Gia Lai nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giai đoạn 2021-2025, Gia Lai tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu 31,22% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra.

Với hơn 97.000 ha cà phê, 88.000 ha cao su, hơn 14.000 ha hồ tiêu, 77.000 ha mì, 18.500 ha cây ăn quả, gần 20.000 ha điều, 34.000 ha mía, 74.000 ha lúa, 49.000 ha bắp… Gia Lai có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh xác định xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng để tạo nguồn nguyên liệu ổn định nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến. Hiện có nhiều nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động, phát huy được công suất thiết kế, tạo ra các sản phẩm chủ lực.

Năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 7.300 cơ sở hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến; đến năm 2019 tăng thêm hơn 650 cơ sở. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chiếm trên 60% tổng giá trị toàn ngành công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 8,8%/năm.

 Tới năm 2025, phấn đấu 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Hà Duy
Tới năm 2025, phấn đấu 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Hà Duy


Toàn tỉnh có 48 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất hơn 2.241 MW, 2 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng và 25 dự án thủy điện với tổng công suất 204,6 MW đang được các nhà đầu tư đề xuất cho phép khảo sát, đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó còn có 2 nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất 144,6 MW đã đi vào vận hành, gồm Nhà máy Điện sinh khối Ayun Pa và Nhà máy Điện sinh khối An Khê.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-thông tin: “Đặc biệt, Gia Lai có 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 138 MWp đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực gồm: Dự án điện mặt trời Krông Pa, Dự án điện mặt trời Chư Ngọc và Dự án điện mặt trời Krông Pa 2. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã cho phép 99 dự án triển khai khảo sát để đầu tư xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn với tổng công suất trên 13.000 MW. Hiện đã có 25 dự án được Trung ương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch, trong đó có 14 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; 11 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để xin chủ trương đầu tư. Số còn lại được nhà đầu tư khảo sát, lập và trình hồ sơ cho các ngành chức năng để được bổ sung quy hoạch theo đúng quy định”.

Gia Lai có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú, đa dạng. Đây là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu xây dựng. Toàn tỉnh có 7 nhà máy đá granite đang hoạt động với tổng công suất 1 triệu m2/năm. Nhiều doanh nghiệp khai thác và chế biến đá xây dựng, khai thác cát... đủ sản lượng cung cấp nhu cầu xây dựng các công trình trong tỉnh và đáp ứng một phần nhu cầu trong nước.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng như triển khai Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản”; Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê”; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; tổ chức nhiều hội chợ triển lãm cũng như tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn.

Ông Phạm Văn Binh cho biết thêm: Để nâng tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng lên 31,22% vào năm 2025, ngành Công thương tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông-lâm nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành, qua đó tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tăng giá trị xuất khẩu; khuyến khích phát triển chế biến bằng công nghệ cao.

Thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp tư nhân.

HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm