Dưới dãy Chư Nâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có lẽ những ai yêu thiên nhiên, thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên hẳn vẫn chưa quên được sườn núi Chư Đăng Ya với đồi hoa dã quỳ nở rộ. Tôi đến đây vào khoảnh khắc giao mùa. Thu đã giăng trên chiều mưa cuối hạ. Cứ ngỡ núi lẻ loi một mình, kỳ thực là không. Chư Đăng Ya chỉ là một trong những ngọn núi đẹp thuộc dãy Chư Nâm, nằm trọn trong địa phận của huyện Chư Pah.

Chẳng ai có thể tin được khi rời trung tâm TP. Pleiku chừng 30 km về hướng Đông Bắc, giữa đại ngàn, men theo những ngả đường ngay dưới chân dãy núi Chư Nâm lại có thể tìm thấy một vùng bình nguyên xanh và xa thẳm; một cuộc sống yên ả, thanh bình hơn bất kỳ vùng đồng bằng nào trên đất nước Việt Nam thân yêu. Tôi đã mang tuổi thanh xuân của mình đi khắp nơi, thi thoảng lại ngẩn ngơ trước những chân trời mới mẻ, đường bệ. Nhưng ở đây, chỉ một cánh hoa xuyến chi nở ven đường cũng đủ làm lòng tôi thổn thức.

 

Con đò biếng lười trên mặt nước sát chân dãy Chư Nâm.                                                     Ảnh: L.H
Con đò biếng lười trên mặt nước sát chân dãy Chư Nâm. Ảnh: L.H

Khung cảnh dưới chân dãy núi dễ khiến lòng người mê đắm. Chiều tháng 8, mây đổ từng dải bông trắng xuống sườn núi, núi lại nghiêng nghiêng đổ mình xuống đồng, những cánh đồng xanh hút tầm mắt. Mùa đẹp và giản dị đến vô cùng. Lối vào triền ruộng, những thảm lúa non trải mình trên con nước đục. Tôi đắp tuổi mình lên màu xanh của lúa, thấy màu của thanh xuân. Thả ba lô ở vệ cỏ, bước xuống gần hơn, tôi đưa tay với lấy cánh chuồn chuồn đỏ chót đậu lênh đênh trên biển lúa; hít một hơi thật dài để tận hưởng chút thảo thơm của “hương đồng gió nội”. Nắng mềm và mảnh như sợi tơ, giăng ngược phía những cánh đồng lạnh tựa tháng giêng non. Dường như nắng không phải từ trên trời nhỏ xuống mà được ươm từ đất lên, màu nắng vàng xuộm mà vẫn rất tươi xanh. Đứng từ phía xa, phóng tầm mắt vào sát chân núi, có những mái nhà tranh dựng nhấp nhô, như ai giăng mắc vào vòm trời hun hút, thực gần mà cũng thực quá xa xôi. Đến khi mây ào ào đổ xuống vòm quanh chân núi thì những mái nhà ấy lại thành vệt sáng lốm đốm ở phía cuối trời.

Thi thoảng tôi vẫn thấy mình tựa như chiếc lá thu mỏng, muốn nương theo gió để tìm về chốn bình yên nào đó. Dãy núi Chư Nâm hùng vĩ như một vệt nắng đẹp đọng ở tim, khiến cô gái vốn thích sự chuyển dời phải bỏ lại ngày phố thị xôn xao để tìm về trong một chiều chấp chới. Tôi thích mảnh không gian dưới chân núi không vì sự hoàn hảo mà bởi vẻ đẹp theo cách rất riêng của nó. Một đầm trũng nước với hàng trăm chú vịt thả mình êm êm theo đàn; một vó bè lầm lũi giữa dòng; một con đò biếng lười ai đã bỏ quên từ lâu lắm; một đàn trâu thung thăng gặm cỏ, chốc chốc lại gục gặc cái đầu ra chừng thích thú; một vạt lau trắng rung rinh quanh bờ… Tất cả cuộn vào nhau thành một mảnh ghép quê hương trong trẻo, tinh khôi đến căng tràn.

Không nhiều người biết đến Chư Nâm, dãy núi nằm nép mình như chìm trong “giấc ngủ đông” chưa từng thức dậy ở một nơi xa thành phố. Sườn đồi vẫn thoai thoải, hàng cột điện vẫn im lìm giăng vào tận cửa núi. Xuyến chi vẫn vươn từng cánh mỏng, kiêu hãnh hơn bất kỳ loài hoa dại nào ven đường. Tôi “lia” chiếc máy ảnh cũ kỹ của mình, bắt lấy một khoảnh khắc đẹp của đồng. Nơi đó, có hình ảnh bác nông dân ngẩng lên cười một nụ như lúa mới được mùa, vẫy tay chào rồi trở về với ruộng như sợ chiều đến vội.

Cả buổi chiều tôi lang thang ở dưới chân dãy Chư Nâm, dãy núi tưởng chừng suốt đời im lặng. Tôi bắt đầu tin vào mây núi, cỏ hoa và tin vào những thiên đường trên mặt đất. Bước qua vục đất đẫm vết chân trâu, tôi quay về. Ba lô nặng đi vì xao động. Chợt nhận ra: góc lữ hành là góc chân trời mà ở đó, bước chân tôi nhẹ bẫng, tâm hồn tôi tự do…

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.