Đừng để nông dân trồng mía "chết" vì hội nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Hàng triệu nông dân trồng mía của các bạn đang có nguy cơ bị hất ra ngoài cuộc chơi hội nhập, tại sao các bạn không hành động ngay”.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên NTNN/Dân Việt, Antoine Meriot - một chuyên gia người Pháp nhiều năm nghiên cứu về ngành công nghiệp mía đường - liên tục đưa ra lời cảnh báo.
Tài liệu nghiên cứu mà Antoine đưa tôi xem là một bản slide không quá dài, nhưng những biểu đồ, những con số được cập nhật từ những năm 1990 đến tận 2019 cho thấy sự dày công nghiên cứu của ông về ngành công nghiệp mía đường thế giới.
Đây là lần đầu tiên Antoine đến Việt Nam, theo thư mời của một doanh nhân trẻ. Nghiên cứu về ngành công nghiệp mía đường Việt Nam của Antoine nằm trong mối quan tâm chung của ông với hơn 120 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan. Antoine vốn là một chuyên gia nghiên cứu độc lập. Các công trình nghiên cứu của ông không chỉ được sử dụng trong các phiên điều trần về ngành mía đường tại Quốc hội Mỹ mà còn được Brazil sử dụng để kiện Thái Lan ra WTO.
Khuyến cáo của Antonie khiến tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn trong tiếp cận vấn đề ngành mía đường.
 
Ở nhiều nơi, mía từng được coi là "cây xóa nghèo". Nếu không trồng mía, nguy cơ tái nghèo hiện hữu. Ảnh: ML
Thực tế, báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam cho thấy, liên tiếp 3 vụ mía gần đây, giá mía xuống thấp do nhà máy ế hàng, tồn kho tăng, giảm công suất ép. Bà con nông dân bỏ mía ngày càng nhiều. Bỏ mía rồi một số chuyển sang trồng cây như cam, chanh leo, mì, ngô... nhưng đầu ra bấp bênh, nhiều loại không có nơi tiêu thụ. Được mùa mất giá - điệp khúc này vẫn quen thuộc đến đau đớn.
Cuối tháng 6 vừa rồi, tôi có chuyến đi cùng đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến 3 tỉnh miền Tây: Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng – những địa phương đang có diện tích trồng mía lớn nhất ở vùng ĐBSCL. Ở các huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cù Lao Dung (Sóc Trăng) – những nơi nhiều năm qua được coi là “thủ phủ” của cây mía giờ có phần xơ xác. Những người nông dân trồng mía tôi gặp trong chuyến đi ấy đã vẽ ra một tương lai không mấy sáng sủa cho từng gia đình, cũng như chính ngành mía đường của tỉnh ấy.
“Muốn bỏ cây mía vì lỗ quá. Nhưng bỏ mía rồi không biết trồng cây gì”, ông Đinh Văn Triệu – lão nông có thâm niên hơn 20 năm trồng mía ở Phụng Hiệp nhắc đi nhắc lại điệp khúc này trong cuộc trò chuyện.
Tương tự, Giám đốc HTX Hiệp Hưng - ông Võ Hoàng Anh thì thông tin rằng, gần đây nhiều hộ dân trong vùng đã giảm bớt diện tích mía, chuyển sang trồng cam để mong “lấy ngắn nuôi dài”. Nhưng cũng chỉ được một vài vụ có lãi, giờ lại không có đầu ra, giá cam thấp còn 6.000 – 7.000 đồng/kg, lỗ hơn trồng mía.
“Trước đây trồng mía khá lắm, bà con ăn nên làm ra nhờ cây mía. Nhưng 2-3 vụ gần đây thì giá mía tụt xuống trong khi chi phí vật tư, nhân công tăng, bà con lỗ quá trời, tính bỏ ruộng trống vì chưa tìm được cây thay thế”, Giám đốc HTX Hiệp Hưng cho biết.
Qua các kênh thông tin nào đó, ông giám đốc HTX Hiệp Hưng đã biết rằng nguyên nhân "đường lậu đang ngập tràn khiến mía đường trong nước lao đao". Ông nêu nhiều kiến nghị, chung quy là làm sao phải gỡ được thế bế tắc cho nhà máy, để họ thu mua mía, ép hết công suất, bà con nông dân trồng mía mới có cửa sống. 
Cũng tại buổi làm việc hôm đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy đã đề cập đến chuyện chuyển đổi cây trồng cho bà con nếu cây mía không còn đầu ra. “Nhất định phải chuyển đổi, không thể bắt nông dân ôm mãi cây mía khi khả năng tiêu thụ kém, giá thành thu mua thấp, càng trồng càng lỗ”, bà Thủy quả quyết.
Tương tự Hậu Giang, diện tích trồng mía ở Sóc Trăng, Trà Vinh cũng dần thu hẹp. Các nhà máy đường tại 2 tỉnh này đứng trước nguy cơ đóng cửa vì tồn kho quá cao, càng ép càng lỗ.
“Đường Thái Lan vào rẻ hơn đường mình cả vài ngàn đồng/kg. Không chỉ các hộ tiêu dùng lớn như Coca Cola, sữa, bánh kẹo... mà ngay cả những người tiêu dùng nhỏ lẻ cũng lựa chọn dùng đường Thái vì giá rẻ. Hiện đường tồn kho của các nhà máy Việt Nam lên đến cả trăm nghìn tấn”, ông Lê Hồng Thái - Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam thông tin.
 
Nghiên cứu của ông Antoine Meriot chỉ ra rằng Thái Lan là nước có diễn biến sản xuất – tiêu thụ đường rất kỳ lạ  khi giá đường thế giới càng giảm, người Thái càng đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu. Ảnh: HL
Quay trở lại câu chuyện với Antoine, vị chuyên gia này cho biết, ông khá bất ngờ khi tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu về ngành mía đường Việt Nam. Theo Antoine, trong hơn 120 quốc gia có ngành mía đường, Việt Nam có thể chiếm một vị trí không lớn. Nhưng thị trường tiêu thụ của Việt Nam rất tiềm năng, vượt cao hơn so với năng lực sản xuất của các nhà máy đường trong nước. “Vậy vì sao lại dẫn đến tình trạng đường nội địa đắp đống trong kho, trong khi đường Thái Lan xâm chiếm thị phần kinh khủng đến thế”, Antoine đặt câu hỏi.
Khi tôi nêu vấn đề về chênh lệch giá đường Việt Nam – Thái Lan là nguyên nhân chính, Antoine đề nghị xem lại lý do giá đường Thái Lan xuất khẩu vào Việt Nam vì sao lại rẻ đến vậy.
Từ số liệu báo cáo của Hiệp hội mía đường Mỹ, với nghiên cứu độc lập của Antonie, ông chỉ ra rằng, trong 120 quốc gia có ngành công nghiệp mía đường, Thái Lan được coi là nước có diễn biến sản xuất – tiêu thụ kỳ lạ nhất khi giá đường thế giới ngày càng giảm, nhưng lượng sản xuất của Thái Lan tăng chóng mặt, với 70% dành cho xuất khẩu. Với những số liệu cụ thể, Antonie khẳng định giá đường Thái Lan nhờ được chính phủ trợ giá, trợ cấp rất lớn nên đang thấp hơn nhiều so với giá đường nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
“Họ đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá nhằm xâm chiếm thị trường. Đó là chiến dịch có chủ đích. Brazil từng kiện Thái Lan lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc này, tại sao Việt Nam không hành động?”, Antonie lại đặt câu hỏi.
Trước lập luận cho rằng, cam kết mở cửa tự do thương mại đồng nghĩa với việc chấp nhận cạnh tranh, Antoine quả quyết rằng với bất cứ quốc gia nào, mở cửa, hội nhập phải đi kèm với mục tiêu bảo vệ nền sản xuất trong nước, không để người dân nghèo đi vì hội nhập.
“Nếu để đường Thái thoải mái xâm chiếm thị trường Việt Nam như hiện nay, tôi cam đoan cái chết của ngành mía đường Việt Nam đang đến rất gần”, Antoine nói.
Với vai trò một chuyên gia nghiên cứu độc lập, Antoine luôn nhấn mạnh rằng ông không muốn đưa ra khuyến nghị cụ thể nào với chính phủ mỗi nước. “Nhiệm vụ của tôi là chỉ rõ những bất cập trong chính sách. Hành động như thế nào là tùy thuộc vào chính phủ của các bạn”.
Chúng ta sẽ hành động như thế nào trước nguy cơ đe dọa hiện hữu đối với ngành công nghiệp mía đường trong nước? Vấn đề này từng được gợi ra, với không ít ý kiến cho rằng, nên để nó cạnh tranh công bằng, không cạnh tranh được thì chấp nhận xóa sổ.
Cạnh tranh công bằng là khẩu hiệu quen thuộc khi chúng ta mở cửa thị trường. Chấp nhận xóa sổ cả một ngành sản xuất nếu nó không thể cạnh tranh, không thể lớn mạnh ở góc độ nào đó có thể coi là hợp lý.
Nhưng nếu ẩn sau đó là sự bất bình đằng trong chính sách của mỗi nước, ẩn sau sự canh tranh được gọi là “công bằng” nhưng sự thật là bất công đó là nguy cơ hàng triệu người nông dân trồng mía Việt Nam bị tái nghèo vì mở cửa, hội nhập... như vậy liệu chúng ta hội nhập có thành công? Như vậy có thực sự công bằng với người nông dân trồng mía Việt Nam?
Việt Nam và EU vừa ký kết thành công Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Đây là cơ hội để Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu hơn vào thị trường khu vực và thế giới. Nhưng ở góc độ nào đó, những tác động không mong muốn của tự do hóa là khó tránh.
Làm sao để hội nhập mà người nông dân không nghèo đi – đó là sứ mệnh, là mục tiêu, cũng là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành.
Phạm Hoàng Lan (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Hợp tác xã Sản xuất điều Ia Grai thường xuyên tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các thành viên và người dân. Ảnh: N.H

“Điểm tựa” của người trồng điều

(GLO)- Với việc tích cực phối hợp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cây giống và bao tiêu sản phẩm, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất điều Ia Grai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã trở thành “điểm tựa” của bà con nông dân trên địa bàn.

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản năm qua là một trong những mảng sáng của bức tranh kinh tế đất nước, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.

Hộ ông Rmah Tuân (làng Plei Thơh Ga B, xã Chư Don) mượn giống lúa Đài Thơm 8 để đưa vào sản xuất trong vụ mùa 2024. Ảnh: N.D

Chư Pưh hỗ trợ nông dân gieo trồng giống lúa mới

(GLO)- Vụ mùa 2024, Hội Nông dân huyện Chư Pưh đã triển khai mô hình “Chuyển đổi giống lúa mới”. Theo đó, Hội kết nối với doanh nghiệp cho người dân mượn giống lúa để sản xuất, sau khi thu hoạch thì trả lại. Đây là cách làm mới trong phát triển cây lúa nước của địa phương.

Nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng

Nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng

(GLO)- Hiện nay, mực nước các sông suối, hồ đập trên địa bàn huyện Chư Sê đang thấp hơn trung bình nhiều năm, nhất là mực nước hồ thủy lợi Ia Ring sau sự cố sụt lún thân đập ở mức khá thấp. Dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp chống hạn nhưng nguy cơ thiếu nước tưới vẫn đang hiện hữu.

Nông dân ước vọng mùa màng bội thu

Nông dân ước vọng mùa màng bội thu

(GLO)- Sau những ngày nghỉ Tết, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở lại guồng quay của công việc, bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Ai nấy đều gửi gắm ước vọng vào một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, việc kinh doanh thuận lợi để cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Người trồng dưa hấu thiệt hại kép

Người trồng dưa hấu thiệt hại kép

(GLO)- Năm nay, nhiều nông dân ở khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai chịu thiệt hại kép khi dưa hấu vừa mất mùa, vừa rớt giá. Nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí phải gánh thêm khoản nợ lớn sau nhiều tháng dãi nắng dầm mưa.

Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai làm việc với lãnh đạo Công ty về việc hợp tác phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn. Ảnh: H.T

Giống chanh dây Nafoods đạt thương hiệu quốc gia

(GLO)- Sau gần 30 năm đi vào hoạt động, Nafoods Group đã khẳng định uy tín, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Mới đây, Nafoods Group được vinh danh thương hiệu quốc gia năm 2024 với dòng sản phẩm cây giống chanh dây chất lượng cao.

Công ty cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa tặng 2 triệu cây xanh cho tỉnh Gia Lai. Ảnh: M.T

Sắc xuân trên vùng nguyên liệu mía Đông Nam Gia Lai

(GLO)- Những ngày cuối năm Giáp Thìn 2024, vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai (AgriS Gia Lai) rộn vang tiếng cười của người dân và nhân công thu hoạch khi giá mía tiếp tục duy trì ở mức cao giúp nông dân có lợi nhuận khá.