Ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết: Qua điều tra bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngày 8-2, ông Rơ Mah Lap (làng Bang Ngol, xã Ia Bang, huyện Chư Prông) bắt 2 con cóc về cho vợ là bà Rơ Mah Bo làm thịt và nấu thịt với gan cóc cho con gái là Rơ Mah Kheo (SN 1992) và cháu ngoại là Rơ Mah Đức (SN 2019) ăn vào khoảng 9 giờ sáng cùng ngày. Đến 10 giờ, chị Kheo và con trai xuất hiện các triệu chứng tức ngực, khó thở, buồn nôn. Khoảng 15 giờ cùng ngày được người nhà đưa lên Trung tâm Y tế huyện Chư Sê để điều trị và sau đó được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh lấy thông tin về vụ ngộ độc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện |
Theo đó, chị Kheo nhập viện cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) vào lúc 18 giờ 45 phút ngày 8-2, sau đó sức khỏe ổn định và được chuyển lên Khoa nội tổng hợp tiếp tục theo dõi, điều trị.
Chị Kheo cho biết: Hai mẹ con ăn thịt cóc và gan cóc. Sau khi ăn xong khoảng một giờ thì chị và con trai có các triệu chứng tức ngực, đau đầu, buồn nôn nên gia đình đưa đi viện cấp cứu. Hiện qua điều trị, sức khỏe đã ổn định hơn.
Về phần cháu Rơ Mah Đức, lúc vào viện có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt nhiều do ăn thịt và gan cóc. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai).
Qua điều trị, cháu Rơ Mah Đức đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện |
Sau khi nắm thông tin về vụ ngộ độc thịt cóc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Ia Bang đã đến nhà ông Rơ Mah Lap điều tra xác minh. Thịt và gan cóc đã ăn hết nên đoàn không tiến hành lấy mẫu thực phẩm. “Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Ia Bang tổ chức triển khai công tác truyền thông tại chỗ cho người dân không chế biến cóc để làm thức ăn; không nên ăn những thực phẩm tuy đã nấu chín nhưng để lâu ở nhiệt độ thường; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi vừa được nấu chín”- ông Thạnh cho biết.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ-Tổng hợp (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh), từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc; trong đó 5 trường hợp tử vong, đều là người dân tộc thiểu số. 4 xã ghi nhận các trường hợp tử vong do ăn thịt cóc là H’Ra (huyện Mang Yang), Ia Rong (huyện Chư Pưh), Ia Băng (huyện Chư Prông) và Ia Pal (huyện Chư Sê).
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân tại làng Bang Ngol, xã Ia Bang, huyện Chư Prông không ăn thịt cóc để phòng-chống ngộ độc. Ảnh: Như Nguyện |
Trong con cóc có những độc tố tự nhiên gây chết người. “Tuy vậy, tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số do thói quen, do thiếu kiến thức nên người dân vẫn sử dụng thịt cóc làm thức ăn dẫn đến xảy ra nhiều vụ ngộ độc và tử vong do ăn thịt cóc. Thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức công tác tuyên truyền người dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề này, góp phần nâng cao ý thức của người dân, giảm thiểu các vụ ngộ độc và tử vong do ăn thịt cóc”- bà Trang chia sẻ.