Dùng băng thun y tế phòng rệp sáp gây hại sầu riêng | Báo Gia Lai điện tử

Dùng băng thun y tế phòng rệp sáp gây hại sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ việc quan sát tập tính sinh trưởng của loài rệp sáp, anh Bùi Thanh (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) đã sáng tạo ra cách phòng trừ rệp sáp hiệu quả trên vườn cây sầu riêng canh tác theo hướng an toàn sinh học của gia đình.

Anh Thanh chia sẻ, rệp sáp là loài gây hại ở tất cả bộ phận của cây sầu riêng với sự cộng sinh của kiến. Vào mùa khô, kiến sẽ mang rệp xuống đất để trú ẩn và chích hút gây hại gốc, rễ cây. Khi mưa ẩm, kiến lại mang rệp sáp, ấu trùng rệp sáp lên thân. Thời điểm rệp sáp sinh sôi mạnh là giai đoạn sầu riêng bắt đầu xổ nhụy, ra trái non, kéo dài đến khi thu hoạch. Nếu người làm vườn thiếu quan sát và phòng trừ không hiệu quả, chỉ một thời gian ngắn, rệp sáp sẽ sinh sôi nhanh chóng, phủ trắng cả quả non, lá và ngọn cây.

Không chỉ chích hút dinh dưỡng gây quăn lá, rụng trái, rệp sáp còn tạo môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng (muội đen) phát triển, làm suy giảm chất lượng, năng suất cây trồng và thẩm mỹ của quả sầu riêng. Đây cũng là một trong những đối tượng dịch hại ảnh hưởng đến các mặt hàng trái cây khi xuất khẩu chính ngạch.

Anh Bùi Thanh chia sẻ về cách dùng băng thun y tế để phòng rệp sáp.

Anh Bùi Thanh chia sẻ về cách dùng băng thun y tế để phòng rệp sáp.

Canh tác sầu riêng theo phương pháp sinh thái, an toàn nhiều năm qua, vì thế nên anh Thanh luôn trăn trở tìm cách phòng trừ rệp sáp hiệu quả mà không cần can thiệp bằng các giải pháp thuốc bảo vệ thực vật. Qua quan sát tập tính cộng sinh của rệp sáp và con đường di chuyển của kiến, anh Thanh nghĩ đến cách tạo một hàng rào bảo vệ ngay trên thân cây. Theo đó, anh đã dùng băng thun y tế ngâm qua thuốc tẩm màn chống muỗi rồi quấn một vài vòng trên thân cây, cách mặt đất khoảng 30 – 80 cm. Sau khi quấn băng y tế cho tất cả các cây trồng trong vườn, anh Thanh còn kiểm soát việc giao tán, tránh kiến di chuyển từ các cây bên ngoài vườn hoặc các con đường trung gian khác. Định kỳ khoảng 3 tháng, anh lại dùng bình xịt nhỏ bổ sung thêm thuốc tẩm màn pha loãng theo đúng tỷ lệ nhà sản xuất đưa ra vào các vị trí băng thun.

Cách làm này đã được anh Thanh áp dụng hiệu quả trên vườn sầu riêng của gia đình suốt 3 năm qua với chi phí phòng trừ rệp sáp cho một cây sầu riêng chỉ khoảng 4.000 – 5.000 đồng/năm. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, anh lại gỡ toàn bộ băng thun, giặt sạch rong rêu và tái sử dụng cho niên vụ tiếp theo. Ngoài hiệu quả trong việc phòng rệp sáp gây hại, từ khi thực hiện giải pháp quấn băng thun y tế và kiểm soát giao tán, anh Thanh còn nhận thấy lượng quả bị sóc, chuột khoét, gặm cũng giảm rõ rệt.

Theo anh Thanh, đây là giải pháp rẻ tiền, dễ thực hiện lại thân thiện với môi trường mà các nhà vườn có thể tham khảo để bảo vệ thành quả sản xuất. Ngoài áp dụng trên cây sầu riêng, giải pháp này cũng có thể ứng dụng cho các loại cây ăn quả, cây dài ngày khác nhằm chủ động ngăn ngừa rệp sáp gây hại, nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến thất thường như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.