Gia Lai: Một bệnh nhi nguy kịch được cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo mẹ lên rẫy, em S.D (23 tháng tuổi, làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bị dằm gỗ nhỏ đâm vào mắt cá chân trái. Từ vết thương nhỏ này, em S.D lâm vào tình trạng nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi.

Bệnh nhi S.D nhập viện tại Bệnh viện Nhi Gia Lai ngày 31-3 trong tình trạng hết sức nguy kịch với chẩn đoán ban đầu: Sốc nhiễm trùng-Nhiễm trùng huyết/ Viêm mô tế bào quanh khớp cổ chân (trái). Bác sĩ Bùi Quốc Long-Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai), bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhi S.D cho biết: Bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết nặng và có tổn thương đa cơ quan, nguyên nhân vụ việc khởi phát từ vết thương hết sức đơn giản do vết dằm đâm vào mắt cá chân trái từ đó vi khuẩn đi vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Các bác sĩ đã tích cực điều trị: Oxy liệu pháp, đặt huyết áp động mạch xâm lấn, gắn monitoring theo dõi liên tục, dịch chống sốc, thuốc vận mạch, phối hợp 3 kháng sinh phổ rộng có tác dụng diệt khuẩn mạnh trên vi khuẩn tụ cầu. Mặc dù điều trị tích cực nhưng bệnh diễn biến kém đáp ứng với điều trị, dù ra khỏi sốc nhưng có biểu hiện suy đa cơ quan.

Bác sỹ Bùi Quốc Long thăm khám cho bệnh nhi S.D. Ảnh: Như Nguyện

Bác sỹ Bùi Quốc Long thăm khám cho bệnh nhi S.D. Ảnh: Như Nguyện

Đứng trước nguy cơ bệnh nhi có thể tử vong mặc dù đã điều trị tích cực bằng nhiều phương pháp, sáng 4-4, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai đã chỉ đạo tiến hành hội chẩn toàn viện, thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, chẩn đoán bệnh nhi: Suy đa cơ quan-Suy hô hấp-Nhiễm trùng huyết/ Viêm mô tế bào quanh khớp cổ chân (trái). Qua đó, chỉ định thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục để cứu sống tính mạng người bệnh.

“Kỹ thuật lọc máu liên tục hay còn gọi trị liệu thay thế thận liên tục (Continuous renal replacement therapy-CRRT) là một kỹ thuật cao, cho phép đào thải độc tố và các chất viêm (cytokines) ra khỏi máu bệnh nhân một cách liên tục (24/24 giờ)…Kỹ thuật này được chỉ định khi bệnh nhân mắc một số bệnh lý như: Nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan, sốc nhiễm khuẩn, suy tim, viêm tụy cấp mức độ nặng, suy gan cấp, ngộ độc cấp, nhiễm toan chuyển hóa, các trường hợp bỏng nặng…qua đó giúp bệnh nhân có kết quả điều trị khả quan. Đây cũng là trường hợp lọc máu đầu tiên ở Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai và đã thành công góp phần cứu sống tính mạng người bệnh”- bác sĩ Bùi Quốc Long chia sẻ.

Sau thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục, tối 4-4, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi dần ổn định, bệnh nhân có diễn tiến tốt hơn, đã qua cơn nguy kịch. Bước đầu thấy hiệu quả, tuy nhiên còn phải tiếp tục kháng sinh và theo dõi sát.

Theo bác sĩ Bùi Quốc Long, từ những vết thương tưởng chừng nhỏ nhưng nếu chủ quan cũng sẽ gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Đặc biệt, với bệnh nhi này chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, môi trường sống chưa đảm bảo vệ sinh và từ vết thương nhỏ nêu trên đã tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. “Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, các phụ huynh cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ. Khi trẻ bị các vết thương hoặc các bệnh lý thì nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời tránh biến chứng”-bác sĩ Long khuyến cáo.

Chưa hết bàng hoàng khi được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh của con, chị Siu Dul (mẹ bệnh nhi S.D) buồn bã cho biết: Do con còn nhỏ chưa đi mẫu giáo nên khi đi hái điều mình dẫn con đi cùng. Tối đó về nhà bé sốt, quấy khóc nhiều nên sáng 31-3, vợ chồng đưa con lên bệnh viện khám. “Mình cũng không nghĩ chỉ vì vết thương nhỏ mà con mình lại bệnh nặng suýt chết. Mấy hôm nay mình lo lắm chỉ sợ con không thể qua được. Nhờ các bác sĩ cứu chữa mà con của mình qua cơn nguy kịch, mình vô cùng biết ơn. Mong con sớm khỏe mạnh về nhà”- chị Siu Dul nói.

Kỹ thuật lọc máu liên tục được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Gia Lai và thành công góp phần cứu sống bệnh nhi nguy kịch. Ảnh: Như Nguyện

Kỹ thuật lọc máu liên tục được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Gia Lai và thành công góp phần cứu sống bệnh nhi nguy kịch. Ảnh: Như Nguyện

Kỹ thuật lọc máu liên tục hiện được triển khai tại các bệnh viện tuyến Trung ương và góp phần cứu sống tính mạng cho rất nhiều bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao. Điều này cho thấy tính ưu việt của kỹ thuật lọc máu liên tục trong công tác cấp cứu, điều trị tích cực. Tại Bệnh viện Nhi Gia Lai, sau các bước chuẩn bị về nhân lực và được sự đầu tư máy móc, trang thiết bị, đơn vị bước đầu triển khai kỹ thuật này.

Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai thông tin: Hiện nay, khoa Hồi sức tích cực chống độc có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng được đào tạo và thực hiện tốt kỹ thuật lọc máu liên tục. Việc triển khai thành công kĩ thuật cao này tại bệnh viện tuyến tỉnh có ý nghĩa rất lớn giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến cơ sở mà không phải chuyển tuyến trên điều trị, mang lại cơ hội sống sót cho những bệnh nhân nặng. Đồng thời, kỹ thuật này cũng được bảo hiểm y tế chi trả và bệnh nhân hầu như không phải tốn kém chi phí.

Ngoài kỹ thuật này, Bệnh viện Nhi Gia Lai còn được các Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ đào tạo và chuyển giao nhiều kỹ thuật mới trong điều trị như: Thở máy cao tần, huyết áp động mạch xâm lấn, đặt catheter đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên PICC, thay máu đồng thể tích trong điều trị vàng da nặng ở trẻ sơ sinh…qua đó góp phần chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhi một cách tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.