Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vì sơ hở nên đã sập bẫy kẻ lừa đảo.
Mặc dù đang giãn cách xã hội, chị Thanh Thảo (SN 1980, ngụ quận 3, TP HCM) vẫn phải ra ngân hàng trình báo về việc bị lừa mất 9 triệu đồng.
Từ gọi điện đến hack Facebook
Trao đổi với phóng viên, chị Thảo cho biết từ nhiều năm trước, đều đặn mỗi tháng người bạn ở Mỹ gửi tiền về nhờ chị làm từ thiện, giúp đỡ người khó khăn. Giữa tháng 7-2020, chị Thảo nhận được tin nhắn Facebook của bạn nhờ nhận 500 USD để ủng hộ người gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Không nghi ngờ gì, chị Thảo nhấp vào đường link trên tin nhắn Facebook và nhập các yêu cầu, khai báo thông tin. Khi thủ tục vừa hoàn thành, tài khoản ngân hàng của chị bị trừ 9 triệu đồng.
"Số tiền đó tôi để dành đóng học phí cho con. Vì một phút mất cảnh giác mà tôi đã rơi vào bẫy kẻ gian. Tôi ra ngân hàng thì nhân viên nói tài khoản nhận là Trần Minh Ngọc, ngoài ra ngân hàng không thông báo gì thêm"-chị Thảo buồn bã nói.
Chiêu lừa không mới nhưng gần đây vẫn được các đối tượng sử dụng là giả nhân viên cơ quan chức năng điện thoại để kêu gọi góp tiền hoặc dọa nạn nhân việc đóng phạt nguội, điện lực cắt điện… Giữa tháng 7-2021, anh H.N.N (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) được một người gọi điện giới thiệu là nhân viên y tế ở TP HCM, cung cấp số lượng người bị cách ly ở ký túc xá ĐHQG TP HCM đang gặp khó khăn, kêu gọi anh góp tiền giúp đỡ và cho biết đã có nhiều nhà hảo tâm quyên góp tiền vào tài khoản của mình. Không những vậy, người này còn hứa sẽ đề xuất lãnh đạo ưu tiên để anh N. được tiêm vắc-xin sớm nếu anh đóng góp tiền. Tưởng thật, anh N. liền chuyển 2 triệu đồng nhưng ngay sau khi chuyển tiền xong, anh N. không thể liên lạc được với "nhân viên y tế" này do điện thoại đã bị tắt nguồn.
Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Tân (SN 1987, ngụ quận 12, TP HCM) kể vừa nhận hóa đơn tiền điện một ngày, chưa kịp thanh toán thì một số điện thoại gọi đến thông báo anh nợ tiền điện chưa trả. Sau khi làm theo hướng dẫn, anh Tân gặp được "tổng đài viên" là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, có giọng nói rất gắt, cho biết anh lắp 1 đồng hồ điện ở Hà Nội và đấu dây gian lận 22.000 KWh điện. Do đó, "điện lực đã ra quyết định khởi tố" vụ án hình sự đồng thời phạt số tiền 60 triệu đồng. Biết là chiêu trò lừa đảo, anh Tân nói nhà cách công an quận chỉ vài mét, để sang nhờ can thiệp. Nghe đến đây, đầu dây bên kia liền nhanh chóng cúp máy và chặn số của anh Tân.
Mới đây, ngày 25-7, khi đang ngồi ăn cơm cùng gia đình, anh N.T.H (ngụ quận 4) nhận được tin nhắn từ số điện thoại +6286850813731 với nội dung: "(scbbank) chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đã bị người khác đăng nhập và dùng 10 triệu đồng. Nếu không phải bạn, vui lòng nhấp vào www.geoke.cn để kiểm tra". Cảnh giác, anh H. đã điện thoại hỏi nhân viên ngân hàng Sacombank và được trả lời là tin nhắn lừa đảo.
Nhiều người nhấp vào đường link lạ mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Ảnh: TẤN NGUYÊN |
Báo ngay cho cơ quan công an
Theo Công an TP HCM, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi cướp, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số phương thức, thủ đoạn có thể xảy ra như: giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát "thuốc diệt khuẩn" nhằm lừa đảo thu tiền của người dân. Kẻ gian cũng có thể giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vắc-xin Covid-19, đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng nhưng sau đó chiếm đoạt hoặc cung cấp vắc-xin Covid-19 giả.
Đối tượng còn giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản; đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19 để vận động quyên góp, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, đối tượng còn gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.
Bên cạnh các hành vi trên, kẻ lừa đảo còn gửi các tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến website giả mạo có tên, địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản. "Nếu gặp các trường hợp trên, cần báo ngay cho công an để được hỗ trợ" - Công an TP HCM cảnh báo.
Không nên nhấp vào đường link lạ Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội CSHS Công an quận 10 (TP HCM), cho biết từng tiếp nhận rất nhiều đơn tố cáo bị lừa qua Facebook, qua điện thoại và qua các mạng xã hội khác. Thông thường, kẻ gian sẽ dẫn dụ nạn nhân sa vào một câu chuyện có liên quan đến họ như yêu cầu nhấp vào đường link để nhận tiền cọc thuê nhà, nhờ nhận tiền giúp hoặc thanh toán tiền mua hàng online. Khi nạn nhân nhấp vào đường link và điền thông tin, nhập mã OTP gửi về điện thoại thì tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ nhanh chóng "bốc hơi". "Do đó, người dân không được tò mò nhấp vào đường link lạ với bất kỳ lý do nào. Khi nhận được yêu cầu trợ giúp chuyển tiền trong trường hợp khẩn cấp, phải tìm cách liên lạc với người nhờ giúp đỡ bằng cách gọi điện xác thực. Ngoài ra, những người trẻ trong gia đình phải thường xuyên cập nhật, thông tin với cha mẹ, ông bà về các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao để họ biết và đề phòng" - thiếu tá Nguyễn Chí Thanh nói. |
Theo PHẠM DŨNG-SỸ HƯNG (NLĐO)