Gia Lai: Bệnh khảm lá mì có chiều hướng lây lan, khó kiểm soát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 11-10, toàn tỉnh đã có 5 huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa đã xuất hiện bệnh khảm lá virut hại mì với tổng diện tích là 118,396 ha. So với thời điểm ngày 14-9-2018 đã có thêm địa phương xuất hiện bệnh khảm lá virut hại mì, diện tích mì bị nhiễm bệnh tăng 79,696 ha và đang có chiều hướng tiếp tục lây lan, khó kiểm soát.
Trước tình hình trên, ngày 12-10, UBND tỉnh có Công văn số 2283/UBND-NL về việc tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống bệnh khảm lá virut hại mì. Để ngăn chặn sự lây lan và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc, kịp thời các biện pháp phòng-chống bệnh khảm lá virut hại mì. 
Một số diện tích mì ở huyện Chư Pưh bị bệnh khảm lá virut. Ảnh: Ngọc Sang
Một số diện tích mì ở huyện Chư Pưh bị bệnh khảm lá virut. Ảnh: Ngọc Sang
Đối với các địa phương đã phát hiện bệnh khảm lá virut hại mì thì thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng-chống bệnh khảm lá virut hại mì ở các cấp để chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng trừ bệnh trên địa bàn, không để bệnh lây lan ra diện rộng. Vận động người dân tổ chức tiêu hủy đối với diện tích mì đã nhiễm bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Chú trọng chỉ đạo cấm việc vận chuyển hom giống mì ra khỏi vùng dịch hoặc sang địa phương khác; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, người sản xuất không trồng các giống mì đã xác định nhiễm bệnh nặng, nghiêm cấm mua bán; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng mì chuyển sang cây trồng khác hoặc không trồng mì  ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh.
Các địa phương chưa phát hiện bệnh khảm lá virut hại mì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân liên quan về tác hại của bệnh, các dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên thăm đồng để kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm bệnh lá virut hại mì và triển khai ngay các biện pháp phòng trừ kịp thời, triệt để.
Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng-chống bệnh khảm lá virut hại mì, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh những địa phương không nghiêm túc, còn lơ là trong công tác phòng-chống bệnh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, gây hại cho sản xuất. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cử cán bộ xuống cơ sở đang bị bệnh khảm lá virut hại mì để phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm