(GLO)- Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961-26/12/2022), sáng 21-12, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai tổ chức tọa đàm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, 17 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh buổi tọa đàm Ngày Dân số Việt Nam 26-12. Ảnh: Đinh Yến |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng nhau ôn lại truyền thống 61 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Dân số Việt Nam. Đồng thời thảo luận những vấn đề đặt ra về công tác dân số trong tình hình mới, từ trọng tâm dân số-KHHGĐ sang dân số và phát triển; kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch tại các sở, ngành, đoàn thể về công tác dân số; kế hoạch hành động về công tác dân số của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.
Ông Vương Nhật-Phó Chi Cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh-thông tin: Thời gian qua, với việc tập trung mọi nỗ lực đạt mục tiêu giảm mức sinh, đặc biệt chú trọng ở những vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, công tác dân số-KHHGĐ toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật: Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,16 con/bà mẹ (năm 1990) xuống còn 16,5% (năm 2021). Tuổi thọ bình quân là 71 tuổi. Mức giảm sinh 0,6%o; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 13,1%; duy trì tỷ lệ giới tính khi sinh 104 bé trai/100 bé gái; số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 74%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Các đợt chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chính sách sức khỏe sinh sản-KHHGĐ đến các xã vùng khó đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.
Cũng tại buổi tọa đàm, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã tổng kết công tác dân số năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Năm qua, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân số và phát triển trong tình hình mới, giai đoạn 2021-2030; duy trì vững chắc mức giảm sinh để đạt mức sinh thay thế; đẩy mạnh các mô hình hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số; hạn chế xu hướng tăng mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh, sơ sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Năm 2023, ngành dân số-KHHGĐ tỉnh đề ra mục tiêu tuổi thọ trung bình 71,2 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh 104 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng tỷ suất sinh 2,42 con/bà mẹ; tổng số người sử dụng biện pháp tránh thai 101.000 người; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát bằng siêu âm đạt 30%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát đạt 30%; tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn 5%...
ĐINH YẾN