(GLO)- Chiều 23-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến sơ kết 3 năm triển khai thực hiện mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính có các đồng chí: Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Cùng dự có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố có đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã, huyện; chủ nhiệm các nông hội; lãnh đạo chi nhánh các ngân hàng và doanh nghiệp liên quan.
Hiệu quả bước đầu
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thái Bình cho biết: Năm 2019, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, các địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình nông hội trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 137 nông hội tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố với 4.085 thành viên (1.611 thành viên là người dân tộc thiểu số). Trong đó, có 100 nông hội ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, 33 nông hội lĩnh vực chăn nuôi, 1 nông hội lĩnh vực lâm nghiệp, 1 nông hội lĩnh vực dịch vụ, 2 nông hội lĩnh vực nghề truyền thống. Hiện nay, 64 nông hội thường xuyên duy trì sinh hoạt, 61 nông hội ít sinh hoạt, 12 nông hội không sinh hoạt. Các nông hội hoạt động theo nguyên tắc “3 không, 3 tự, 3 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính. Ảnh: Lê Nam |
Qua 3 năm triển khai, các nông hội trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực, ngành nghề. Nhiều nông hội đã nỗ lực, tự chủ, tự quản, liên kết nhau để cùng phát triển. Trong đó, một số nông hội mang lại hiệu quả thiết thực như: Nông hội chăn nuôi dê (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) liên kết với Hợp tác xã (HTX) Trịnh Duy Tâm bao tiêu đầu ra sản phẩm; Nông hội trồng mía (xã Hbông, huyện Chư Sê) liên kết với Công ty TNHH Thành Thành Công Gia Lai hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật và thu mua mía; Nông hội trồng dâu nuôi tằm (xã Ia Hlốp và thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) ký kết hợp tác với Công ty Minh Hóa cung ứng giống dâu, tằm, kỹ thuật chăm sóc và thu mua sản phẩm; Nông hội sản xuất cà phê sạch (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) phối hợp với Hội Nông dân xã xây dựng chứng nhận cà phê sạch giúp người dân trên địa bàn xã cũng như các thành viên bán 1.200 tấn cà phê với giá cao hơn so với thị trường; Nông hội chăn nuôi thỏ (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) ký kết với các đầu mối ở TP. Pleiku và Đà Nẵng tiêu thụ sản phẩm với giá 80-90 ngàn đồng/kg; Nông hội chăn nuôi dê (xã Glar, huyện Đak Đoa) liên kết tiêu thụ sản phẩm với giá bán ổn định khoảng 120 ngàn đồng/kg hơi...
Đến nay, huyện Phú Thiện đã thành lập 10 nông hội với 269 thành viên tham gia, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dệt thổ cẩm. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hoàng Phong cho biết: Nông hội đã gắn kết bà con nông dân cùng nhau áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm giá thành, tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, nông hội là sân chơi để hội viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo môi trường và điều kiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từng bước xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả và tạo ra những sản phẩm nông sản sạch nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trên thị trường.
Tương tự, huyện Kbang đã thành lập 3 nông hội với 201 thành viên. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Tuyến: Thông qua sinh hoạt nông hội, các thành viên giúp nhau chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, liên kết với các đơn vị để tư vấn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giúp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng và xúc tiến liên kết tiêu thụ nông sản; cổ vũ, động viên, hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp và lập nghiệp. “Quan điểm của huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập nông hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với phong tục tập quán, nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, đảm bảo thực chất, hiệu quả, có tính bền vững”-Bí thư Huyện ủy Kbang thông tin thêm.
Anh Lê Đức Chí-Chủ nhiệm Hội quán thanh niên Tre Việt (thị xã An Khê) cho hay: Đây không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa thanh niên với chính quyền về những vấn đề kinh tế-xã hội ở địa phương mà còn liên kết thanh niên dám nghĩ, dám làm với các tổ chức, cá nhân làm kinh tế và doanh nghiệp. Mô hình này đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhiều thanh niên và người dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, Hội quán đã tổ chức đào tạo nghề gia công mỹ nghệ, mở lớp dạy viết thư pháp, thường xuyên trưng bày và mua bán các sản phẩm, mặt hàng thư pháp cho thanh-thiếu niên trên địa bàn; phối hợp với các nhóm, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, đấu giá gây quỹ hỗ trợ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đánh giá về các mô hình nông hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung cho rằng: Thời gian qua, các địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn để thực hiện tốt chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nông hội. Từ đó, mô hình nông hội bước đầu có hiệu quả, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Người nông dân có điều kiện tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đây cũng là kênh để liên kết người nông dân với nhau, liên kết với doanh nghiệp, với Nhà nước, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển.
Duy trì và nhân rộng mô hình nông hội
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Ngọc An: Toàn tỉnh hiện có khoảng 458 tổ hợp tác với 3.149 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 292 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX với tổng số khoảng 9.800 thành viên. Ngoài ra, toàn tỉnh đã có 214 sản phẩm đạt 3-4 sao OCOP cấp tỉnh (25 sản phẩm đạt 4 sao và 189 sản phẩm đạt 3 sao) của 116 chủ thể (19 doanh nghiệp, 35 HTX, 62 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh); 53/220 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong nền kinh tế thị trường thì kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa không theo tiêu chuẩn sẽ không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và cũng không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác xã kiểu mới hay nông hội là mô hình tối ưu trong việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, rất phù hợp với thực trạng sản xuất nông nghiệp tỉnh ta hiện nay.
Còn Bí thư Huyện ủy Phú Thiện thì cho hay: Để nông hội hoạt động hiệu quả cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát huy truyền thống đoàn kết, giúp nhau trong phát triển sản xuất; khích lệ, động viên tinh thần hăng hái, dám nghĩ, dám làm cùng tham gia phong trào đến đông đảo cán bộ, hội viên. Việc xây dựng nông hội vững mạnh là tiền đề để hình thành và phát triển các HTX, qua đây mở ra hướng đi mới, phù hợp định hướng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Mô hình trồng rau quả trong nhà lưới của người dân huyện Mang Yang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Thụy |
Trong khi đó, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân cho biết: Thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, phường chưa thành lập nông hội khẩn trương khảo sát, lựa chọn mô hình cụ thể để thành lập 1 nông hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường mình, đảm bảo thực chất, bền vững, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ các nông hội tham quan, học tập kinh nghiệm tại các vùng sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao có cùng đối tượng sản xuất kinh doanh chủ lực; hỗ trợ các nông hội tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Hội quán thanh niên Tre Việt mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện để một số thành viên nòng cốt của Hội quán được đi học hỏi kinh nghiệm thực tế tại một số mô hình hội quán ở các tỉnh, thành phố. Đồng thời, hỗ trợ nhân rộng mô hình hội quán để tạo thành chuỗi liên kết, hỗ trợ việc làm cho đoàn viên, thanh niên.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung nhấn mạnh: Thời gian đến, đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục nghiên cứu quán triệt, bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng mô hình nông hội. Đồng thời, cần căn cứ vào thực tiễn tình hình địa phương để chỉ đạo triển khai có hiệu quả nhằm tạo ra chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị. Các địa phương cần xác định các loại hình sản xuất thế mạnh riêng có để định hướng cho người dân tham gia xây dựng các mô hình phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, tạo không gian để nông dân sinh hoạt, trao đổi, học tập kinh nghiệm mới trong sản xuất, cập nhật thông tin thị trường. Đặc biệt, việc xây dựng mô hình nông hội phải thực chất, bền vững, phù hợp với thực tế địa phương, tránh hình thức, từ đó mang lại lợi ích thực sự cho người dân.
LÊ NAM