Đối tượng mạo danh công an và viện kiểm sát gọi điện thoại hù dọa, yêu cầu chuyển hàng trăm triệu đồng vào tài khoản rồi rút ra chuyển về Trung Quốc.
Hám lợi, hai người Trung Quốc lĩnh án vì liên quan đến đường dây giả danh công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tiền. |
Tòa án Hà Nội ngày 22-8, đưa Đàm Thi Nhân (SN 1984) và Triệu Tiểu Mỹ (SN 1980) – cùng quốc tịch Trung Quốc ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, khoảng 8/2016, trên địa bàn Hà Nội và TP.Nha Trang (Khánh Hòa), có một số kẻ giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, gọi điện thoại cho một số người dân thông báo họ liên quan đến các vụ án. Sau đó những người này yêu cầu bị hại kê khai các sổ tiết kiệm tại ngân hàng rồi chuyển tiền đến các tài khoản chúng cung cấp.
Điển hình là trường hợp bà Tường. Vào ngày 24/8/2016, bà nhận được điện thoại gọi vào máy cá nhân tự xưng là cán bộ điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh. Người tự xưng cán bộ điều tra cho biết, số chứng minh nhân dân (CMND) của bà Tường đã bị người xấu sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Để bị hại tin tưởng, cán bộ điều tra cho bà nói chuyện với một người tự xưng là Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Tại cuộc nói chuyện, vị Viện phó yêu cầu bà kê khai toàn bộ tài sản hiện tại đang có. Tưởng thật, bà Tường đã kê khai nhiều sổ tiết kiệm với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
“Phó viện trưởng” thông báo, tất cả các số tiết kiệm này đã bị khóa, yêu cầu bà Tường rút toàn bộ tiền trong 2 cuốn sổ tiết kiệm.
Cùng ngày, bà Tường rút tiền và chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản chúng chỉ định.
Ngày 25-8-2016, cũng theo yêu cầu của “phó viện trưởng”, bà Tường rút toàn bộ tiền tiết kiệm còn lại gửi vào tài khoản do của chúng.
Cũng trong khoảng thời gian trên, vào ngày 26-8-2016, chị Kim (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) nhận được cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo, chị có đăng ký một số điện thoại ở TP.Móng Cái, Quảng Ninh. Số điện thoại này đang nợ cước gần 9 triệu đồng.
Khi người phụ nữ này phủ nhận việc đăng ký số điện thoại ở TP. Móng Cái thì nhân viên bưu điện cho nói chuyện với người tự xưng là trung úy Nguyễn Lan Phương thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh.
Người tự xưng là trung úy công an hỏi chị Kim có làm mất chứng minh thư hay không.
Người phụ nữ này thật thà, cho hay bị mất chứng minh thư năm 2014. Sau đó, trung úy công an thông báo có tài khoản ngân hàng mang tên chị thường xuyên giao dịch với số tiền 850 triệu đồng.
Bắt thóp được sự nhẹ dạ của chị Kim, đối tượng tiếp tục cho biết, số CMND của chị đang liên quan đến vụ án mua bán ma túy. Người này yêu cầu chị nộp tất cả tài sản có trong các sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng để kiểm tra.
Sau cuộc nói chuyện chị Kim đã chuyển 280 triệu đồng vào tài khoản do chúng cung cấp.
Sau khi trấn tỉnh, bị hại đến trình báo cơ quan công an. Lần theo manh mối là các số tài khoản nhận tiền, cơ quan công an bắt giữ Mỹ và Nhân.
Tại phiên tòa sáng nay, Mỹ khai, khoảng tháng 8/2016, chị ta được anh trai là Triệu Vỹ Trung bảo tìm người tin tưởng có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để nhận tiền vi phạm pháp luật. Trung thỏa thuận, sẽ chia cho Mỹ 1% và người có tài khoản nhận 1%.
Mỹ đã điện thoại cho Nguyễn Thị Luận, người Cao Bằng, buôn bán thóc gạo, mượn tài khoản ngân hàng.
Khi có 600 triệu đồng chuyển vào tài khoản, Trung điện thoại cho Mỹ biết và bảo đi rút tiền về. Số tiền này là của bà Tường gửi vào.
Ngày 25-8-2016, Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, để lấy tiền Luận rút ra hộ. Tuy nhiên, Luận rút và trả trước 400 triệu, còn 200 triệu vài hôm sẽ trả nốt.
Vài ngày sau, Mỹ sang Việt Nam lấy số tiền còn lại thì bị công an đưa về trụ sở làm việc.
Tương tự, Đàm Thi Nhân được một người đàn ông Trung Quốc tên Kang nhờ mượn tài khoản để nhận tiền chuyển vào. Kang hứa cho Nhân 1% số tiền rút được.
Ngày 23-8-2016, Nhân mượn tài khoản ngân hàng của một người bạn ở Cao Bằng và hứa sẽ chia tiền công.
Ngày 25-8-2016, tài khoản của người này nhận được số tiền 300 triệu đồng nên báo cho Nhân đến rút.
Nhân nhập cảnh vào Việt Nam và nhận số tiền này. Tiếp đó, người phụ nữ này còn nhận 280 triệu đồng khác từ tài khoản mượn của bạn.
Ngày 29-8-2016, Nhân tiếp tục có nhận số tiền 150 triệu và hơn 300 triệu đồng đổ về tài khoản mượn của người bạn Việt Nam.
Ngày 30-8-2016, Nhân sang Việt Nam để tiếp tục nhận tiền thì bị mời về trụ sở làm việc.
Các bị cáo khai, biết đó là tiền phạm pháp nhưng do được trả tiền công lớn nên “nhắm mắt” làm theo.
Sau nửa ngày xét xử, với hành vi phạm tội của các bị cáo, HĐXX của Tòa án Hà Nội tuyên phạt Mỹ 9 năm tù giam, Nhân 13 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việt Đức (VOV)
** Tên bị hại đã thay đổi