Gia Lai sẵn sàng bước vào năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với sự chủ động trong công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến huy động học sinh ra lớp, tới thời điểm này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã sẵn sàng bước vào năm học 2024-2025 cùng quyết tâm thực hiện tốt chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.

Bảo đảm cơ sở vật chất

Tại Trường THCS Chu Văn An (xã Tân An, huyện Đak Pơ) những ngày này, không gian trường lớp trở nên sạch sẽ, xanh mát, thoáng đãng. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã đầu tư mua thêm 20 bộ bàn ghế cho học sinh, 2 chiếc ti vi (nâng tổng số 18 chiếc ti vi bố trí tại 16 lớp học và 2 phòng học bộ môn); sửa chữa, nâng cấp hệ thống internet; tu sửa sân trường, xây bồn hoa tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.

“Trong năm học này, nhà trường mua thêm sách giáo khoa lớp 9 và sách tham khảo phục vụ công tác dạy và học. Điểm mới của năm học 2024-2025 là nhà trường chú trọng dạy học theo chương trình STEM phát triển phẩm chất năng lực của học sinh để các em biết vận dụng kiến thức đã học áp dụng vào cuộc sống hàng ngày”-Hiệu trưởng Đỗ Thành Việt cho biết.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng đã được thầy và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Ayun Pa) tiến hành khẩn trương, chu đáo. Năm học 2024-2025, ngoài 44 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế, ngay từ đầu năm, Ban Giám hiệu nhà trường đã hợp đồng thêm 3 giáo viên.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Liêm chia sẻ: “Ngay từ đầu tháng 8, nhà trường đã tổ chức dọn vệ sinh, cắt tỉa cây xanh, đảm bảo trường lớp xanh-sạch-đẹp, an toàn; phân công nhiệm vụ, kế hoạch giảng dạy cho giáo viên. Từ nguồn vốn ngân sách thị xã, toàn bộ 30 lớp học đã được trang bị ti vi thông minh. Đây sẽ là công cụ để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới”.

Cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Ayun Pa) sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới. Ảnh: Vũ Chi

Cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Ayun Pa) sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới. Ảnh: Vũ Chi

Năm học này, thị xã Ayun Pa có 22 trường với hơn 9.500 học sinh. Thị xã đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây dựng thêm 8 phòng học, 2 phòng chức năng; dành hơn 4 tỷ đồng sửa chữa cơ sở vật chất các trường học và 1,4 tỷ đồng mua sắm bàn ghế, trang-thiết bị dạy học.

Ông Nguyễn Đức Hạnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã-thông tin: “Phòng đã chỉ đạo các trường triển khai hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo… có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập; đảm bảo không có em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường. Phòng cũng đã triển khai bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo kế hoạch”.

Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang-thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 367,4 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp, Sở GD-ĐT đã mua sắm trang bị thiết bị thí nghiệm, phòng học đa chức năng dạy nhiều môn học, phòng dạy và học ngoại ngữ…

Cùng với đó, hoàn thành đưa vào sử dụng 7 công trình tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú với tổng kinh phí hơn 31,9 tỷ đồng. Hiện tại, Sở tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục để đầu tư xây dựng 17 trường còn lại giai đoạn 2023-2025 với tổng kinh phí hơn 151 tỷ đồng.

Quyết tâm đạt kết quả cao trong năm học mới

Trong tâm thế vui tươi, phấn khởi chuẩn bị ngày khai giảng, em Ksor Hạ Tuyết (lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) chia sẻ: “Sau kỳ nghỉ hè về với gia đình tại huyện Krông Pa, em quay lại trường sớm hơn lịch tựu trường 2 ngày để dọn vệ sinh và chuẩn bị chỗ ở. Cũng như các bạn, em rất háo hức bởi năm học mới được gặp thầy cô mới, học kiến thức mới. Chúng em sẽ nỗ lực hết sức để có thành tích học tập tốt nhất”.

Em Ksor Hạ Tuyết (bên trái, lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) háo hức bước vào năm học mới. Ảnh: Trần Dung

Em Ksor Hạ Tuyết (bên trái, lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) háo hức bước vào năm học mới. Ảnh: Trần Dung

Để đảm bảo môi trường giáo dục tốt nhất cho 400 em học sinh trong năm học mới, theo Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Rmah Kmlă: “Nhà trường đã tiến hành kiểm tra, tu sửa cơ sở vật chất trong ký túc xá, lớp học; chuẩn bị mua sắm đồ dùng cá nhân, học phẩm cho học sinh; chỉ đạo nhân viên quét dọn vệ sinh khuôn viên trường.

Sau khi đón học sinh tựu trường, chúng tôi tổ chức cho các em tìm hiểu về truyền thống của nhà trường, phổ biến nội quy, quy định của trường về nền nếp ăn ở, sinh hoạt và giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình học”.

Năm học 2024-2025, huyện Chư Păh có 42 đơn vị trường học với 542 lớp và 17.136 học sinh. Ông Phạm Quang Long-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Păh-thông tin: Phòng đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp; đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ mầm non và học sinh phổ thông đến trường.

Thông tin kịp thời đến phụ huynh học sinh lớp 5, lớp 9 về danh mục sách giáo khoa được nhà trường lựa chọn cho năm học 2024-2025. Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng kế hoạch.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh dọn vệ sinh trường lớp trước thềm năm học mới. Ảnh: M.K

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh dọn vệ sinh trường lớp trước thềm năm học mới. Ảnh: M.K

Với quyết tâm thực hiện tốt chủ đề của năm học “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Sau khi triển khai dọn vệ sinh khuôn viên trường học sạch, đẹp, an toàn và sẵn sàng về mọi mặt cho lễ khai giảng năm học mới, các cơ sở giáo dục sẽ bắt đầu tổ chức hoạt động đầu năm học như: ổn định và duy trì nền nếp học tập; tổ chức các hoạt động đầu năm học gắn với thực tế của địa phương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường; phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành Giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tập trung rà soát, kiểm tra, tham mưu cấp có thẩm quyền bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho năm học mới. Thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học.

Triển khai thực hiện phương án hỗ trợ các đối tượng học sinh nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các điều kiện thiết yếu khác; không để có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.

Thực hiện đầy đủ các nội dung và tiêu chí xây dựng trường học an toàn, phòng-chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình-nhà trường-xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh trong và ngoài trường học bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

Phiên tòa giả định tuyên truyền phòng-chống sử dụng ma túy cho học sinh Trường THCS Trưng Vương

Phiên tòa giả định tuyên truyền phòng-chống sử dụng ma túy cho học sinh Trường THCS Trưng Vương

(GLO)- Ngày 9-11, tại Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Liên Chi đoàn Tòa án nhân dân-Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku phối hợp cùng Đoàn Cơ sở Công an TP. Pleiku và Liên đội Trường THCS Trưng Vương tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Ma túy-nỗi đau của mọi người”.