Gia Lai: Đẩy mạnh xúc tiến và cải thiện môi trường đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, tỉnh ta đã đón nhận nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhân dịp Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai sắp diễn ra, P.V đã có cuộc phỏng vấn ông HỒ PHƯỚC THÀNH-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch cũng như những giải pháp mang tính đột phá để thu hút đầu tư thông qua hội nghị này.
 

Ông Hồ Phước Thành. Ảnh: H.D
Ông Hồ Phước Thành. Ảnh: H.D

- P.V: Thưa ông, thời gian gần đây, Gia Lai đã có những khởi sắc trong công tác thu hút đầu tư. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh?

Ông HỒ PHƯỚC THÀNH: Cuối năm 2016, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư để tuyên truyền, giới thiệu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020; các cơ chế chính sách kêu gọi thu hút đầu tư, tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tại đây, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư 5.455 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 12 dự án đầu tư được lãnh đạo UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn đăng ký 15.420 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cũng đã ký cam kết tín dụng 7 dự án, tổng vốn đầu tư 4.744 tỷ đồng, vốn cho vay khoảng 2.850 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, có 14 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, 49 dự án đang triển khai và 66 dự án đang làm thủ tục đầu tư. Ngoài ra, còn có 32 dự án điện mặt trời của 23 nhà đầu tư đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư với quy mô 3.951 MW (hiện có 2 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch, 9 dự án đã được UBND tỉnh trình bổ sung quy hoạch và 21 dự án đang khảo sát).

Có thể thấy, các dự án đầu tư được triển khai cũng như đang đăng ký triển khai trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trước đây, hầu hết chỉ tập trung đầu tư ở các lĩnh vực như sản xuất đá granite, trồng cao su hay thủy điện thì nay đã mở rộng ra các ngành chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo cũng như phát triển công nghiệp chế biến.

- P.V: Những kết quả thu hút đầu tư đạt được trong thời gian qua đã tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thưa ông?

Ông HỒ PHƯỚC THÀNH: Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế-xã hội của tỉnh đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Trong 20 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra thì có 19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2017 (theo giá so sánh năm 2010) tăng 7,81% so với năm 2016; trong đó: nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,51%, công nghiệp-xây dựng tăng 7,94%, dịch vụ tăng 8,75%, thuế sản phẩm tăng 9,95%. Bình quân thu nhập đầu người đạt 41,6 triệu đồng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đứng thứ 43/63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm 2016 và đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Để có sự tăng trưởng đó, chúng ta cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Hàng năm, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội có hạn, ngân sách nhà nước từ các nguồn vốn cấp cho tỉnh không quá 3.200 tỷ đồng. Trong khi để đạt được con số tăng 7,81% tổng sản phẩm của tỉnh cần tới 18.500 tỷ đồng. Và số tiền ấy chính là từ nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

- P.V: Ngoài những kết quả đáng mừng thì công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua vẫn còn những tồn tại nhất định. Là cơ quan tham mưu cho tỉnh, theo ông, tỉnh cần làm gì để ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư?

Ông HỒ PHƯỚC THÀNH: Tuy kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng vượt bậc nhưng vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, đó là tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp chưa chặt chẽ. Giá cả một số mặt hàng nông sản, chăn nuôi bấp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cố gắng nhưng chưa hình thành được nhiều mô hình thực sự hiệu quả. Một số dự án đầu tư chậm triển khai, gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Lãnh đạo tỉnh xác định đẩy mạnh xúc tiến và cải thiện môi trường đầu tư là một nhiệm vụ trọng tâm để Gia Lai trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững vào năm 2020. Để công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, UBND tỉnh và các ngành chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu đưa chỉ số PCI lên khoảng vị trí 40/63 tỉnh thành. Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ứng vốn để tập trung tạo mặt bằng sạch trước đối với các quỹ đất để dễ kêu gọi đầu tư.

Đối với các dự án kêu gọi đầu tư, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan làm rõ chi tiết về giá đất, tình hình mặt bằng, các ưu đãi được hưởng... để nhà đầu tư lựa chọn. Tỉnh sẽ công khai quy trình lập và phê duyệt dự án, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu chọn nhà đầu tư, dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tăng cường đối thoại doanh nghiệp với các sở, ngành nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án.

Các doanh nghiệp nên chọn dự án đúng sở trường, thế mạnh và đúng với năng lực của mình. Doanh nghiệp phải có đội ngũ cán bộ hoặc thuê tư vấn có năng lực chuyên môn cao để làm hồ sơ thủ tục, thiết kế bản vẽ thi công... tránh làm sơ sài phải chỉnh sửa nhiều lần gây mất thời gian. Thêm nữa, doanh nghiệp phải am hiểu hoặc tìm hiểu kỹ về pháp lý để phối hợp tốt với các ngành, địa phương trong quá trình triển khai. Doanh nghiệp phải xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn khi nhận dự án, tránh tình trạng vừa làm vừa chạy vốn, gây chậm tiến độ, thậm chí không thể tiếp tục triển khai dự án, buộc cơ quan nhà nước phải thu hồi.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Hà Duy (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm