(GLO)- Sáng 12-1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2022".
Thượng tướng Võ Minh Lương-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án của tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Đề án đã phối hợp, phát huy vai trò của hệ thống chính trị để phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Theo đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cùng 44 tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên đổi mới và đa dạng nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, gắn với việc thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung vào địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Các địa phương, đơn vị đã tổ chức hàng ngàn đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở; gần 145.000 cuộc tuyên truyền, thu hút trên 6,8 triệu lượt người nghe. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định về phòng-chống dịch, tích cực tham gia cùng địa phương và Bộ đội Biên phòng đấu tranh, tố giác người xuất, nhập cảnh trái phép. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, các tổ biên soạn tài liệu, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã nghiên cứu, biên soạn và chuyển hóa trên 5.000 đề cương, tài liệu tuyên truyền các bộ luật, luật, văn bản dưới luật; biên soạn, in và cấp trên 10 triệu tờ rơi, tờ gấp và đĩa DVD tuyên truyền pháp luật. Bộ đội Biên phòng thực hiện hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng” qua đó nâng cao công tác phòng-chống dịch Covid-19 ở khu vực biên giới. Các xã, phường, thị trấn biên giới đã xây dựng 1.084 tủ sách; các đơn vị Quân đội, Công an đứng chân trên địa bàn biên giới đã xây dựng trên 1.000 tủ sách.
Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo, hướng dẫn các Đồn Biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương 7 xã biên giới thành lập 7 câu lạc bộ Tư vấn pháp luật với 56 thành viên. Hiện nay ở các Đồn Biên phòng và 7 xã biên giới duy trì có hiệu quả “Tủ sách pháp luật”. Qua 5 năm thực hiện đề án, Ban Chỉ đạo các cấp và các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền được hơn 9 ngàn buổi thu hút hơn 94 ngàn lượt người nghe. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn biên giới có 96 tổ hòa giải; Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã biên giới đã thành lập, duy trì sinh hoạt nhiều câu lạc bộ như: “Phòng-chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc biên giới”, “Phòng-chống tội phạm”, “Phụ nữ với pháp luật”...
Qua 5 năm thực hiện đề án, tỉnh Gia Lai có 19 tập thể, 25 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Đề án của tỉnh khen thưởng.
VĨNH HOÀNG