Gia Lai: Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để nông nghiệp phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để nông nghiệp phát triển bền vững, các địa phương ở Gia Lai đang vận động doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ

Toàn tỉnh hiện có 97.357 ha cà phê, 14.237 ha hồ tiêu, 78.880 ha mì, 88.979 ha cao su, 18.180 ha cây ăn quả... Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh trong phát triển chăn nuôi đại gia súc với đàn bò hơn 400 ngàn con, đàn heo 425 ngàn con, đàn dê 99 ngàn con…

Những năm gần đây, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết với người dân sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, quả. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 12 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông-lâm sản.

 Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản. Ảnh: Đức Thụy


Ông Đường Hữu Hạnh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp-Kinh doanh dịch vụ Thành An (thị xã An Khê) cho biết: Hợp tác xã liên kết để cung cấp rau quả cho Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. “Vừa rồi, tôi mua giống chanh dây của DOVECO về trồng thử nghiệm trên 1 ha đất. Tôi thấy giống chanh dây của DOVECO không thua kém giống chanh dây Đài Loan. Tôi mới thu hoạch 1 đợt được hơn 10 tấn, bán với giá 45 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được hơn 250 triệu đồng. Mối liên kết giữa Hợp tác xã với DOVECO mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 bên”-ông Hạnh nói.

Thời gian qua, huyện Đak Đoa định hướng cho nông dân cũng như các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Những năm gần đây, huyện rất quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Hiện nay, sản phẩm chủ lực của huyện như cà phê, hồ tiêu bắt đầu đưa vào chế biến tại chỗ nhằm nâng cao chất lượng và giá trị trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều nông dân và hợp tác xã đang mở rộng diện tích sản xuất cà phê 4C để cung cấp cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu. Huyện đang triển khai cho người dân liên kết với Công ty Olam sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ và liên kết với một công ty dược tại Hà Nội trồng khoảng 5 ha sâm đương quy”.


Để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông-lâm sản theo hướng bền vững, UBND tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời sẽ ký kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ nông sản, hướng dẫn người dân nâng cao trình độ canh tác và bao tiêu toàn bộ nông sản trong chuỗi. Năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời ký kết với nông dân vựa lúa Phú Thiện để sản xuất lúa gạo theo quy trình hiện đại, định hướng xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Gia Lai có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản vẫn còn bấp bênh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tìm giải pháp tiêu thụ nông sản bền vững, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay.

 

Cà phê sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP của Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn
Cà phê sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: “Những năm gần đây, huyện đã triển khai xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu, chanh dây, cây ăn quả... Bên cạnh đó, huyện mở cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng kế hoạch kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả…”.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, Sở đang tập trung định hướng các địa phương sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Cùng với đó, Sở kêu gọi các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai… liên kết với nông dân và các hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng thị trường xuất khẩu. Để hỗ trợ người dân sản xuất bền vững, ngành đã xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển theo chiều sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp


“Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Chủ động phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ hình thành các đơn vị kiểm định tiêu chuẩn, chất lượng chứng nhận sản phẩm nông sản đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ kích hoạt hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 nhằm đáp ứng phòng-chống dịch bệnh để nông sản có thể lưu thông bình thường trong nước và quốc tế; xây dựng các trang thông tin điện tử quảng bá nông sản an toàn của tỉnh để kết nối với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.
 

NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.