Du lịch khu vực Tam giác phát triển: Cần bứt phá mạnh mẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gia Lai có vị trí quan trọng trong số 13 địa phương thuộc khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Đây chính là lợi thế để cùng bắt tay phát huy tiềm năng du lịch với các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự bứt phá mạnh mẽ từ chủ trương cũng như sự vào cuộc của các đơn vị làm du lịch.

Giàu tiềm năng

Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam chiếm 19,3% diện tích tự nhiên của 3 nước với dân số trên 7 triệu người. Tiềm năng phát triển du lịch của khu vực này đã được nhắc đến nhiều lần trong các hội nghị cấp cao khu vực và hội thảo quốc tế về du lịch. Sự tương đồng về điều kiện tự nhiên và trầm tích văn hóa là điểm mấu chốt để 3 quốc gia kết nối cùng phát triển du lịch. Riêng Gia Lai có khá nhiều thuận lợi vì được xem là trung tâm trong Tam giác phát triển của 3 nước Đông Dương.

 Vẻ đẹp của thác Phú Cường (huyện Chư Sê). Ảnh: Phan Nguyên
Vẻ đẹp của thác Phú Cường (huyện Chư Sê). Ảnh: Phan Nguyên


Về thiên nhiên, nếu Gia Lai có Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thì tỉnh Ratanakiri (Campuchia) có Vườn quốc gia Virachey, Khu Bảo tồn động vật hoang dã Lumphat, rừng Nong Kabat; tỉnh Attapeu (Lào) có cao nguyên Boloven, Khu Bảo tồn sinh thái quốc gia Dong Ampham. Gia Lai có thác 50, thác Phú Cường, thác Mơ, thác Đôi, Biển Hồ… thì nước bạn Lào cũng có hệ thống thác ghềnh phong phú như: thác Phạ Phoong, Noong Phạc, Xe Pha, Xe Poong Lay, hồ Kay Ôộc. Campuchia cũng không kém cạnh với thác OuSean Lair, thác Kachang…

Ở lĩnh vực văn hóa, Campuchia nổi tiếng là đất nước chùa tháp với kiến trúc độc đáo, Lào sở hữu nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, Việt Nam hội tụ nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử có giá trị không chỉ đối với quốc gia mà còn với nhân loại như Di chỉ khảo cổ thời đại Đá cũ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Chính những nét tương đồng này đã khiến cho 3 quốc gia mà cụ thể là các tỉnh nằm ở khu vực Tam giác phát triển có nhiều cơ hội kết nối, tạo nên tuyến du lịch “Ba quốc gia-một điểm đến”. Hơn nữa, so với các địa phương khác trong khu vực, du lịch Gia Lai phát triển khá hơn. Lượng khách đến tỉnh tăng bình quân 23%/năm, tổng doanh thu du lịch tăng bình quân 22%/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để Gia Lai đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, phát huy lợi thế, hình thành các tuyến du lịch nội địa và quốc tế.

Bên cạnh những tiềm năng sẵn có, Gia Lai còn nằm ở vị trí rất thuận lợi khi có 2 tuyến quốc lộ 14 và 19 có thể thông với trục quốc lộ 78 (Campuchia) và 18, 16 (Lào), là cầu nối toàn bộ khu vực này với các cảng biển cũng như đến các tuyến quốc lộ đi khắp các tỉnh, thành của Việt Nam. Ngoài ra, từ các trục quốc lộ của nước bạn có thể thông qua quốc lộ 7 (Campuchia) và 13 (Lào) để đến 2 thủ đô Phnôm Pênh và Viêng Chăn.

Trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, việc xây dựng TP. Pleiku thành một trong những đô thị hạt nhân trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam theo hướng đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” luôn được chú trọng.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Đô thị Pleiku giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, giàu bản sắc văn hóa Jrai, Bahnar. Điều đó thể hiện rõ nét qua các thiết chế nhà rông, mô hình làng buôn, nhà mồ cũng như các lễ hội, nét văn hóa truyền thống còn được gìn giữ”.

Với vị trí trọng yếu và những điều kiện thuận lợi ấy, TP. Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung thực sự là vùng động lực của khu vực Tam giác phát triển 3 nước Đông Dương, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Ông Nguyễn Văn Dũng-Giám đốc Khách sạn Tre Xanh (Công ty cổ phần Gia Lai CTC) nhận định: “Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm, có nhiều tuyến đường kết nối đến nước bạn Lào và Campuchia nên rất thuận lợi cho việc di chuyển. Từ Pleiku có thể hình thành nhiều tour từ ngắn ngày đến dài ngày và cả tour khép kín. Giao thông thông suốt là điều kiện tiên quyết để liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia trong khu vực”.

Tăng cường giải pháp kết nối du lịch

Mặc dù rất giàu tiềm năng song việc khai thác du lịch của các địa phương vẫn chưa thực sự khởi sắc. Sự kết nối giữa các tỉnh nằm trong khu vực về du lịch chưa rõ nét. Theo ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ, nguyên nhân một phần là do quy mô và cách thức tổ chức còn nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối giữa cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức làm du lịch với nhau; chưa khai thác hết thế mạnh sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch còn manh mún. Nhiều địa phương trong khu vực tuy nhiều tiềm năng và phong phú các loại hình du lịch song lại thiếu sản phẩm hấp dẫn, đặc sắc, sáng tạo.

Cùng ý kiến, Giám đốc Khách sạn Tre Xanh cho rằng: Các doanh nghiệp lữ hành trong nước chưa có sự gắn kết, hỗ trợ nhau trong việc xây dựng tour, thu hút du khách tham gia các tuyến có điểm đến ở nước bạn Lào và Campuchia. Do các đơn vị hoạt động độc lập, nhỏ lẻ nên thị trường du lịch khu vực này chưa sôi động, chưa tương xứng như mong đợi.

Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Tú
Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Tú


Trong Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 3-2018, Thủ tướng Chính phủ của 3 nước đã nhấn mạnh tiềm năng phát triển du lịch bền vững của khu vực này. Đồng thời, Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh: Các quốc gia cần có kế hoạch đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn liền với sự phát triển của ngành lâm nghiệp, các ngành khai thác tài nguyên, đi đôi với bảo tồn cảnh quan và bảo vệ môi trường tự nhiên; đầu tư các điểm du lịch văn hóa gắn liền với khôi phục và phát triển truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc sống trên địa bàn.

Từ đó, chuẩn bị các điều kiện và tiến tới hình thành các tuyến du lịch từ nội vùng ra ngoại vùng và liên quốc gia, kết hợp du lịch biển, du lịch văn hóa của Việt Nam với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa của Campuchia và Lào. Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú; phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch…

Về phần mình, Gia Lai xác định cần sớm có những đột phá về chính sách thu hút đầu tư, kết nối với các tỉnh của nước bạn. Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Tùng Khánh đề xuất: “Chúng ta cần thành lập tổ công tác cấp quốc gia của 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam để phối hợp hành động, điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch trong khu vực. Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch khu vực, tham gia các chương trình hợp tác du lịch, đặc biệt là chương trình marketing bán các sản phẩm trọn gói chung giữa 3 nước. Mỗi quốc gia cần chú trọng tổ chức sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, xây dựng các chương trình du lịch theo hướng linh hoạt, có thể thay đổi các thành tố theo yêu cầu của khách hàng”.

Cũng theo ông Khánh, tỉnh cần ban hành các chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng tại các công trình trọng điểm để tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch và thu hút các nhà đầu tư; ưu tiên phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như sinh thái, văn hóa; tăng cường cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch. Ngoài ra nên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, thu hút nhân lực du lịch; tập trung củng cố sản phẩm hiện có, xây dựng sản phẩm du lịch mới…

Giám đốc Khách sạn Tre Xanh cũng cho rằng cần có cơ chế, chính sách thu hút để doanh nghiệp tỉnh khác liên kết với các đơn vị lữ hành trong tỉnh, kết nối tour đi đến các điểm đến trong khu vực tam giác phát triển.

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.