Đòn hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để tiến hành các hoạt động xâm lấn Biển Đông là một "đòn phản công" hiểm mà nước này nhắm vào Mỹ và đồng minh phương Tây.
Sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào rạng sáng 2-4, ngày 14-4, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 (gọi tắt là tàu khảo sát HD08) của Trung Quốc lại xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158 km.
Thế giới phản đối
Reuters dẫn dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi dữ liệu hàng hải, cho biết về sự xuất hiện nói trên của tàu khảo sát HD08, được hộ tống bởi ít nhất một tàu hải cảnh và ít nhất cũng có ba tàu cảnh sát biển Việt Nam đang di chuyển gần khu vực hoạt động của các tàu Trung Quốc này.
Reuters nhận xét rằng tàu khảo sát HD08 của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống trở lại Biển Đông giữa lúc đại dịch Covid-19 đang bùng phát và Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc lợi dụng thế giới bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19 để có các hoạt động gây bất ổn trên Biển Đông, tiếp sau thời điểm 3 tàu hải cảnh nước này đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra tuyên bố "Kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu và ngừng lợi dụng thời điểm các quốc gia khác gặp khó khăn để mở rộng các yêu sách bất hợp pháp của mình ở Biển Đông".
Một nhà nghiên cứu của ISEAS-Yusof Ishak, có trụ sở tại Singapore, cũng cho rằng việc triển khai tàu khảo sát, một lần nữa Trung Quốc khẳng định chủ quyền vô căn cứ của mình trên Biển Đông. Trung Quốc đang lợi dụng việc đại dịch Covid-19 làm phân tán sự chú ý của quốc tế để tăng sự hiện diện ở Biển Đông, trong khi Mỹ và châu Âu đang gặp khó khăn trong đối phó với đại dịch.
Đòn thâm hiểm của Trung Quốc
Hàng loạt câu hỏi được giới quan sát đặt ra là tàu khảo sát HD08 và một số tàu hải cảnh hộ tống tiến xuống Biển Đông nhằm mục đích gì? Có tiến hành các hoạt động vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông hay vẫn chỉ thực hiện quyền "đi qua vô hại"?...
Để có một cách nhìn thật sự đúng đắn, khách quan, chúng tôi cung cấp và phân tích một số thông tin liên quan.
Thứ nhất, phải thấy ngay rằng từ đầu năm 2020 đến nay, lợi dụng dịch Covid-19, Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động gây phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc phải hoãn cuộc tập trận quy mô lớn hằng năm ở Nội Mông với sự tham dự của tất cả các lực lượng quân đội do khủng hoảng của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn không "bỏ quên" Biển Đông mà tiếp tục duy trì các hoạt động trên thực địa để củng cố sự hiện diện trên Biển Đông, cũng như đẩy mạnh truyền thông sai lệch nhằm vào Việt Nam và Mỹ.
Có thể kể đến việc Trung Quốc tận dụng sức mạnh truyền thông thông qua các vụ việc như: Cho các tàu cá, tàu dân binh vây ráp, uy hiếp quanh đảo Thị Tứ; công bố hoạt động của hai trạm nghiên cứu khoa học trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; tổ chức tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông.
Gần đây, ngày 13-4, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời phát ngôn viên của Hải quân Trung Quốc thông tin nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của nước này đã lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận, cùng với thông điệp về sức mạnh quân sự của tàu sân bay này. Đó là nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh gồm tổng cộng 6 chiến hạm. Ngoài tàu Liêu Ninh, các tàu còn lại là 2 tàu khu trục Tây Ninh (117) và Quý Dương (119) cùng loại Type-052D (lớp Lữ Dương 3), 2 tàu hộ tống Tảo Trang (542) và Nhật Chiếu (598) cùng loại Type-054A (lớp Giang Khải 2), tàu hậu cần Hồ Hô Luân (965) loại Type-901. Các tàu khu trục và tàu hộ tống trong nhóm tác chiến này đều thuộc thế hệ mới với nhiều trang bị khí tài hiện đại. Thậm chí, tàu khu trục lớp Lữ Dương 3, độ choán nước 7.500 tấn, được Bắc Kinh tự hào giới thiệu đã tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa tương đương hệ thống Aegis trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tổ chức tuyên truyền về việc đưa số lượng lớn tàu cá và tàu hải cảnh xâm phạm vùng biển Natuna của Indonesia. Đặc biệt trong tháng 3 có nhiều bài viết vu khống "Tàu cá Việt Nam tăng cường xâm nhập vùng biển Trung Quốc để làm gián điệp", "Biển Đông lại xảy ra xung đột, tàu cảnh sát biển Việt Nam khiêu khích tàu khu trục Trung Quốc"…
Thứ hai, đó chính là việc Trung Quốc đang triển khai kế sách "mượn gió bẻ măng". Dịch Covid-19, bắt nguồn từ Vũ Hán, từ cuối năm 2019, rồi chỉ sau một thời gian ngắn, nhanh chóng lan rộng ra hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trở thành đại dịch nguy hại và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Đại dịch đã nhanh chóng lan rộng, không thể kiểm soát được mà nguyên nhân của nó là xuất phát từ tình trạng chủ quan, mất cảnh giác do thiếu thông tin hoặc thông tin không kịp thời, bị bóp méo một cách có chủ ý. Vì vậy, nhiều người hoài nghi việc Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh - như cáo buộc của Mỹ, phải chăng nước này đang "mượn gió bẻ măng"? Nếu đúng như nhận định nói trên thì có thể nói đây được coi là một "đòn phản công" khá hiểm mà Trung Quốc nhằm vào Mỹ và đồng minh phương Tây. Và Biển Đông đang và sẽ chịu tác động của "đòn phản công" thâm hiểm này.
 Tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc. Ảnh: SCHOTTEL
Tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc. Ảnh: SCHOTTEL

Đoàn kết đấu tranh, củng cố niềm tin

Tình hình thế giới nói chung và Biển Đông nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp, nhất là thời kỳ hậu đại dịch Covid -19. Cho nên, trước mắt, Việt Nam, cộng đồng các nước ASEAN và thế giới cần tập trung ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Để có được phương án đấu tranh và hành xử có hiệu quả trước các hành động, mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, chúng ta cần phải hết sức thận trong nghiên cứu, đánh giá mọi tình huống một cách thật sự khách quan, khoa học. Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "...Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua…". Muốn thực hiện được chỉ thị quan trọng này, chúng ta cần tiếp tục công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức cơ bản về chính trị, pháp lý liên quan đến việc xác lập và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Nếu kiến thức về biển đảo của cán bộ và nhân dân được nâng cao thì mọi phương án đấu tranh và phương cách hành xử sẽ thích hợp, hiệu quả và cũng chính là yếu tố cơ bản tạo lập và củng cố niềm tin chiến lược, cơ sở để gắn kết khối đoàn kết vững chắc trong cộng đồng. Điển hình là việc các nước trên thế giới và khu vực, nhất là Mỹ và Philippines kịp thời lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam và lên án mạnh mẽ những hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian vừa qua. Có thể thấy nội dung trong các tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đặc biệt là nội dung Công hàm ngày 30-3-2020 của Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ gửi Tổng Thư ký LHQ thể hiện lập trường, quan điểm pháp lý một cách chính xác, rõ ràng, cụ thể hơn so với trước đây.
Ngoài ra, hơn lúc nào hết, chúng ta phải duy trì, phát huy, tranh thủ đoàn kết, từ đoàn kết trong nước, trong từng quốc gia đến đoàn kết trong cộng đồng khu vực và quốc tế để phát huy sức mạnh đấu tranh trên cơ sở hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam theo dõi sát tình hình
Ngày15-4, trả lời câu hỏi của báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. "Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của UNCLOS 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông…" - bà Hằng nhấn mạnh.
D.Ngọc
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục (Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ)
Dẫn nguồn NLĐO

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.