngụ tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn), phát hiện ở phòng ngủ trên tầng hai của ngôi nhà cất giấu 559 hộp pháo hoa có tổng trọng lượng hơn 800 kg. Bà Nú khai nhận số pháo trên do bà và con gái là Đoàn Thị Hồng Hạnh (27 tuổi) mua với số tiền 240 triệu đồng về cất giấu tại nhà chờ ngày đưa đi tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.

Sáng 16-11, trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tổ công tác của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra xe khách BKS 19B-012.00 do Lều Văn Giang (42 tuổi, ngụ tại xã Đồng Thịnh, H.Yên Lập, Phú Thọ) điều khiển, phát hiện trên chiếc xe này đang vận chuyển trái phép 104 hộp pháo hoa nổ có trọng lượng hơn 166 kg.

5-15 năm tù cho hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ

Vì ham cái lợi trước mắt mà nhiều đối tượng vẫn bát chấp bản án để thực hiện hàng vi buôn lậu pháo nổ. Không chỉ vậy, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi và khối lượng cũng ngày càng lớn.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc sử dụng pháo. Gần nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Đồng thời, quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất theo quy định.

Đối với các trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định. Trường hợp đốt pháo hoa nơi công cộng mà phát ra tiếng nổ làm ảnh hướng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Mục 4 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về xử phạt hành chính, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (Số: 167/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, các các nhân có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng do đã thực hiện một trong những hành vi sau: Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.

Cũng theo Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì pháo nổ và thuốc lá điếu được quy định là mặt hàng cấm, do vậy tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự. Theo đó phạm tội thuộc trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kg trở lên, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm; Phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là pháo nổ 120 kg trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm (Điều 190).

PHƯƠNG VI (theo Báo Thanh Niên, congan.com.vn, Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm