(GLO)- Hội nghị sơ kết công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5-2022 của UBND tỉnh diễn ra vào sáng 29-4 đã tập trung đánh giá kết quả đạt được, đồng thời đề ra nhiều giải pháp “gỡ khó” cho những tháng tiếp theo. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông, Kpă Thuyên, Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H'Bút; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan; các thành viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND TP. Pleiku.
Nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2021
Tại hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong tháng 4 nói riêng và 4 tháng đầu năm 2022 nói chung. Theo đó, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Gia Lai vẫn cơ bản thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội tăng so với cùng kỳ năm 2021. Nổi bật như: kết thúc vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo trồng gần 78,2 ngàn ha cây trồng các loại (tăng 2,5%); giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 ước đạt 2.103,2 tỷ đồng, tính chung 4 tháng đạt hơn 8.844 tỷ đồng (tăng 15,78%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt gần 6.488 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng ước đạt trên 24.694 tỷ đồng (tăng 3,76%); kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 55 triệu USD, lũy kế 4 tháng đạt 320 triệu USD (tăng 48%). Trong tháng 4, toàn tỉnh có 85 doanh nghiệp và 35 đơn vị trực thuộc, 5 hợp tác xã được thành lập mới với tổng vốn đăng ký 841,3 tỷ đồng; tính chung 4 tháng có 315 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 16,3%).
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà |
Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc hơn với 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao được hình thành (tổng diện tích 3.489,6 ha), tập trung vào các sản phẩm chính như: bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau hoa, dược liệu; 3 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng. Hiện toàn tỉnh có 184 dự án chăn nuôi đang được các nhà đầu tư quan tâm, trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế thông tin: Sáng 27-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Theo đó, Gia Lai đứng thứ 26 toàn quốc và thứ 2 khu vực Tây Nguyên (sau tỉnh Lâm Đồng) với 64,9 điểm (tăng 1,78 điểm và 12 bậc so với năm 2020). Đây là kết quả khá phấn khởi, thể hiện sự điều hành hiệu quả, linh hoạt của UBND tỉnh và các cấp, ngành trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế thông tin tại hội nghị về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Ảnh: Mộc Trà |
Lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa-thể thao và du lịch, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, lao động-thương binh và xã hội, dân tộc tôn giáo... cũng có nhiều chuyển biến. Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Tổng doanh thu du lịch tháng 4 ước đạt khoảng 60 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đạt 160 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021). An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tỉnh đã chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao. Tính đến ngày 26-4, tỉnh đã thực hiện tiêm vắc xin mũi 1 đạt 104,81%, mũi 2 đạt 96,79%, mũi 3 đạt 63,08%; tiêm vắc xin cho trẻ em 12-17 tuổi mũi 1 đạt 104,3%, mũi 2 đạt 92,91%; tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 16,13% số liều vắc xin đã nhận, chưa ghi nhận trường hợp bị phản ứng sau tiêm chủng vắc xin. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 193,1 tỷ đồng cho người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định.
Tăng tốc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Gợi ý thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác trong 4 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. “Tăng trưởng ở lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng qua tuy có tăng so với cùng kỳ năm trước, song tỷ lệ tăng chỉ đạt 3,76% là quá chậm. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, vi phạm trật tự an toàn xã hội vẫn còn xảy ra; đặc biệt, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Việc triển khai một số chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy còn chậm”-Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
Lý giải về nguyên nhân thu ngân sách trong những tháng đầu năm giảm so cùng kỳ năm trước, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho hay: Trong tháng 4, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 451,3 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đạt 2.112,9 tỷ đồng (bằng 39% dự toán Trung ương giao, 36,3% dự toán HĐND tỉnh giao và giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, thu nội địa gần 2.091 tỷ đồng (đạt 41,7% dự toán Trung ương giao, đạt 38,5% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 11,7% so với cùng kỳ); thu xuất-nhập khẩu 22 tỷ đồng (đạt 5,5% so với dự toán Trung ương và dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 91,6% so với cùng kỳ). “Sở dĩ thu ngân sách giảm là do thu thuế hải quan đạt thấp (đạt 5,5%) và thu tiền sử dụng đất chỉ mới đạt 4,3% so với dự toán giao. Vì vậy, ngoài các giải pháp của ngành Tài chính và Thuế, đề nghị tỉnh có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng bộ các dự án để đạt thu tiền sử dụng đất theo dự toán”-Giám đốc Sở Tài chính đề xuất.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước là do hụt thu từ tiền sử dụng đất và thuế hải quan. Ảnh: Mộc Trà |
Bên cạnh thông tin về một số điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định đã nêu một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh. “Sở đã tiếp nhận từ Bộ Giáo dục và Đào tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình là 35 tỷ đồng, cộng với nguồn từ các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành trong tỉnh ủng hộ thì tổng số tiền hiện có là hơn 36,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn vướng về xác định sở hữu nên chưa thể tổ chức đấu thầu mua sắm trang-thiết bị để hỗ trợ cho học sinh thuộc các nhóm đối tượng theo quy định”-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Sau khi nghe giải trình của lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tài chính về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cần xác định rõ mục tiêu ban đầu mà Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hướng đến để tổ chức thực hiện cho đúng. Đồng thời, cần khẩn trương tiến hành để trao tặng thiết bị cho học sinh nhằm tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn cũng như phục vụ cho chương trình chuyển đổi số.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà |
Ngoài ra, một số vấn đề như: hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ; tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; vướng mắc trong công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022; phát triển thương mại điện tử, năng lượng tái tạo; các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch… cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các sở, ngành, đơn vị và địa phương cần khắc phục những hạn chế, tồn tại để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2022 ở những tháng tiếp theo. Trong đó, tập trung đẩy nhanh việc triển khai các chương trình hành động thực hiện 4 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Phối hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kiên quyết xử lý đối với những nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng; có giải pháp chấn chỉnh tình trạng thu gom đất để đầu cơ, gây sốt ảo và làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, từng ngành, từng địa phương cần rà soát, đánh giá lại chỉ số cải cách hành chính (Par Index) gắn với chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Các ngành cũng cần cập nhật thường xuyên một số chính sách mới liên quan; rà soát quy chế phối hợp để triển khai tốt nhiệm vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp trong việc kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội; quản lý, bảo vệ và trồng rừng; phòng-chống thiên tai và dịch bệnh Covid-19, đẩy nhanh công tác tiêm chủng, nhất là ở trẻ em để tạo miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng chuẩn bị tốt các hoạt động hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022). Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cần chuẩn bị các điều kiện để cùng với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thành lập phân hiệu của trường tại Gia Lai, kịp thời tuyển sinh cho năm học mới.
MỘC TRÀ