Đức Cơ lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Đức Cơ (tình Gia Lai), tạo động lực để bà con nông dân vươn lên làm giàu.

Giai đoạn 2017-2022, Hội Nông dân huyện Đức Cơ đã kết nạp được 593 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 10.897 người. Qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hàng năm, trên địa bàn huyện có hơn 3.376 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, hơn 2.804 hộ có lợi nhuận 100-200 triệu đồng, 346 hộ có lợi nhuận trên 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng, 147 hộ có lợi nhuận trên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng, 52 hộ có lợi nhuận trên 500 triệu đồng, 27 hộ có lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

Người dân huyện Đức Cơ thu hoạch cà phê. Ảnh: Lê Nam

Người dân huyện Đức Cơ thu hoạch cà phê. Ảnh: Lê Nam

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Loan (làng Pnuk, xã Ia Kriêng) gặp không ít khó khăn do không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thiếu vốn để đầu tư. Sau khi vào Hội Nông dân xã, chị được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất. Đặc biệt, chị được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư trồng gần 1 ha cà phê. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, khi cây cà phê chưa có thu, chị trồng xen cây hàng năm để có thêm thu nhập. Có tiền tích lũy, chị lại mua thêm đất để mở rộng sản xuất. “Đến nay, gia đình có 2 ha cà phê, 1 ha điều, 1 ha cao su. Hàng năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng”-chị Loan cho hay.

Theo ông Siu Đuên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kriêng: Toàn xã có 764 hội viên nông dân. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình, sinh hoạt chuyên đề của chi hội, tổ hội nghề nghiệp, nông hội... đã giúp hội viên nông dân nắm bắt kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nông dân có điều kiện để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Bà Mai Thị Xuân (tổ 9, thị trấn Chư Ty) chăm sóc, tỉa cành cho vườn sầu riêng. Ảnh: Lê Nam

Bà Mai Thị Xuân (tổ 9, thị trấn Chư Ty) chăm sóc, tỉa cành cho vườn sầu riêng. Ảnh: Lê Nam

Để giúp hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện đã nhận ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 1,2 tỷ đồng cho 46 hội viên vay vốn triển khai 4 dự án trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, chăn nuôi heo thịt tại xã Ia Dơk, Ia Nan, Ia Dom, Ia Din; Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện với 620 triệu đồng đã hỗ trợ cho 23 hội viên vay để triển khai dự án trồng và chăm sóc cây cà phê tại xã Ia Dơk, Ia Din, Ia Kriêng, Ia Nan và thị trấn Chư Ty. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện đã phối hợp cùng Phòng Giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hợp đồng ủy thác cho 4.472 lượt hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 385,2 tỷ đồng; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, tham quan học tập mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho hàng ngàn hội viên, nông dân tham gia; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở 36 lớp đào tạo nghề cho 1.328 lượt hội viên; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 3.250 tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân đầu tư sản xuất theo hình thức trả chậm; thành lập được 3 câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, 2 mô hình nông hội, 2 chi hội nghề nghiệp, 27 tổ hội nông dân nghề nghiệp... Hội Nông dân huyện và Bưu điện huyện cũng đã ký kết kế hoạch thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Lan Ty-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Cơ-cho biết: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi đã lôi cuốn, khích lệ hàng ngàn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Hàng năm, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến là những tấm gương sáng của tinh thần vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho bản thân và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu. “Thời gian tới, Hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào; hướng dẫn hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, tăng sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu thị trường”-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện thông tin thêm.

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.