(GLO)- Sáng 25-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn và Trường Cao đẳng Gia Lai sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn, Trường Cao đẳng Gia Lai, Phân hiệu 2 trường: Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai; đại diện phòng GD-ĐT 17 huyện, thị xã, thành phố và Hiệu trưởng các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên toàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà |
Triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2134/KH-UBND ngày 26-9-2019 về thực hiện Đề án 522 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Sau 3 năm triển khai, Đề án 522 được các cấp, ngành chú trọng, quan tâm chỉ đạo và lồng ghép vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được mục tiêu chung của Đề án là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với sở trường, năng lực học sinh và tình hình kinh tế của gia đình; đồng thời, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tỉnh nhà.
Giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh có 4.415/63.375 học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 6,97%); 9.922/36.263 học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào học cao đẳng và trung cấp nghề (chiếm 27,36%). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước định hình, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đổi mới phương thức tuyển sinh; đồng thời, chú trọng điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo gắn với một số nghề đặc thù phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nhu cầu thị trường lao động. Công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng ngày càng được nhân rộng, giúp học sinh tiếp cận với nghề nghiệp và tìm ra ngành nghề yêu thích phù hợp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và những giải pháp thiết thực để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trong giai đoạn 2022-2025.
Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà |
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo phân công nhiệm vụ của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 2134/KH-UBND để xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp triển khai các nhiệm vụ về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT cần xây dựng đội ngũ giáo viên làm nòng cốt trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục; đồng thời lồng ghép nội dung các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, tìm hiểu thế giới nghề nghiệp… cho học sinh phổ thông để giúp các em có định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, triển khai các quy định, chính sách cho người học để thu hút học sinh tham gia học tập. Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh và kết nối với các doanh nghiệp địa phương, trong nước cũng như nước ngoài để tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh. Các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh với phương thức, hình thức tổ chức phong phú hơn…
MỘC TRÀ