Gia Lai: Trồng thứ cây sau 3 tháng là hết bò, bới đất khẽ củ lộ ra cả đống, thương lái "khuân" luôn tại ruộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Niên vụ 2020-2021, tỉnh Gia Lai có hơn 1.150 ha khoai lang, trồng chủ yếu tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Krông Pa. Tại huyện Krông Pa...Hiện, thương lái các nơi đổ vệ huyện Phú Thiện thu mua khoai tại ruộng với giá từ 10.000-12.000 đồng/kg.

Sau khi hết giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vào cuối tháng 2/2021, nhiều mặt hàng nông sản đang đến vụ thu hoạch trên địa bàn bất ngờ tăng giá, trong đó có khoai lang giúp người nông dân tỉnh Gia Lai có vụ mùa bội thu.

Cũng giống như sắn, mía, dưa hấu, hồ tiêu...giá khoai lang tăng theo từng ngày khiến người dân vùng trồng khoai lang tỉnh Gia Lai rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Niên vụ 2020-2021, tỉnh Gia Lai có hơn 1.150 ha khoai lang, trồng chủ yếu tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Krông Pa.

 

Nông dân tỉnh Gia Lai thu hoạch khoai lang Lệ Cần. Ảnh minh họa: Hoài Nam/TTXVN
Nông dân tỉnh Gia Lai thu hoạch khoai lang Lệ Cần. Ảnh minh họa: Hoài Nam/TTXVN


Tại huyện Krông Pa, hơn 300 ha khoai lang được trồng phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình, ít chăm sóc nên năng suất thấp, chỉ khoảng 5-10 tấn/ha. Riêng huyện Phú Thiện với diện tích hơn 500 ha khoai lang được người dân đầu tư, chăm sóc tốt nên năng suất cao, bình quân 20-22 tấn/ha, có nơi 25 tấn/ha.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp địa phương, năm nay giá khoai lang tăng cao nhất so với 3 năm trở lại đây. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn cung ít, thị trường tiêu thụ truyền thống tăng mạnh đã đẩy giá khoai lang thu mua tăng cao.

Hiện, thương lái các nơi đổ vệ huyện Phú Thiện thu mua khoai tại ruộng với giá từ 10.000-12.000 đồng/kg. Mức giá khoai lang thu mua năm nay cao gấp đôi năm ngoái. Với chi phí đầu tư từ 65-70 triệu đồng/ha, mỗi ha người dân trồng khoai lang có lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.

Anh Tống Văn Thông, thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện (Gia Lai) cho hay, gia đình anh có 1 ha khoai lang đang cho thu hoạch.

Năm ngoái, mùa mưa kết thúc sớm, thuận lợi cho bà con Phú Thiện xuống giống khoai lang từ giữa tháng 10 nên vụ chính cho thu hoạch sớm hơn 1 tháng. Năm nay, sản lượng khoai lang và giá bán khoai lang đều cao, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi được hơn 150 triệu đồng.

Do nguồn cung giảm nên các thương lái đổ xô về huyện Phú Thiện đặt hàng, mua khoai lang ngay tại ruộng với mức giá tăng nhích dần lên theo từng ngày.

Một thương lái thu mua khoai tại xã Ia Sol, Phú Thiện cho hay, nguồn khoai lang này được vận chuyển về Đà Lạt (Lâm Đồng) để làm khoai sấy dẻo, sấy khô do các cơ sở sản xuất khoai tại Đà Lạt năm nay khan hiếm nguồn cung.

Qua Tết, giá khoai lang khoảng 8.000 đồng/kg rồi tăng lên theo từng ngày. Hiện nay, giá khoai lang thu mua tại ruộng khoảng 13.000 đồng/kg và có chiều hướng tiếp tục tăng thêm.

Đặc biệt, nhiều gia đình chịu khó đầu tư, chăm sóc, năng suất khoai lang vượt trội, cho lợi nhuận cao. Điển hình như gia đình chị Bùi Thị Linh, thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện có 1,2 ha trồng giống khoai lang Nhật Bản.

Năm nay, ngoài thuận lợi về thời tiết, gia đình chị Linh còn đầu tư kỹ thuật ngay từ khâu làm đất, sử dụng phân hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, do đó, năng suất khoai lang đạt 30 tấn/ha. Với diện tích của gia đình, năm nay chị Linh thu lãi hơn 200 triệu đồng nhờ trồng khoai lang.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện (Gia Lai) khuyến cáo, việc giá khoai lang tăng cao là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất thiếu nguồn cung vì ít người gieo trồng, thương lái thu mua khoai lang cho thị trường trong nước và cả xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao.

Do vậy, năm nay khoai lang tại địa phương được mùa, được giá nhưng bà con không nên mở rộng diện tích ồ ạt vì sẽ làm nguồn cung vượt cầu, giá khoai lang sụt giảm như những năm trước đây.

Bên cạnh đó, thời điểm xuống giống khoai lang sắp là thời điểm mùa khô hạn, lượng nước tưới khan hiếm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng vụ khoai. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có nhà máy, doanh nghiệp nào đặt vấn đề bao tiêu đầu ra cho sản phẩm khoai lang tại địa phương mà đầu ra vẫn phụ thuộc vào nguồn thu mua không ổn định từ thương lái các nơi tìm đến.

 

Do đó, ngành nông nghiệp địa phương tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân trồng khoai lang không nên ồ ạt mở rộng diện tích, cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, nắm vững kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chủ động canh tác theo hướng bền vững và liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong khâu tiêu thụ để tránh việc thất thu trong đầu tư sản xuất.


https://danviet.vn/gia-lai-trong-thu-cay-sau-3-thang-la-het-bo-boi-dat-khe-cu-lo-ra-ca-dong-thuong-lai-khuan-luon-tai-ruong-20210327174146588.htm


Theo Hồng Điệp (Báo Tin tức/TTXVN/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.