Theo đó, nhằm chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sinh vật hại gây ra cho cây trồng, Sở NN-MT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác phối hợp với các hội, đoàn thể và UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, trên cây lúa, bố trí lịch thời vụ phù hợp với điều kiện cụ thể; không gieo trồng trên những diện tích có nguy cơ ngập úng trong vụ mùa; gieo sạ tập trung, không nên gieo sạ ngay sau khi thu hoạch xong mà phải làm đất để tiêu hủy hết lúa chết, cỏ dại vì đây là nguồn ký chủ cho nhiều đối tượng dịch hại gây hại cho vụ sau.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP); đồng thời, bón phân đúng thời kỳ, đầy đủ, cân đối N-P-K, không bón quá nhiều lượng phân đạm.
Thường xuyên theo dõi diễn biến của một số đối tượng sâu bệnh có thể phát sinh gây hại mạnh theo các giai đoạn phát triển của cây lúa như: chuột, ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt xuất hiện gây hại vào giữa và cuối vụ.
Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn lúa dưới 4 ngày tuổi, chỉ sử dụng thuốc khi sâu, bệnh ở mật độ, tỷ lệ cao đến ngưỡng cần phòng trừ và sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách) để đạt hiệu quả phòng trừ.
Trên cây bắp, tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người sản xuất nhận diện được về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại và các giải pháp phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại theo đúng quy trình kỹ thuật; sử dụng các giống bắp có tính kháng sâu keo mùa thu (K7328 Bt/GT, NK 4300 Bt/GT, NK 66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, DK 8639S, DK 6919S, DK 9955S…) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là giai đoạn bắp 3-6 lá. Dự tính, dự báo chính xác các lứa sâu keo mùa thu phát sinh gây hại để có biện pháp khuyến cáo, hỗ trợ người dân tổ chức phòng trừ hiệu quả; sử dụng các loại thuốc chứa các hoạt chất Spinettoram, Indoxacarb, Lufenuron, Emamectin benzoate…để phòng trừ.
Trên cây sắn, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn do Cục Bảo vệ thực vật ban hành; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã được Sở NN-MT hướng dẫn.
Kiểm soát nguồn giống, hạn chế việc trao đổi, mua bán giống không rõ nguồn gốc, giống bị nhiễm bệnh nặng như HL-S11. Khuyến cáo người dân không lấy giống trên những vườn bị nhiễm; sử dụng nguồn giống sạch bệnh, giống sắn ít bị nhiễm bệnh như HN5, HLRS15. Hướng dẫn người dân bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây để hạn chế tác động của bệnh.
Trên những diện tích trồng sắn đã bị bệnh khảm lá nặng từ 2 vụ liên tiếp trở lên không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt…) trong ít nhất 1 vụ để cắt nguồn virus gây bệnh còn tồn tại trong cơ thể bọ phấn.
Tăng cường công tác điều tra, phát hiện, theo dõi thường xuyên diễn biến bệnh khảm lá virus hại sắn và môi giới truyền bệnh trên đồng ruộng. Những diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh nặng trong các vụ trước hoặc ruộng gần khu vực có sắn đang bị bệnh cần kiểm tra sớm sự xuất hiện của bọ phấn để phòng trừ kịp thời, hạn chế lây truyền bệnh.
Trên cây mía khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu hoạch, chọn giống, xử lý giống trước khi trồng mới. Khi thu hoạch nên chặt sát gốc, vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật tiêu hủy.
Xử lý đất, hom giống trước khi trồng, tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, tuyệt đối không lấy giống mía ở những vùng bị nhiễm bệnh trắng lá mía đã trồng… Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác tình hình gây hại của bọ hung, xén tóc, sâu đục thân... phát hiện, xử lý ngay không để lây lan.

Trên cây cà phê hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh vườn cây như: cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê vừa thông thoáng, giảm tiêu hao dinh dưỡng, vừa hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh.
Bón phân đầy đủ cân đối, kịp thời để hạn chế sâu, bệnh gây hại, chủ yếu là rệp sáp (phát sinh gây hại vào tháng 4 và tháng 5-thời điểm nắng nóng, khô hạn xen kẽ những đợt mưa đầu mùa); bệnh gỉ sắt (phát sinh gây hại vào các tháng 4, 5, 6 và gây hại mạnh vào tháng 11, 12); bệnh rụng quả cà phê (thường phát sinh và gây hại mạnh vào các tháng 7, 8); bệnh nấm hồng (phát sinh và gây hại trên những vườn cà phê trồng dày, thoát nước kém)…

Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Đông Xuân

Dùng băng thun y tế phòng rệp sáp gây hại sầu riêng

Ia Blứ vươn lên sau “cơn bạo bệnh” hồ tiêu
Trên cây hồ tiêu, tổ chức lại sản xuất hồ tiêu theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị. Hướng dẫn người dân sử dụng giống hồ tiêu sạch bệnh, được công nhận, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để sản xuất.
Khuyến cáo người dân chăm sóc, tưới nước, để tán cây che bóng, tủ gốc giữ ẩm cho vườn cây trong mùa khô; bổ sung các nguyên tố trung-vi lượng, giúp cây phát triển tốt, nâng cao khả năng kháng sâu bệnh hại. Vào mùa mưa cần vun cao gốc tiêu để tránh ngập úng.
Khuyến khích người dân sử dụng cây trụ sống để thay thế trụ gỗ, trụ bê tông nhằm giúp cây hồ tiêu phát triển bền vững; thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, kịp thời tiêu hủy nguồn bệnh trong vườn hồ tiêu; chú ý theo dõi và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh như tuyến trùng, vàng lá thối rễ tơ…
Trên cây điều cần vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, tỉa cành tạo tán cho vườn điều thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của bọ xít muỗi. Thu gom cành, lá, hoa, quả bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế lây lan nguồn bệnh. Khuyến cáo người dân không bón quá nhiều phân đạm, tăng phân kali vào thời kỳ cây điều ra đọt non, chồi hoa và quả non.
Cùng với đó, thường xuyên vào sáng sớm hoặc chiều tối (5-6 giờ) kiểm tra mật độ bọ xít muỗi; bệnh thán thư vào thời kỳ cây điều ra đọt non, lá non, ra hoa đậu quả để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

Trên một số cây ăn quả như chanh dây, sầu riêng, chuối, dứa, nhãn, cam, bưởi…, khuyến cáo người dân áp dụng quy trình chăm sóc, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại theo Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP do Cục Trồng trọt ban hành; sản xuất theo chuẩn GlobalGAP, Organic... Đồng thời, chủ động theo dõi sự phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại để phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời.