Gia Lai chú trọng quản lý bảo vệ rừng trong dip Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đang bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Bên cạnh đó, một số đối tượng thường lợi dụng dịp Tết để thực hiện các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Vì vậy, các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng đã triển khai đồng bộ các giải pháp để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Chủ động PCCCR

Ngay từ đầu mùa khô 2021-2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đông Bắc Chư Păh và các tổ nhận giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Chư Păh đã tập trung tuyên truyền về PCCCR, làm đường ranh cản lửa và đốt trước có điều khiển tại các khu vực trọng điểm cháy. Ông A Phiu-Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng làng Tuêk (xã Đak Tơ Ve) cho biết: “Tổ chúng tôi có 12 người, nhận khoán bảo vệ 195 ha rừng. Để hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy và PCCCR, chúng tôi chia làm 3 nhóm thay phiên nhau kiểm tra và tuyên truyền người dân không vào rừng săn bắt thú, không đốt rừng làm nương rẫy và sử dụng lửa an toàn. Đến nay, chúng tôi đã làm được 6 km (chiều rộng 12 m) đường ranh cản lửa để phòng ngừa cháy rừng”.

 Lực lượng chức năng huyện Chư Păh tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng chức năng huyện Chư Păh tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Lê Nam


Còn ông Nguyễn Văn Thành-Phó Trưởng ban phụ trách Ban QLRPH Đông Bắc Chư Păh-cho hay: Vào mùa khô, cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, Ban đã tiến hành xây dựng phương án PCCCR, thành lập các tổ bảo vệ rừng và xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng, ký cam kết với các hộ sống gần rừng trong việc sử dụng lửa an toàn. Đặc biệt, khi người dân tiến hành đốt nương rẫy phải báo để Ban cử cán bộ hướng dẫn. Ngoài ra, đơn vị cũng phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm cháy; tăng cường tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ cháy có thể xảy ra.

Tương tự, Ban QLRPH Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai) cũng đã triển khai làm được 12,4 km đường ranh cản lửa (rộng 14 m), đốt trước có điều khiển 145 ha, tổ chức 12 buổi tuyên truyền PCCCR và hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy cũ với hơn 540 lượt người tham gia. Ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban QLRPH Bắc Ia Grai-thông tin: Đơn vị hiện quản lý gần 13.280 ha rừng tự nhiên, hơn 570 ha rừng trồng. Qua thực tế theo dõi, đơn vị xác định có hơn 1.000 ha tại các khu vực rừng trồng, rừng tự nhiên, ven các khu sản xuất nông nghiệp, khu dân cư và gần các trục đường chính dễ xảy ra cháy. Để PCCCR kịp thời, đơn vị bố trí lực lượng tuần tra, trực 24/24 giờ trong mùa khô, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy.

Theo ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), toàn tỉnh có 478.810 ha rừng tự nhiên, 152.471 ha rừng trồng, 14.089 ha rừng trồng chưa thành rừng. Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu giúp UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị chủ rừng nâng cao trách nhiệm về PCCCR mùa khô 2021-2022. Chi cục Kiểm lâm cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) lập kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR của các cấp, ngành để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra.

Quản lý, bảo vệ rừng tận gốc

Huyện Kbang là một trong những “điểm nóng” về tình trạng vi phạm các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Dù đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, song tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Do đó, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân để cùng tham gia giữ rừng. Ông Đàm Văn Tích-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập (huyện Kbang) cho hay: Đơn vị được giao quản lý hơn 10.000 ha rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng để quản lý, bảo vệ rừng tận gốc, hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm hại tài nguyên rừng. Ngoài ra, đơn vị cũng hạn chế giải quyết cho cán bộ, nhân viên nghỉ phép trong dịp này để tăng cường lực lượng bảo vệ những vùng trọng điểm.

Các lực lượng tham gia gia diễn tập chữa cháy rừng 2020-2021. Ảnh: Lê Nam
Các lực lượng tham gia diễn tập chữa cháy rừng năm 2020-2021. Ảnh: Lê Nam


Theo ông Vương Đình Nghiêm-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang: Đến nay, Hạt đã xây dựng phương án tuần tra, truy quét lâm tặc trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đội liên ngành của huyện cũng thường xuyên đi cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng xác định những vùng trọng điểm để tăng cường tuần tra, truy quét; đồng thời, phối hợp với các già làng, trưởng thôn, người có uy tín xác định các đối tượng lâm tặc để răn đe, ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã thành lập 2 chốt liên ngành ở 2 trục đường chính nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép.  

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Trong đó, tập trung tăng cường các biện pháp an toàn về PCCCR; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng; hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy đúng quy định, không để lửa cháy lan vào rừng trong quá trình đốt, dọn nương rẫy. Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức lực lượng trực tại cơ quan, tuần tra canh gác tại các vùng trọng điểm dễ cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Đến nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo, không để xảy ra cháy rừng, không xảy ra các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật.

 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.