Gia Lai: Xót xa bé trai mắc u não chỉ mong có ngày được quay lại trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa bước vào lớp 2, em Thạch (SN 2017, trú tại làng Xóa, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đã mang trong mình căn bệnh u não ác tính. Tai ương ập đến bất ngờ khiến em phải nghỉ học, gia đình em chồng chất những khó khăn.

Tháng 9-2024, trong lúc đang học bài ở lớp, em Thạch (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học và THCS Chư Đăng Ya) bỗng dưng bị đau đầu, sốt, ói và đi đứng loạng choạng. Sau khi cô giáo thông báo, bố mẹ em đã vội vã đưa em đến một số Bệnh viện ở Gia Lai để thăm khám. Tại những nơi thăm khám, em được chẩn đoán mắc viêm ruột và phải nằm viện điều trị, nhưng tình trạng của em không có dấu hiệu thuyên giảm.

Cuối tháng 11-2024, gia đình quyết định đưa em đến Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai để thăm khám. Sau khi chụp cộng hưởng từ (MRI) thì phát hiện Thạch mắc u não. Sau đó, em được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) để tiến hành phẫu thuật nội soi sinh thiết u não thất. Sau ca phẫu thuật, Thạch được chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh cơ sở 2 để bắt đầu đợt hóa trị.

Sau những lần đưa con đi khám và điều trị, anh Thuận (bố của em Thạch) cho hay: Thạch bắt đầu hóa trị từ tháng 2-2025 và đã trải qua 2 đợt. Quá trình điều trị này cần tiếp tục theo đúng phác đồ của bác sĩ nếu không bệnh tình có thể di căn và nguy hiểm đến tính mạng.

“Mỗi lần con vô thuốc, thấy tóc con rụng và chịu nhiều đau đớn, tôi rất xót xa, nhưng tôi không biết làm gì hơn, chỉ ước có thể thay thế con chịu những cơn đau này”-anh Thuận chia sẻ.

Ngồi trong lòng mẹ, em Thạch thì thầm: “Con không muốn đi bệnh viện để bị tiêm thuốc nữa. Mỗi lần tiêm như vậy con đau lắm”.

Được biết, vợ chồng anh Thuận kết hôn từ năm 2016. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh được bố mẹ cho vườn cà phê với khoảng 300 cây và 3 sào mì để phát triển kinh tế. Ngoài ra, anh chị còn làm thuê với thu nhập khoảng 400.000 đồng/ngày nhưng công việc rất bấp bênh. Nhưng rồi, tai ương ập đến, anh Thuận phải gác lại mọi công việc, túc trực bên con trai trong bệnh viện, khiến nguồn thu nhập vốn đã ít ỏi nay càng thêm eo hẹp.

Chị Thơng (mẹ của em Thạch) cho biết: “Số tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Từ khi Thạch bị bệnh, gia đình phải đi vay tiền từ bà con, hàng xóm để đưa cháu vào TP. Hồ Chí Minh điều trị. Mỗi tháng, cháu vào viện 3 lần, mỗi lần tốn khoảng 10 triệu đồng. Đến nay, số nợ đã lên đến hơn 60 triệu đồng. Mặc dù có bảo hiểm y tế, nhưng các chi phí thuốc men ngoài danh mục và chi phí đi lại khiến gia đình rơi vào cảnh nợ nần”.

Lau vội dòng nước mắt lăn dài trên má, chị ôm con vào lòng, nghẹn ngào nói: “Vợ chồng tôi đã vay mượn khắp nơi rồi, đến giờ không còn nơi nào để vay nữa, thật sự tôi không biết phải làm sao để có tiền lo chữa bệnh cho con”.

z6478166744167-0903bc526cf33b4912d41ce3171fc8a8.jpg
Gia đình em Thạch đang cố gắng kiếm tiền để tiếp tục điều trị cho em Thạch. Ảnh: Đồng Lai

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Thủy-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya- cho hay: Gia đình cháu Thạch thuộc diện hộ cận nghèo. Từ khi phát hiện cháu bị bệnh, gia đình phải đưa đi chữa trị nhiều lần, khiến kinh tế gia đình ngày càng khó khăn.

“Căn bệnh của cháu Thạch cần phải điều trị lâu dài, trong khi thu nhập của gia đình rất eo hẹp. Đến nay, gia đình đã vay mượn khắp nơi nhưng vẫn chưa đủ chi phí cho việc điều trị. Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm có thể chung tay giúp đỡ, để gia đình cháu có thêm nguồn lực và hy vọng tiếp tục chữa trị cháu qua cơn bạo bệnh”-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya nói thêm.

Clip: Hy vọng bạn đọc Báo Gia Lai và nhà hảo tâm sẽ hỗ trợ, giúp đỡ gia đình em Thạch. Thực hiện: Ngọc Duy-Đồng Lai

Mọi sự giúp đỡ cho em Thạch xin liên hệ số điện thoại 0793681435 (chị Thơng, mẹ em Thạch); hoặc Báo Gia Lai, STK: 62110002425979 tại BIDV do chị Trịnh Thị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Hành chính-Quảng cáo Báo Gia Lai (số điện thoại 0943065095) phụ trách.

Có thể bạn quan tâm

Khánh thành hệ thống lọc nước và tặng quà cho học sinh huyện Phú Thiện

Khánh thành hệ thống lọc nước và tặng quà cho học sinh huyện Phú Thiện

(GLO)- Ngày 21-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai, Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình “Kết nối-Chia sẻ-Yêu thương”, khánh thành và bàn giao công trình Hệ thống lọc nước tinh khiết và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn thị trấn Phú Thiện.

Gia cảnh éo le của em Rah Lan Thư

Gia cảnh éo le của em Rah Lan Thư

(GLO)- Bố bị hoại tử xương đùi nhưng phải dừng việc điều trị để dành tiền cho con gái Rah Lan Thư chữa căn bệnh hiểm nghèo Lupus ban đỏ. Tình cảnh éo le của gia đình em đang rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Tặng 250 suất quà cho người nghèo, khó khăn xã Trang

Tặng 250 suất quà cho người nghèo, khó khăn xã Trang

(GLO)- Ngày 9-3, Hội Chữ thập đỏ huyện Đak Đoa phối hợp với Đoàn từ thiện Chùa Vạn Thông (TP.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và UBND xã Trang tổ chức chương trình tặng quà cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tại địa phương.

Xót thương hoàn cảnh mồ côi của em Rah Lan Nhan

Xót thương hoàn cảnh mồ côi của em Rah Lan Nhan

(GLO)- Mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng, cha mất sau đó không lâu, em Rah Lan Nhan (SN 2015, làng Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà ngoại và người dì tần tảo. Hoàn cảnh gia đình của Nhan hiện rất khó khăn cần sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng.

Anh Lê Văn Bài được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Ảnh: Đ.Y

Lê Văn Bài, gương sáng hiến máu cứu người

(GLO)- Từ năm 2008 đến nay, anh Lê Văn Bài-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Pết (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã 25 lần hiến máu tình nguyện (HMTN). Năm 2024, anh được tôn vinh là 1 trong 17 người hiến máu tiêu biểu toàn tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Thu gom phế liệu để làm từ thiện

Thu gom phế liệu để làm từ thiện

(GLO)- Sau hơn 5 tháng hoạt động, mô hình “Thu gom phế liệu làm từ thiện” do 8 hội viên phụ nữ ở tổ 4 (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) triển khai đã trao 23 phần quà cho các hoàn cảnh khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân trên địa bàn.