Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngành nông nghiệp và các địa phương tại Gia Lai đang hướng dẫn người dân chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Những ngày này, vợ chồng ông Trần Văn Độ (thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang cắt bỏ những cành cà phê khô để phòng ngừa các loại rệp gây hại. Ông Độ phấn khởi thông tin: Gia đình ông trồng 1,5 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C.

Thời điểm này, những hộ xung quanh mới bắt đầu tưới nước đợt 1, còn vườn nhà ông đã tưới từ trước Tết Nguyên đán. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, cà phê thường bị các loại rệp gây hại, dễ gây rụng quả non. Vì vậy, gia đình phải cắt tỉa cành khô nhằm tạo độ thông thoáng, giảm tiêu hao dinh dưỡng giúp cây phân hóa mầm hoa và phát triển cành tốt hơn, hạn chế sâu bệnh gây hại.

“Năm 2024, nhờ thời tiết thuận lợi, giá phân bón ổn định, gia đình đầu tư chăm sóc tốt nên vườn cà phê thu được 7 tấn nhân. Trước Tết Nguyên đán, tôi bán hơn 1 tấn cà phê nhân với giá 121 ngàn đồng/kg để tái đầu tư và sắm sửa cho gia đình. Tôi chờ giá tăng thêm mới bán số cà phê còn lại. Với giá cà phê hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng”-ông Độ nói.

vo-chong-ong-do-dang-cat-canh-ca-phe.jpg
Vợ chồng ông Trần Văn Độ (thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cắt bỏ những cành cà phê khô để phòng ngừa các loại rệp gây hại. Ảnh: N.D

Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Hùng (thôn 11, xã Nghĩa Hưng) chia sẻ: “Tôi trồng cà phê từ năm 2000. Thời điểm này thường xuất hiện các loại rệp gây hại cà phê. Vì vậy, sau khi tưới nước đợt 1, tôi chủ động mua các chế phẩm sinh học và thuốc phòng bệnh để phun cho vườn cây”.

Không chỉ cây cà phê mà các loại cây trồng khác như lúa nước, mì, cây ăn quả, hồ tiêu cũng được bà con nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại. Ông Pyưl (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi có 4 sào lúa nước trên cánh đồng Ngôn Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh).

Trước Tết, tôi đã bơm thuốc diệt cỏ khi mới gieo sạ lúa khoảng 10 ngày. Từ Tết đến nay, tôi thường xuyên thăm đồng để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sâu bệnh gây hại. Đến thời điểm này, 4 sào lúa phát triển tốt”.

ong-pyul-bom-thuoc-tru-co-cho-cay-lua-moi-gieo-sa-gan-20-ngay.jpg
Ông Pyưl bơm thuốc trừ cỏ cho cây lúa gieo sạ gần 20 ngày. Ảnh: N.D

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 68.337 ha, đạt hơn 85,9% kế hoạch. Hiện nay, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định. Một số sâu bệnh gây hại như bệnh khảm lá vi rút hại mì, rệp sáp trên cây cà phê, sâu đục thân trên cây mía giai đoạn đẻ nhánh… đã xuất hiện nhưng chủ yếu nhiễm nhẹ.

Ông Ngô Duy Đông-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-thông tin: Để đảm bảo an toàn sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025, Chi cục phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương chủ động phòng-chống sinh vật gây hại cây trồng.

Trong đó, phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng, hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời đối với những nơi có diện tích nhiễm bệnh cao và quan tâm đến một số đối tượng sinh vật gây hại có nguy cơ phát sinh mạnh như rệp sáp, rệp vảy xanh trên cây cà phê; chuột, ốc bươu vàng, rầy lưng trắng… trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây bắp và bệnh khảm lá vi rút hại mì.

“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng những loại giống cây trồng có khả năng kháng bệnh; tăng cường kiểm tra các cơ sở cung cấp giống.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… để nâng cao giá trị nông sản trên thị trường”-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.