Đồn Biên phòng Ia Pnôn: Vững vàng trên vùng đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Đồn Biên phòng Ia Pnôn là mục tiêu tấn công lấn chiếm vô cùng ác liệt của kẻ địch. Tuy nhiên, với điểm tựa vững vàng của quân dân tuyến sau, những người lính trong đơn vị đã kiên trung chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Hơn 40 năm kể từ ngày biên giới ngừng tiếng súng, vẫn với tinh thần và điểm tựa ấy, người lính Biên phòng Ia Pnôn luôn vững vàng “thế đứng” của mình.
“ĐẤT KHÓ” ĐÂU CHỈ MỖI ĐẠN BOM
Trước khi lập nên kỳ tích trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Ia Pnôn còn được nhiều người biết đến như một “túi đạn” khổng lồ của Mỹ-ngụy trút xuống hòng triệt tiêu sức chiến đấu của Quân giải phóng. Nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại với những địa danh đã trở thành biểu tượng của chiến thắng như: Chư Ty, Chư Bồ, Plei Me, thung lũng Ia Drăng, nơi đây phải gánh chịu rất nhiều bom đạn hủy diệt. Nhưng chiến tranh không phải thứ duy nhất tạo nên vùng “đất khó” Ia Pnôn.
Vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ bao cấp là những thử thách chông gai về niềm tin khi bọn phản động FULRO được sự “chống lưng” của các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Sau những cuộc bạo động vũ trang của đám tàn quân FULRO gây ra nỗi đau cho buôn làng biên giới là luận điệu tuyên truyền, lây lan tư tưởng dân tộc hẹp hòi, hình thành cái gọi là “Tin lành Đê ga” kích động người nhẹ dạ cả tin tụ tập gây rối, nhen nhóm vượt biên. Niềm tin bị thử thách thì đương nhiên sự mơ hồ sẽ còn “đất diễn”, xã Ia Pnôn trở thành một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh của huyện Đức Cơ. Và đây chính là chướng ngại lớn nhất trên con đường phát triển.
 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn phải luồn rừng, lội suối để tuần tra biên giới. Ảnh: T.K.N
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn phải luồn rừng, lội suối để tuần tra biên giới. Ảnh: T.K.N
Ở địa bàn là thế. Trên biên giới, người lính Biên phòng còn phải đối diện với những khó khăn từ môi trường khắc nghiệt của tự nhiên. Đứng chân giữa cánh rừng khộp mênh mông, nơi mưa xuống là ngập, nắng lên là hạn, đất đai cằn cỗi bạc màu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn phải luôn vượt qua những giới hạn của bản thân để vững vàng bám trụ. Vất vả nhọc nhằn là điều hiển nhiên kể cả khi nơi ăn chốn ở, cơ sở vật chất đã được cải thiện. Mặc dù chỉ quản lý bảo vệ 7,2 km đường biên giới, song nhiệm vụ của đơn vị rất khó khăn khi nơi đây chưa phân giới cắm mốc, chưa có đường tuần tra. Để thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn chỉ có sự lựa chọn duy nhất là luồn rừng lội suối bằng “mắt trần chân thịt”. Trong 3 năm trở lại đây, đơn vị tập trung xây dựng doanh trại mới với hàng ngàn mét khối đất đá được san lấp, nhiều hạng mục công trình kiến thiết từ đầu được thực hiện trực tiếp bằng đôi tay người lính. Tuy nhiên, mọi thử thách gian truân cuối cùng cũng đã bị khuất phục bởi tình yêu biên giới.
BỮA CƠM CHIỀU VÀ TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH
Tình yêu biên giới của người lính Biên phòng được thể hiện bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, chỉ cần trải nghiệm bữa cơm chiều với đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Pnôn là chúng tôi đã có thể cảm nhận được ngay.
Mới 5 giờ 30 phút chiều, mâm cơm ở đội công tác địa bàn đã được dọn sẵn. Hơn 3 tháng nay, kể từ ngày nhận nuôi cậu bé Rơ Mah Sim, mỗi bữa ăn, anh em trong đội lại thêm một khẩu phần và dành ra một chén gạo góp vào hũ gạo tình thương để hàng tháng mang xuống trợ giúp cho bà Rơ Lan Thơm-một người già neo đơn, tật nguyền sống ở làng Chan. Bữa cơm chiều biên giới của lính Biên phòng tuy có phần gấp vội nhưng với cách thể hiện tình cảm như thế cũng đủ làm lay động trái tim của nhiều người. Xong phần “thủ tục”, chỉ duy nhất 1 cán bộ ở nhà hướng dẫn kèm cặp cho cậu con nuôi học tập, số còn lại chia nhau đi xuống 4 làng, cứ thế dọc dài cho đến khi gà gáy sang canh.
Sở dĩ có bữa cơm chiều gấp vội là bởi vào thời điểm cuối năm, bà con ở các làng: Ba, Bua, Chan, Tên thường đi rẫy đến khi mặt trời khuất núi mới về. Tranh thủ quãng nghỉ hiếm hoi vào buổi tối, các chủ nhân vùng biên giới lại được quây quần bên nhau. Thêm nữa, xã Ia Pnôn là địa bàn khá nhạy cảm về an ninh nên việc có ai đó vắng mặt mà không rõ lý do cũng rất dễ “sinh chuyện”. Chính vì lẽ đó, bữa cơm chiều kết thúc nhanh chóng để anh em trong đội công tác còn phải xuống địa bàn “đón dân”.
Trên đường xuống làng Chan, Đại úy Rơ Lan Thức-Đội trưởng vận động quần chúng-cho biết: “Những chuyến đi vào buổi tối thế này cơ bản anh em gặp gỡ các gia đình do mình phụ trách (đảng viên phụ trách hộ gia đình-N.V) và những đối tượng nghèo, neo đơn cần trợ giúp. Tuy nhiên, bất kể ai vắng mặt là chúng tôi có thể nắm bắt được ngay. Đi mãi thành quen, được gặp gỡ, chia sẻ những vất vả nhọc nhằn với bà con sau ngày làm việc là niềm vui của chúng tôi”.
 Chúng tôi vào nhà bà Ksor Bluch-hộ gia đình do Đại úy Thức phụ trách ở làng Chan và cũng là đối tượng được Đồn Biên phòng Ia Pnôn chăm lo đặc biệt từ nhiều năm qua. Năm nay đã gần 70 tuổi, bà Bluch là chứng nhân cho sự thủy chung của bộ đội với nhân dân trên địa bàn biên giới. Bà cho biết, vào thời khắc khó khăn nhất như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới hơn 40 năm về trước, hay những trận đọ súng vào sinh ra tử, truy quét bọn phản động FULRO, cũng như cuộc chiến dai dẳng chống “giặc nghèo” hôm nay, Đồn Biên phòng Ia Pnôn vẫn luôn đồng hành, hết lòng giúp đỡ nhân dân. Với riêng gia đình bà, Đồn Biên phòng thực sự là “bà đỡ” đúng nghĩa. “Mấy năm trước, thấy nhà mình khổ quá, Đồn đã tặng 1 con bò giống để nuôi. Từ nguồn vốn quý giá này, mình phát triển lên thành đàn bò trị giá gần 50 triệu đồng nên cuộc sống giờ cũng đã khá hơn rất nhiều. Chỉ có tình cảm của bộ đội Cụ Hồ mới chăm lo cho nhân dân như thế”-bà Bluch chia sẻ.
Từ “công thức” bữa ăn của người lính Biên phòng đến những chuyến đi miệt mài trong đêm vắng, từ những phận đời bé nhỏ, yếu đuối được chở che cho đến những chương trình lan tỏa lòng nhân ái, tất cả đều là tình yêu biên giới, sức mạnh giúp cho Đồn Biên phòng Ia Pnôn tạo thế đứng vững vàng trên vùng đất khó.
 THÁI KIM NGA

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.