Gập ghềnh phận mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai cũng mong muốn có một mái ấm gia đình, song trước sóng gió cuộc đời, nhiều em nhỏ ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) phút chốc trở thành mồ côi. Thiếu vắng tình thương của cả cha mẹ, tương lai của các em bỗng hóa gập ghềnh.

1. “Ước gì cha mẹ không bỏ tụi con mà đi. Con nhớ cha mẹ lắm!”-một em nhỏ ở làng Bi Giông chia sẻ với tôi như vậy. Giọng nói nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng cùng dáng hình gầy gò, đen nhẻm của đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn đến giờ vẫn ám ảnh tôi. Trong thực tế, đôi khi chỉ từ mâu thuẫn trong gia đình, áp lực cuộc sống, cha mẹ nhiều em đã chọn cho mình sự giải thoát, để lại đứa con nhỏ dại, bơ vơ. Giờ đây, chúng chỉ biết bám víu vào ông bà nội, ngoại, họ hàng, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng thêm gánh nặng, nhiều trường hợp lâm vào bế tắc.

Hai anh em Đinh Thuệ (bìa phải) và Đinh Thon phải tự làm mọi việc sau khi cha mẹ qua đời. Ảnh: Vũ Chi

Hai anh em Đinh Thuệ (bìa phải) và Đinh Thon phải tự làm mọi việc sau khi cha mẹ qua đời. Ảnh: Vũ Chi

Khi chúng tôi ghé thăm, 2 anh em Đinh Thuệ (lớp 6) và Đinh Thon (lớp 2, cùng học Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp) đang lúi húi trong bếp ăn cơm nguội. Chẳng cần thịt cá, chén cơm trắng cũng hết vèo. Vẻ nhút nhát, tủi thân hiện rõ trên từng khuôn mặt ngây thơ kể từ ngày cha mẹ bỏ các em về cõi Atâu. Theo người làng kể lại, gia đình Thuệ có 3 anh em trai. Cha Thuệ có tật hay uống rượu, không chịu làm ăn nên vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã. Rồi như giọt nước tràn ly, một ngày đầu tháng 12-2022, mẹ Thuệ treo cổ tự tử ngay trong căn nhà của mình. Lo liệu đám tang cho vợ xong, 1 tuần sau, vì mặc cảm tội lỗi, cha Thuệ cũng tìm đến cái chết bằng cách tương tự. Bi kịch gia đình liên tiếp xảy ra khiến 3 anh em Thuệ phút chốc trở thành trẻ mồ côi. Theo tập tục của làng, ngôi nhà có vợ chồng cùng treo cổ tự tử thì buộc phải tháo dỡ, đốt bỏ. Vậy là, anh em Thuệ chẳng còn nhà để về. Ông bà nội, ngoại đều không còn, 3 anh em phải chia nhau ra sống cùng họ hàng, mà gia đình những người họ hàng của các em hầu như nhà nào cũng khó khăn, nuôi con mình đã vất vả giờ lại cưu mang thêm đứa cháu. Vậy nên, Thuệ và Thon sống cùng bác, còn anh cả Đinh Thuên (lớp 7) sống cùng người chú cách đó chừng vài trăm mét. Điều may mắn lớn nhất với 3 anh em là các em vẫn còn được đi học.

2. “Mẹ đi tìm người yêu rồi”-câu nói ngây thơ của đứa trẻ 8 tuổi như cứa vào tim người hỏi. Đó là hoàn cảnh của em Đinh Thảo-học sinh lớp 2, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp. Tóc mái dài che đến nửa khuôn mặt, dáng vẻ còm nhom, đen đúa, chiếc quần vừa dài vừa rộng xộc xệch của Thảo phần nào nói hộ hoàn cảnh sống của 3 bà cháu. Thảo mồ côi cha khi em đang học lớp 1. Mất đi trụ cột gia đình, mẹ em gồng mình nuôi 2 con. Nửa năm sau, một hôm, mẹ Thảo bỏ đi biệt tích. Bà nội ở cái tuổi gần đất xa trời, lẽ ra được nghỉ ngơi nay phải nai lưng nuôi 2 đứa cháu nhỏ dại. Tuy nhỏ tuổi nhưng Thảo rất hiểu chuyện. Nhiều lần nội lên rẫy, Thảo dắt em đến lớp, vừa học vừa trông em. Thảo biết làm mọi việc từ quét nhà, rửa chén, nấu cơm, cho em ăn. Vất vả là vậy nhưng giấc mơ con chữ luôn cháy bỏng trong em. Nhà không có điện, tối đến, Thảo mang sách vở sang nhà cô họ xin học nhờ. Nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi em. Mỗi lần nói đến tương lai 2 đứa cháu tội nghiệp là bà Đinh H'Rim lại không ngăn được nước mắt. “Tôi già rồi, sống thế nào cũng xong. Chỉ thương 2 đứa nhỏ tội nghiệp. Ngày lễ, Tết thui thủi ở nhà với nội. Chỉ sợ đến lúc tôi chết, chúng lại bơ vơ không biết nương tựa vào ai”-bà H'Rim ngậm ngùi nói.

Thầy Vũ Văn Tùng trích kinh phí “Tủ bánh mì 0 đồng” trao tặng em Đinh Thảo một con bò sinh sản. Ảnh: Vũ Chi

Thầy Vũ Văn Tùng trích kinh phí “Tủ bánh mì 0 đồng” trao tặng em Đinh Thảo một con bò sinh sản. Ảnh: Vũ Chi

3. Thương cảm trước hoàn cảnh của học trò, thầy Vũ Văn Tùng-người đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” đã trích kinh phí hỗ trợ các em 2 con bò sinh sản trị giá gần 30 triệu đồng. Thầy Tùng chia sẻ: Ở mảnh đất này, những hoàn cảnh gia đình như 3 anh em Đinh Thuệ hay Đinh Thảo không phải là hiếm. Những phận đời mồ côi ấy giống như đang ngồi trên chiếc thuyền không người lái giữa biển khơi. Nó có thể bị nhấn chìm bất cứ lúc nào. Không ít đứa trẻ ở hoàn cảnh ấy phải nghỉ học giữa chừng rồi vướng vào các tệ nạn xã hội hoặc bị xâm hại. Chính vì vậy, thông qua mô hình hỗ trợ sinh kế, tôi muốn thắp lên ngọn lửa hy vọng trong mỗi trái tim học trò, giúp các em cùng gia đình vơi bớt khó khăn.

Theo ông Hà Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 5 vụ tự tử, trong đó, trường hợp của gia đình 3 anh em Đinh Thuệ là xót xa nhất. Chỉ vì những mâu thuẫn đơn giản nhưng âm ỉ lâu ngày đã khiến những bậc làm cha, làm mẹ chọn cái chết để giải thoát, để lại nỗi đau cho gia đình, người thân, đặc biệt, những đứa trẻ chịu hậu quả quá nặng nề. Ở cái tuổi lẽ ra được yêu thương, chăm sóc nhưng chúng trở nên bơ vơ, phải tự lo cho mình. Để tạo điều kiện cho các em tiếp tục đến trường, chính quyền địa phương đã tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các em sinh kế, xe đạp, đồ dùng học tập; Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Công an xã triển khai mô hình nhận đỡ đầu học sinh mồ côi. Cùng với quan tâm chăm lo đời sống người dân, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự gắn kết giữa người dân-cán bộ thôn-chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm của những bậc làm cha, làm mẹ cũng như nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu vấn nạn tự tử.

Có thể bạn quan tâm

Mô hình trồng ngô ngọt của phụ nữ Ia Broăi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Phụ nữ Ia Broăi thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(GLO)- Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiếu số đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Ông Đỗ Xuân Lâm luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu trong mỗi chuyến đi. Ảnh: L.V.N

U70 đạt giải “Vô lăng vàng”

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với nghề lái xe, ông Đỗ Xuân Lâm (SN 1960, trú tại tổ 4, phường Trà Bá, TP. Pleiku) luôn tâm niệm phía sau tay lái là hạnh phúc của rất nhiều gia đình.

Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

(GLO)- Hiện nay, nhiều giếng đào và giếng khoan tại một số thôn, làng trong tỉnh Gia Lai bắt đầu cạn khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.

Triển khai quyết định về Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm

Gia Lai triển khai đề án Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành văn bản số 846/UBND-KGVX triển khai nội dung Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 20-2-2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”.

Ông Nay Chin (ở giữa) tuyên truyền cho người dân về tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Ảnh: M.P

Ông Nay Chin vì bình yên thôn, làng

(GLO)- Với uy tín của mình, ông Nay Chin (thôn Điểm 9, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện thường xuyên phối hợp với chính quyền, lực lượng an ninh cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động những người từng lầm lỡ theo “Tin lành Đê ga” quay trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Bà Rơ Ô H’Hieng-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tul (xã Ia Broăi) hướng dẫn em Rơ Ô H’Tra học bài. Ảnh: R.H

Điểm tựa cho trẻ mồ côi

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.